Vụ ĐX 2014 - 2015, tôi được tham gia hội thảo về giống lúa mới ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa và bắt chuyện với lão nông Nguyễn Bá Ngọc, đội trưởng đội SX số 7, HTX Nông nghiệp Phổ Minh, huyện Đức Phổ.
|
Bà con sẵn sàng bỏ tiền đầu tư mua giống mới nếu thấy hiệu quả (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Gia đình ông trồng 4 sào lúa, khi biết có hội thảo giống lúa mới, ông xin đi cùng HTX để tham quan. Ông nghe giống lúa này từ lâu về tiềm năng năng suất và chất lượng khá nhưng chưa cấy bao giờ. Do đó, ông ra tận nơi để xem thực hư ra sao? Ông gặp chủ ruộng hỏi tỷ mỉ về ưu nhược điểm của nó.
“Người nông dân giờ cũng nhanh nhạy lắm, cái gì tốt thì áp dụng ngay. Bà con không còn tiếc tiền như trước đây để thóc thịt làm giống, họ sẵn sàng bỏ tiền đầu tư mua giống mới. Bà con tính toán chi li, giống lúa nào có nhiều nhược điểm thì loại ngay”, ông Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người chưa có tư duy đổi mới như ông Ngọc. Tại một hội thảo do Trung tâm Khuyến nông huyện Nghĩa Hành phối hợp với một DN trình diễn các giống lúa mới, ông Nguyễn Phát, thôn Xuân Đình, xã Hành Thịnh cho hay, người dân chưa muốn trồng những giống lúa mới cũng có lý do của nó.
Chẳng hạn như Khang dân đột biến, ĐV108 năng suất khá, bán ra thị trường rất ưa chuộng. Hai giống này vừa dùng trong bữa ăn, bán vừa có giá, vì làm nguyên liệu tráng bánh được. Các giống lúa này đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách SX của bà con nên thay đổi không dễ.
Qua khảo sát cho thấy một số giống như Khang dân 18, ĐV108, nông vẫn còn SX. Ông Đào Minh Hường cho hay, Khang dân 18 đã quá "già lão" nhưng thích nghi rất rộng. Những năm 2004, Khang dân 18 bị bệnh đạo ôn, rầy nâu nên bà con không còn sử dụng. Tiếp đó giống lúa Xi23, dài ngày nhưng dân chưa bỏ.
Tuy nhiên càng ngày, những giống lúa này không thích hợp nên Sở đã tìm cách đưa giống mới vào thay thế. Hiện các giống Khang dân 18, Xi 23, Ải 32 ngành nông nghiệp không cơ cấu, tuy nhiên một số vùng vẫn “cố thủ”.