Vướng thủ tục, “tàu 67” khó hạ thủy
17:20 - 05/04/2016
Sau gần 2 năm triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và 55 chủ tàu vay vốn nâng cấp tàu cá. Song đến nay, toàn tỉnh mới có 3 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ gỗ được hạ thủy. Quá trình đóng mới “tàu 67” vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn vì hàng loạt thủ tục nhiêu khê…

Đóng cột mốc chủ quyền

Tay bắt mặt mừng sau chuyến ra khơi, ngư dân Hồ Minh Tiến (trú thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) chủ tàu cá QT 93638 TS cho biết, con tàu vỏ gỗ của anh đóng theo Nghị định 67 có công suất trên 800CV với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng, hạ thủy vào tháng 11.2015. Đến nay, tàu anh Tiến đã ra khơi được 5 chuyến biển, đem về thu nhập trên 1 tỷ đồng.
 

Còn ngư dân Đoạn Văn Dũng (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) - chủ tàu cá QT 90999 TS hồ hởi: “Tôi được đóng và hạ thủy con tàu vỏ thép trị giá 15,4 tỷ đồng, công suất 822CV. Với con tàu hiện đại này, tôi sẽ vươn khơi xa thu nhiều tôm cá hơn, đi biển được dài ngày hơn và quan trọng là để góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.

Tàu vỏ thép của ông Đoạn Văn Dũng (trú thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị). Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, sau hơn một năm triển khai, tỉnh đã phê duyệt 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới (trong đó có 19 tàu vỏ thép, 10 vỏ gỗ, 3 tàu vỏ composite) và 55 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tổng giá trị hợp đồng cho vay đóng mới và nâng cấp tàu lên tới 254,5 tỷ đồng, 2 ngân hàng là BIDV và Agribank đã giải ngân gần 109,2 tỷ đồng. 2 ngân hàng trên đã thẩm định hồ sơ và ký kết hợp đồng cho vay đóng mới 15 tàu và nâng cấp 19 tàu.
 

Quá nhiều thủ tục nhiêu khê

Ngư dân Nguyễn Văn Trọng (trú thị trấn Cửa Việt) cho hay, ông bắt đầu đóng con tàu vỏ thép 15,1 tỷ đồng, công suất 829CV của mình vào tháng 6.2015 nhưng thời gian đóng kéo dài lê thê. “Thủ tục đăng kiểm phức tạp, thời gian đóng tàu kéo dài khiến ngư dân bị thiệt hại. Hơn nữa, tàu có thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu khai thác thủy sản sẽ gây phát sinh nhiều vấn đề bất cập khi bước vào hoạt động” – ông Trọng nói.

Ông Võ Văn Thụ -  Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt cho hay, thiết kế tàu vỏ thép còn nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với việc đánh bắt của ngư dân. Ví dụ như tàu có quá nhiều van, ống dẫn chiếm diện tích, gây lãng phí tiền của, vật liệu và còn nguy hiểm cho ngư dân khi hoạt động. Việc lập dự toán từ bản thiết kế thiếu chính xác gây khó cho doanh nghiệp đóng tàu. Đơn giản như một tấm kính trên tàu được dự toán 1,1 triệu đồng nhưng giá chính xác lên tới 6-7 triệu đồng.
 

Theo ông Phan Văn Nghi - Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, một điều đáng lo là hiện nay hai cửa biển, khu neo đậu lớn là Cửa Việt và Cửa Tùng đã bị bồi lấp nặng, tàu thuyền thường xuyên bị mắc cạn, hư hỏng… khó khăn trong sản xuất.

Ông Trương Công Dũng -  Phó Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với tàu đóng mới hiện nay giá khái toán do nhiều đơn vị tư vấn lập mà không có định mức cụ thể nào do nhà nước ban hành, nên việc thẩm định về tổng mức đầu tư cho một con tàu gặp nhiều khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thủ tục, hồ sơ cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của 2 chi nhánh ngân hàng là Vietinbank và Vietcombank còn rườm rà, phức tạp. Việc phải phân tích nguồn tài nguyên biển, ngư trường đánh bắt, trữ lượng và khả năng đánh bắt… để đưa vào hồ sơ vay vốn là quá sức với ngư dân. Vì vậy, đến nay 2 ngân hàng trên vẫn chưa ký được hợp đồng cho vay nào. 


Ngọc Vũ
Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo