Doanh nghiệp "xù" tiền, dân trồng ớt nhận quả đắng
19:15 - 01/03/2016
Vụ xuân 2015, xã Hương Thọ (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã chuyển đổi gần 5ha diện tích đất trồng màu 3 vụ sang trồng ớt liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vụ trồng ớt liên kết đầu tiên đã thất bại hoàn toàn khiến người dân không đòi được tiền của doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Long (xóm 2, xã Hương Thọ) bức xúc việc công ty thu mua ớt nhưng chưa chịu trả tiền. Ảnh: N.D

Đắng cay vì trồng ớt cho doanh nghiệp

Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2015, xã Hương Thọ ký hợp đồng liên kết trồng ớt với Công ty cổ phần Steva Ventures có trụ sở chính tại P602, CCA2, Tòa nhà Thanh Hà, Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai (Hà Nội). Xã đã chuyển đổi gần 5ha đất cát pha trồng 3 vụ màu ven sông sang trồng ớt cay.

Theo hợp đồng ký kết giữa công ty với các tổ hợp tác (THT) tại xã Hương Thọ, phía công ty sẽ cung ứng cây giống và sẽ hỗ trợ 50% còn người dân phải trả 50% tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Công ty hỗ trợ về kỹ thuật, người dân có trách nhiệm chăm sóc ớt và công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm (ớt tươi, ớt khô và lá). Thực hiện kế hoạch, xã đã thành lập 9 THT trồng ớt tại 2 xóm 1 và 4.

Tuy nhiên, vụ trồng ớt đầu tiên đã không thu được kết quả như mong đợi của cả người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Phần lớn diện tích trồng ớt cho năng suất kém, công ty về thu mua với giá rẻ không như cam kết trong hợp đồng. Nhưng điều đáng nói hơn, từ khi kết thúc mùa vụ trồng ớt đến nay đã hơn 7 tháng nhưng phía công ty chưa thanh toán tiền mua ớt cho các hội viên THT.

" Trong quá trình thực hiện, công ty không làm như những gì đã cam kết. Lúc đó chúng tôi đã có giấy mời đến công ty để về cùng bàn bạc và tìm hướng giải quyết nhưng phía công ty đã không phối hợp”.

Ông Võ Văn Thọ

Bà Trần Thị Long trú tại xóm 1, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang bức xúc: “Cuối năm 2014, khi có chủ trương trồng ớt liên kết với doanh nghiệp, gia đình tôi rất hồ hởi và đã đăng ký trồng 1.400m2. Trong quá trình trồng tôi luôn tuân thủ đúng theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty và bỏ công chăm bón khá kỳ công nên ớt của tôi cho quả khá đẹp. Vụ ớt vừa rồi tôi thu được hơn 4 tạ ớt loại 1 và bán với giá 5.000 đồng/kg, nhưng từ khi bán đến nay đã hơn 7 tháng mà vẫn chưa thấy công ty trả tiền. Nhưng giờ cũng không biết đòi tiền ở đâu bởi doanh nghiệp đã cao chạy xa bay rồi.

Tổ hợp tác bị lừa?

Bà Nga- một tổ viên THT cho biết: “Sau khi trồng ớt một số hộ có ớt để thu hoạch nhưng tại nhiều hộ cây cứ chết dần nên họ bỏ ớt đi để trồng cây khác cho kịp mùa vụ. Nhưng những hộ có ớt bán cho công ty thì đến nay cũng chưa nhận được tiền. Mặc dù kết quả sản xuất không được như mong đợi nhưng với những hộ bỏ công sức, tiền của ra để chăm bón thì khi công ty về thu mua lại không trả tiền.

Theo phản ánh của người dân, lúc ký hợp đồng phía công ty sẽ cắm 1 cán bộ kỹ thuật tại địa phương để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, theo dõi tình hình sâu bệnh, tuy nhiên vị cán bộ này chỉ “thỉnh thoảng” mới xuất hiện. Khi ớt cho lứa quả đầu tiên bị thối quả, sâu phá hoại thì không thấy bóng dáng cán bộ kỹ thuật đâu cả, đến khi liên lạc được với phía công ty thì sâu bệnh đã quá nặng, “quả dưới đất nhiều hơn quả trên cây”. Lứa quả đầu tiên những hộ trồng ớt đã mất trắng.

Bà Dần - tổ viên THT bức xúc: “Trước đây, những diện tích này trồng lạc, ngô, đậu, nay được chuyển đổi sang trồng ớt liên kết với doanh nghiệp. Chúng tôi rất kỳ vọng vào loại cây trồng mới này cũng như tin tưởng vào công ty. Chúng tôi mất bao công sức để chăm sóc với hy vọng cây ớt mang lại hiệu quả cao hơn góp phần phát triển kinh tế gia đình. Mất hơn 3 tháng chăm sóc vất vả chỉ thu hoạch được một lượng ớt thành phẩm ít ỏi nhưng từ khi bán ớt đến nay đã hơn 6 tháng mà công ty cũng không thấy về trả tiền”.

Doanh nghiệp cao chạy xa bay?

Chị Nguyễn Thị Hạnh - xóm trưởng xóm 1, xã Hương Thọ cho hay: “Có sự việc người dân bán ớt cho doanh nghiệp nhưng chưa được thanh toán tiền. Liên lạc qua số điện thoại thì họ đã tắt máy, hiện nay người dân và chính quyền địa phương đang đau đầu chưa biết sẽ xử lý vấn đề này như thế nào”.

Ông Võ Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Thọ chia sẻ: Sau khi doanh nghiệp về ký hợp đồng, người dân tiến hành trồng ớt nhưng do gặp thời tiết khá nắng nóng một số diện tích trồng ớt đã bị chết nên UBND xã đã đầu tư hệ thống máy bơm và ống tưới nước hơn 30 triệu đồng. Tuy vậy, hệ thống tưới cũng chỉ được sử dụng vài bữa, hiện nay đành phải thu gom về chất đống chưa biết sử dụng vào mục đích gì. Số ớt công ty đã thu mua của người dân đến nay họ cũng chưa trả tiền. 

“Hiện nay chúng tôi rất muốn phía công ty về làm việc để giải quyết dứt điểm vấn đề nhưng phía công ty không có phản hồi. Điện thoại thì không liên lạc được, gửi giấy mời họ cũng không về. Gọi điện trực tiếp cho bà chủ tịch hội đồng quản trị cũng không được”- ông Thọ nói.

Hôm qua (29.2), phóng viên Dân Việt đã đến địa chỉ của Công ty cổ phần Steva Ventures tại P602, CCA2, Tòa nhà Thanh Hà, Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai (Hà Nội) nhưng nơi đây đóng cửa, các số điện thoại cũng không liên lạc được.

Dân Việt sẽ tiếp tục và thông tin vụ việc này tới bạn đọc.

Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo