Hạn, mặn đe dọa vùng chanh Bến Lức
15:51 - 20/05/2016
Những ngày này, hàng ngàn hộ nông dân trồng chanh tại huyện Bến Lức (Long An) như ngồi trên đống lửa. Hàng ngàn ha chanh của nông dân đang đối mặt với nguy cơ cháy khô, rụng lá do hạn mặn.
Thiếu nước tưới, hàng ngàn ha chanh của nông dân Bến Lức đang bị đe dọa

Thiệt hại lớn

Bà Bùi Thị Kiều Oanh, Phó trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bến Lức cho biết, hiện nước từ sông Bến Lức dẫn vào các kênh nội đồng trong huyện đều đã bị nhiễm mặn nghiêm trọng, độ mặn lên đến 2,5 - 6g/l. Trong khi đó, độ mặn tối đa có thể dẫn nước tưới cho cây chanh không quá 2g/l.

Trước tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, ngành nông nghiệp huyện đã có chủ trương đóng các cống ngăn mặn. Do đó hơn 3 tháng nay, nội đồng huyện Bến Lức không có nguồn nước tưới bổ sung, hàng ngàn ha chanh của nông dân đang bị đe dọa.

Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có gần 5.000ha chanh thì hầu như toàn bộ diện tích trên đều bị ảnh hưởng. Trong đó, diện tích bị thiệt hại nghiêm trọng từ 30 - 70% trở lên chiếm gần 1.000ha, số còn lại cũng đều rơi vào tình trạng suy kiệt.

Tại các xã trồng chanh trọng điểm của huyện như Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình, nông dân như đang ngồi trên đống lửa. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa - Dương Công Khái chia sẻ, toàn xã có khoảng 1.800ha chanh. Đến nay, 100% diện tích trên bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, trong đó có 16ha chanh bị chết khô, 144ha bị thiệt hại từ 30 - 70%.

Ông Vũ Ngọc Báo, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hòa cho biết, HTX của ông gặp khó khăn do nhiều diện tích chanh của các xã viên bị khô héo, suy giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đáp ứng đơn hàng cho các đơn vị phân phối.

Theo ông Báo, để cầm cự, nhiều nông dân trong HTX đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua ghe chở nước với giá cao. Số nước ngọt ít ỏi này được nông dân cho vào các can nhựa rồi tưới nhỏ giọt cho từng gốc, cố gắng duy trì vườn chanh. Theo ước tính, trên mỗi ha trồng chanh, nông dân bị thiệt hại từ 150 - 180 triệu đồng do đợt hạn, mặn này gây ra.

Xác định nông dân trồng chanh phải sống chung với hạn, mặn, Trạm Khuyến nông huyện sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất của người dân. Khuyến khích, hỗ trợ người dân tự chủ nguồn nước bằng cách khoan giếng, đào các ao hồ nhỏ tích trữ nguồn nước.
Mặt khác, công tác thủy lợi phải được các cơ quan chức năng quan tâm hàng đầu. Các xã vùng trồng chanh đang rất cần nguồn kinh phí để xây dựng các cống ngăn mặn tại mỗi đầu các kênh rạch...

Tại xã Thạnh Lợi, tình trạng hạn, mặn cũng đang làm cho người nông dân điêu đứng. Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi - Nguyễn Hồng Tâm cho biết, xã có khoảng 1.500ha đất trồng chanh đang phát triển. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước ngọt làm ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như chất lượng trái.

Ông Huỳnh Văn Hai, ngụ ấp 3, xã Thạnh Lợi cho biết, ông có 2 ha, trồng 800 gốc chanh được 7 năm tuổi. Hơn cả tháng nay, vườn chanh nhà ông không có nước tưới, vì vậy, không có thu hoạch.

Do chanh bị cắt nước tưới nên sâu bệnh tấn công khá nhiều nhưng ông Hai không dám dùng bất kỳ loại thuốc BVTV nào, bởi nếu dùng thuốc thì không có nước tưới phun xả, cây dễ chết. 800 gốc chanh của ông giờ có khoảng 50 gốc chết, số còn lại ông đang tỉa cành để tránh cây mất sức.

Đối với những gốc chanh có tuổi đời lớn thì ông Hai không tưới nước; còn với 70 gốc mới trồng, ông Hai nghĩ ra cách mua vỏ chai nước ngọt loại 1,5 lít cắt bỏ đít chai và mua dây nhựa (giống loại dây chuyền nước, thuốc cho người bệnh) nối vào chai tưới kiểu nhỏ giọt. Nhờ vậy, những gốc chanh mới trồng vẫn xanh tốt, nhảy đọt non.

Phải sống chung với hạn, mặn

Theo bà Oanh, việc nhiều diện tích chanh bị thiệt hại trong đợt hạn, mặn này là đều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thiệt hại có thể sẽ được hạn chế nếu người nông dân có cái nhìn đúng đắn cũng như sự chuẩn bị chu đáo hơn.

Cụ thể, trước đợt hạn, mặn này diễn ra, ngay từ tháng 1, ngành nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện đã ra sức khuyến cáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như sự chuẩn bị cho người dân bằng các giải pháp như: Tích cực tích trữ nguồn nước ngọt trong ao hồ, mương kênh; ủ kín gốc chanh; bón phân hữu cơ như tro, xơ dừa; cắt tỉa cành… tuy nhiên người dân rất thờ ơ.

Ngoài ra, một bộ phận nông dân bất chấp với khuyến cáo, không tiến hành đo độ mặn bằng dụng cụ chuẩn mà chỉ thử mếm bằng miệng rồi lấy nước từ kênh đưa vào tưới cây, dẫn đến nhiều vườn bị tưới nước nhiễm mặn khiến cây chết. Nguy hại hơn là đất bị nhiễm mặn mà không có cách nào để rửa mặn.

THANH SA
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo