Khoảng 5 năm trở về trước, nghề nuôi nghêu ven biển Gò Công (Tiền Giang) được xem là “siêu lợi nhuận” (đầu tư 1 có thể lời 4-5 lần) do tỷ lệ hao hụt thấp, nghêu không có tình trạng chết hàng loạt, giá nằm ở mức cao (có khi giá nghêu tại bãi lên tới 36.000 đồng/kg), tiêu thụ dễ dàng... Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi nghêu trở nên “bấp bênh” do thường xuyên xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, giá nghêu sụt giảm và tiêu thụ chậm.
|
Nhân công thu hoạch nghêu đang sàng lựa nghêu lớn để bán cho thương lái, còn nghêu nhỏ tiếp tục thả nuôi. |
Người nuôi nghêu bị động
Ông Trần Văn Luân, người có sân nghêu hơn 5ha ở ấp Cầu Muống (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) đang thu hoạch, cho biết, đợt thu hoạch này ông thu được khoảng 4 tấn nghêu cỡ 50-60 con/kg, với giá bán trên thị trường khoảng 14.000-15.000 đồng/kg (bao gồm chi phí nhân công thu hoạch 4.000 đồng/kg); nếu tiếp tục giữ nghêu đến khi đạt cỡ dưới 50 con/kg thì giá có thể nằm ở mức 18.000-19.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá nghêu đợt thu hoạch này chưa xác định được chính xác do nghêu được đưa về chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) để cung cấp cho thị trường nội địa và khi nào bán được nghêu thì mới biết được giá bán chính thức.
Trong 2-3 năm trở lại đây, nghêu nuôi ở ven biển Gò Công chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, thay vì bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu như trước đây nên sức tiêu thụ hạn chế. Do sản lượng nghêu thu hoạch bán cho thị trường nội địa không lớn nên mỗi chủ sân nghêu chỉ thu hoạch 3-5 tấn nghêu thương phẩm/ngày. Thực tế cho thấy, hiện nay mỗi sân nghêu thu hoạch chỉ cần lượng nhân công từ 10-30 người với không khí kém khẩn trương, còn trước đây do phải thu hoạch nghêu với sản lượng tới 30-40 tấn/ngày nên mỗi sân nghêu có tới cả trăm người tất bật thu hoạch cho kịp con nước. Thời điểm này, người nuôi nghêu tập trung chăm sóc lượng nghêu hiện có để nhanh thu hoạch, thu hồi vốn đầu tư, hạn chế rủi ro; việc thả giống vụ mới chưa tiến hành do chưa có nghêu giống.
Ông Nguyễn Văn Hai, Trưởng ban quản lý Cồn Bãi (đơn vị được UBND huyện Gò Công Đông giao quản lý 350ha bãi bồi nuôi nghêu ven biển thuộc xã Tân Thành), cho biết, hiện nay nghêu cỡ 50-60 con/kg có giá thành sản xuất khoảng 8.000-10.000 đồng/kg, tùy thời điểm và chất lượng nghêu giống. Do đó, trong điều kiện nghêu không bị chết hàng loạt, với giá nghêu 13.000-14.000 đồng/kg như hiện nay thì người nuôi vẫn có thể sống được với mức lãi khoảng 20-30% so với vốn đầu tư; còn nếu nghêu chết 80-90% như năm 2015 thì coi như mất trắng.
Theo ông Hai, giá nghêu giảm mạnh là do những năm gần đây, nhiều địa phương trong cả nước phát triển mô hình nuôi nghêu ven biển (trước đây chỉ có Bến Tre, Tiền Giang nuôi nghêu) khiến cho sản lượng nghêu ngày càng tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến nghêu xuất khẩu trước đây đã cắt giảm xuất khẩu mặt hàng nghêu hoặc mua nghêu nguyên liệu từ các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… để tận dụng giá rẻ. Do đó, gần đây, nghêu nuôi ven biển xã Tân Thành chủ yếu tiêu thụ nội địa với sản lượng tiêu thụ tối đa khoảng 30 tấn/ngày. Trước đây, khi bán cho các doanh nghiệp chế biến nghêu xuất khẩu có thể tiêu thụ lượng nghêu gấp 10 lần hiện nay.
“Người nuôi nghêu đang hoàn toàn bị động. Con giống thì phụ thuộc thiên nhiên, nuôi nghêu phụ thuộc vào thời tiết, môi trường…, còn bán nghêu thì phụ thuộc vào thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Thời gian tới, giá nghêu có thể tiếp tục giảm do sản lượng nghêu ngày càng tăng, trong khi thị trường tiêu thụ nội địa hạn chế, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa mua nghêu trở lại”, ông Hai chia sẻ.
Dự báo, năm nay nghêu phát triển thuận lợi
Ông Phan Hữu Hội, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2016, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh tại các vùng nuôi nghêu tập trung, đặc biệt, Chi cục Thủy sản tiến hành theo dõi chặt các yếu tố môi trường như: nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan trong nước với tần suất 2 ngày/lần… Đồng thời, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương thường xuyên khảo sát tình hình nuôi nghêu thực tế để kịp thời có khuyến cáo về kỹ thuật, biện pháp hỗ trợ khi có những bất thường xảy ra trên nghêu nuôi.
Mặc dù nghề nuôi nghêu còn nhiều khó khăn, tuy nhiên qua đợt khảo sát mới đây của ngành nông nghiệp và địa phương, điều đáng mừng là, hiện nay nghêu nuôi khu vực xã Tân Thành vẫn phát triển bình thường trong tình trạng hạn mặn diễn ra gay gắt. Nhiều chuyên gia về nghêu dự báo, năm nay nghêu phát triển thuận lợi, khả năng xảy ra tình trạng nghêu chết hàng loạt gây thiệt hại nặng cho người nuôi nghêu như trong năm 2015 là rất thấp.
Để tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi nghêu, nhiều chuyên gia về nghêu cho rằng, trước mắt, việc xác định đúng tác nhân gây chết nghêu hàng loạt trong những năm vừa qua để có biện pháp phòng tránh hiệu quả là vô cùng cấp thiết. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, ương dưỡng nghêu giống để nghề nuôi nghêu giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nghêu giống tự nhiên…
Theo số liệu thống kê của các địa phương, hiện nay tổng diện tích thả nuôi nghêu ven biển toàn tỉnh Tiền Giang là hơn 2.000ha, tập trung ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông). Trong đó, 600ha nghêu đạt cỡ thu hoạch (50-80 con/kg) với sản lượng khoảng 6.500 tấn; 900ha nghêu trung (100-800 con/kg); khoảng 500ha nghêu mới thả giống (4.500-8.000 con/kg).
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Dù tăng, nhưng để đạt được chỉ tiêu xuất khẩu 7,12 tỷ USD trong năm 2016, ngành thủy sản phải vượt qua nhiều khó khăn phía trước. Hiện tại, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt ở ĐBSCL làm ảnh hưởng đến việc nuôi thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy sản, các tỉnh thành ĐBSCL… tăng cường phòng chống dịch bệnh thủy sản; khử trùng ao nuôi, theo dõi sát độ mặn và điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý. Các vùng nuôi thủy sản ven biển phải nạo vét thủy lợi, cố gắng chủ động nguồn nước; khuyến cáo người dân không nuôi cá nơi không đảm bảo nguồn nước nhằm tránh thiệt hại do hạn gây ra…
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, dù khó nhưng thủy sản đóng vai trò xuất khẩu rất quan trọng. Trong năm 2016 sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng bền vững”, đưa ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế…
|