Cảm hứng từ... ấp Chánh
09:37 - 04/05/2016
“Con tàu” nông thôn mới (NTM) TP.HCM sắp cập bến. Nhìn lại chặng đường này, mới thấy ấp Chánh (xã Tân Thông Hội, Củ Chi) - ấp đầu tiên xây dựng mô hình điểm NTM của thành phố, là một nguồn cảm hứng, là động lực cho “con tàu” NTM thành phố lao nhanh về đích.

“Bơi” trong biển việc khó, lạ

“Tư lệnh” ấp Hai Mum (Đinh Văn Mum – Bí thư chi bộ ấp, Trưởng Ban vận động xây dựng NTM ấp Chánh) ngồi chờ tôi trong văn phòng ấp.  Ông là người gắn bó suốt quá trình đưa ấp Chánh lên “ấp NTM” của thành phố. “Theo đề án, ấp Chánh là 1 trong 10 ấp trên toàn quốc được chọn xây dựng “ấp NTM” với các tiêu chí cụ thể, như: Xây hầm biogas, đào tạo nghề cho thanh niên nông dân, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, lập mô hình vườn sinh thái, trang bị internet cho văn phòng ấp, nâng mức thu nhập lên 100 triệu đồng/ha/năm, kiên cố hóa hệ thống thoát nước… Công việc nào đối với chúng tôi lúc bấy giờ cũng khó, cũng lạ”- ông Hai Mum cho biết.

 

Chính vì công việc khó và lạ, mà theo ông Hai Mum, 6 tháng đầu triển khai dự án ông và cán bộ ấp chỉ biết “đấu võ mồm” với bà con. “Nhiều việc bà con hỏi, chúng tôi chỉ biết ngẩn tò te. Có người bảo chúng tôi chỉ biết nói chứ không biết làm”-  ông Hai Mum cười ái ngại.

"Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở ấp Chánh (chủ yếu giao thông nông thôn) chiếm tỷ lệ khá cao (20,628 tỷ đồng, tỷ lệ 91,1% kinh phí đề án). Tuy nhiên, người dân đã đóng góp tới 14,428 tỷ đồng, chủ yếu là hiến đất và ngày công lao động.

Phải ghi nhận công sức vận động của các cán bộ, đoàn thể ấp - trong đó nòng cốt là các tổ nhóm. Đây là một minh chứng, kết quả bước đầu của phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực cộng đồng và do dân làm chủ”.

Ông Thái Quốc Dân – Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM

 

 

Ngay đến ông Thái Quốc Dân – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM cũng nhận định là cán bộ địa phương thực hiện dự án lúc bấy giờ khá lúng túng. Theo ông Dân, do tính mới mẻ của mô hình nên nhận thức của cơ quan ban ngành còn hạn chế, chưa hiểu rõ nội dung và đặc thù trong xây dựng và triển khai đề án tại ấp Chánh.

Bên cạnh đó, quan điểm xây dựng mô hình NTM ở cấp ấp theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng địa phương làm chủ để tổng kết làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ Chương trình xây dựng NTM sau này.

Để gỡ khó, thông qua các buổi tập huấn do các trường, viện đảm nhiệm, chi cục phát triển nông thôn đẩy mạnh chương trình nâng cao năng lực về phát triển nông thôn cho cán bộ ấp Chánh và năng lực phát triển cộng đồng cho người dân trong ấp trên cơ sở phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân theo phương châm: Dựa vào sức dân để lo cho dân, Nhà nước hỗ trợ tạo động lực để phát huy nội lực của người dân và cộng đồng.

“Lần lượt thông qua các buổi tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng dân cư, duy trì sinh hoạt theo từng chuyên đề, các hoạt động về cách thức tiến hành xây dựng NTM, đã nâng một bước trong nhận thức các cấp”- ông Dân nhận định.

Có thể thấy đây là kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương nhằm xây dựng Chương trình NTM khá bài bản mà sau này khi triển khai Chương trình xây dựng NTM ở 56 xã của thành phố không được như thế.

Vui nhất là dân có thu nhập cao…

 “Tư lệnh” Hai Mum dẫn tôi đi “mục sở thị” một vòng ấp Chánh. Dấu vết của “5 Xanh” (các chỉ tiêu mà Ban điều hành ấp Chánh đề ra lúc thực hiện đề án “ấp NTM”), như: Đường xanh, vườn xanh, nhà xanh, túi xanh và đầu xanh vẫn còn đậm nét.

Sau khi hoàn thành chương trình “ấp NTM” vào năm 2009, hệ thống đường giao thông tại ấp Chánh đã được hoàn thiện. Toàn ấp có 14 tuyến đường giao thông liên tổ, liên xã đều đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa. Bà con ấp Chánh đã hiến khoảng 12.000m2 đất và hàng trăm ngày công để hoàn thiện hệ thống đường giao thông xanh, sạch, đẹp trong ấp. Để tạo môi trường xanh sạch đẹp, trên địa bàn ấp Chánh người dân đã trồng 2.000 cây bằng lăng, phượng vĩ, cây điệp... trên toàn bộ các tuyến đường.

 

Trên một con đường liên tổ trải nhựa phẳng lỳ, hai hàng cây xanh thẳng tắp, từng tốp học sinh tiểu học lon ton túa ra từ cổng  Trường Tiểu học Tân Thông đạt chuẩn quốc gia. Trường do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và Công ty cổ phần Him Lam hỗ trợ xây tặng với kinh phí 37 tỷ đồng.

Với ông Hai Mum, cái vui nhất của việc ấp Chánh thành “ấp NTM” là biến một vùng đất bạc với nông nghiệp “lèo tèo” thành một ấp có nền nông nghiệp xanh với giá trị gia tăng sản phẩm cây, con. Trước khi làm “ấp NTM”, nông nghiệp ở ấp Chánh chủ yếu là cây ngắn ngày, như rau, dưa leo, khổ qua, bầu bí…

Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng NTM, tình hình sản xuất nông nghiệp trong ấp đã thay đổi rõ rệt. Nhiều nông dân bắt đầu chuyển dịch cơ cấu cây, con có gia trị gia tăng như hoa lan, nuôi heo, bò… với quy mô sản xuất lớn. Ngay như ông Hai Mum cũng vay 300 triệu đồng đầu tư xây dựng trại chăn nuôi heo với quy mô cả trăm con vừa nái, vừa thịt. Lấy bấy giờ trại heo của ông Hai Mum thuộc loại quy mô nhất ở ấp Chánh với chuồng trại theo quy cách, hệ thống thoát nước và hầm biogas… khá chuẩn. Trại heo của ông là mô hình điểm để bà con trong ấp đến học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi.

Tại ấp Chánh, chúng tôi cũng có dịp ghé thăm gia đình anh Nguyễn Thanh Ngà, với mô hình trồng hoa lan. Trước đây, gia đình anh Ngà chủ yếu sản xuất cây ngắn ngày nên thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Thế nhưng khi ấp bắt tay vào xây dựng Chương trình NTM, anh Ngà được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lan và được vay vốn theo chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố. Từ đó, anh mạnh dạn đẩy mạnh sản xuất, đưa diện tích vườn lan của gia đình lên tới gần 3.500m2, với khoảng 15.000 gốc, bình quân thu nhập xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng. "Sắp tới, sẽ tiếp tục vay vốn theo diện hỗ trợ của thành phố để mở rộng diện tích trồng lan, phấn đấu tăng thu nhập hàng tháng đạt hơn 50 triệu đồng/tháng"- anh Ngà cho biết.

Theo ông Thái Quốc Dân, từ mô hình “ấp NTM” ở ấp Chánh, thành phố đã rút ra được những kinh nghiệm để triển khai Chương trình xây dựng NTM ở 56 xã của thành phố, là: Phải được thực hiện một cách toàn diện, chính xác, kịp  thời nhưng phải nắm rõ xu hướng phát triển của địa phương; Khi xây dựng kế hoạch phải đánh giá được khả năng thành công của các kế hoạch phát triển hàng năm và trong tương lai; Kinh phí giải ngân và kế hoạch phải đúng tiến độ; Phải có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền địa phương; Không được đầu tư dàn trải, phải tập trung vào những công việc chính yếu, tạo niềm tin từ người dân...

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo