|
Ảnh minh họa |
Số nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản ra đời nhiều dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất. Số lượng nguyên liệu đưa vào chế biến tại các cơ sở, nhà máy chế biến khoảng 70%, tương đương khoảng 4 triệu tấn và công suất chế biến trung bình được sử dụng đạt 65%.
Sản lượng sản phẩm thủy sản chế biến năm 2015 ước đạt 1,9 triệu tấn, trong đó sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu ước đạt 1,2 triệu tấn. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh thủy sản đầu tư cho quy mô sản xuất ngày càng hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản ở Tĩnh Gia. Điển hình như: Nhà máy chế biến bột cá của Công ty CP Sông Việt tại khu vực cảng cá Lạch Bạng, xã Hải Bình hiện chỉ thu mua được trung bình từ 20 đến 30 tấn cá tươi/ngày khiến hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động kéo dài. Những hôm có nguyên liệu, nhà máy cũng chỉ hoạt động được khoảng 10% công suất. Khu vực cảng cá Lạch Bạng huyện Tĩnh Gia, nhiều công ty, cơ sở chế biến hải sản lớn khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Hiện toàn huyện có hơn 100 tàu thuyền làm dịch vụ hậu cần nghề cá, chuyên thu mua hải sản trên biển về nhập cho các cơ sở chế biến trong huyện. Tuy nhiên, sản lượng thu mua của các phương tiện hậu cần này mỗi năm cũng chỉ đáp ứng được khoảng 100.000 tấn, bằng 50% nhu cầu. Nếu tính cả sản lượng khai thác trên biển (khoảng 26.000 tấn/năm) và sản lượng thủy sản nuôi trồng trong huyện (khoảng 4.000 tấn/năm) thì mỗi năm huyện Tĩnh Gia cũng thiếu 70.000 tấn hải sản phục vụ công tác chế biến.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT), các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 175 DN sản xuất và kinh doanh chế biến thủy sản, trong đó có 42 nhà máy chế biến xuất khẩu đạt tiêu chuẩn HACCP với tổng công suất trên 250.000 tấn thành phẩm/năm. Hàng năm, BR-VT khai thác hơn 300.000 tấn thủy sản, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu về nguyên liệu, khiến các DN chế biến thủy sản khó khăn xoay xở tìm nguồn nguyên liệu. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến ngày càng trầm trọng khiến các nhà máy hoạt động cầm chừng, các dây chuyền sản xuất chỉ chạy 40-50% công suất. Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp trong tỉnh đã thu mua nguyên liệu từ các tỉnh, thành khác trong nước, kể cả nhập khẩu từ nước ngoài mới bảo đảm hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, các nhà máy chế biến tăng, có trường hợp không theo quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu thủy sản để chế biến. Việc chưa có cơ chế để tạo ra sự liên kết, phối hợp giữa nhà sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nuôi các sản phẩm thủy sản chủ lực trong thời gian qua.
Nguyên nhân của việc thiếu nguyên liệu là do ngư trường bị hạn chế, tính ổn định trong khai thác không cao. Đặc biệt, khi thiên tai hay nguồn nguyên liệu cạn kiệt xảy ra, việc đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho khâu chế biến càng khó khăn hơn.
Việc bảo quản tốt sẽ hạn chế được phế phẩm và cho giá bán cao hơn. Hiện nay, phương pháp bảo quản sản phẩm trên tàu đánh cá chủ yếu là bằng đá xay, bảo quản khô (phơi khô hoặc sấy khô) và bảo quản bằng muối (ướp muối) chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến chất lượng thấp.
Theo các doanh nghiệp chế biến thủy sản, do thời gian đánh bắt kéo dài, công tác bảo quản sản phẩm sau đánh bắt chưa tốt nên lượng cá bảo đảm chất lượng để chế biến chỉ chiếm khoảng 60%, còn lại là cá phế phẩm chỉ dùng để chế biến bột cá. Chẳng những thế, trong 60% lượng cá bảo đảm chất lượng, tùy vào chủng loại cá cần dùng để chế biến, các nhà máy chế biến cũng chỉ sử dụng được khoảng 1/3 số lượng, khoảng 60.000 tấn nguyên liệu.
Để giải quyết bài toán nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến thủy sản nên tự chủ nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất. Các địa phương cần tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc kiểm tra, kiểm soát sử dụng hoá chất kháng sinh trong bảo quản, sơ chế thủy sản tại các cơ sở nuôi, tàu cá, cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản. Trên cơ sở đó, phấn đấu sản phẩm thủy hải sản được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, các địa phương cần quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, quản lý chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh của các nhà máy chế biến, đủ tiêu chuẩn mới cấp giấy phép kinh doanh, không để xảy ra tình trạng hàng loạt các nhà máy được thành lập nhưng hoạt động lại cầm chừng vì thiếu nguồn nguyên liệu hoặc không đủ tiềm lực tiếp tục sản xuất. Các nhà máy cần liên kết để thu mua nguyên liệu ổn định và hạ giá thành đầu vào để nâng cao sức cạnh tranh.
Trong lĩnh vực chế biến thủy sản, Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã triển khai các đề án và các giải pháp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững. Theo đó, từ nay đến năm 2020 hạn chế đầu tư mới các cơ sở chế biến thủy sản SX ra sản phẩm sơ chế vì đã dư thừa 40% công suất và khuyến khích đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. Cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ trọng các sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng các sản phẩm ăn liền, GTGT tăng cao lên 60-70% trong tổng sản lượng thủy sản chế biến, phù hợp với thị hiếu từng thị trường; áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và nghiên cứu đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát và xuất khẩu thủy sản sống có giá trị tăng cao.