Bảo tồn cây có múi đặc sản
14:31 - 17/02/2016
Bưởi Lâm Động, cam Đồng Dụ, quýt ngọt Gia Luận của Hải Phòng đều nằm trong Danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần được bảo tồn của nước ta. Việc bảo tồn và phát triển các loài cây quý này đang là nỗi trăn trở của các địa phương.
Bưởi Lâm Động

Bưởi Lâm Động

Với thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù, xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên) từ xưa đã nổi tiếng khắp vùng với giống bưởi Lâm thơm ngon không thể lẫn với bưởi các nơi khác.

Bưởi Lâm có hai loại, một loại có vỏ nhẵn vàng, ruột trắng, vị chua mát; loại kia vỏ và ruột hồng đào, vị ngọt đậm. Cả hai loại quả đều có hình thức đẹp, múi to đều, róc, tép bưởi căng mọng nước, ăn giòn. Mỗi quả nặng từ 1,5 -2kg. Sau thu hoạch trên 2 tháng mà quả vẫn tươi ngon, màu sắc sáng đẹp.

Giống bưởi này cho năng suất cao, từ 200 - 500 quả/cây. Đặc biệt, bưởi Lâm cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi quả bưởi giá 200 - 500 nghìn đồng, nhiều quả có giá bán tới 1 triệu đồng.

Dịp Tết năm nào cũng vậy, khách hàng từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương… phải đặt hàng từ trước hoặc về tận làng Lâm để mua bưởi. Nhiều người ở các địa phương khác mua cành bưởi Lâm về trồng nhưng hình thức, chất lượng không thể sánh được với bưởi trên đất Lâm Động.

Những người trồng bưởi lâu năm ở Lâm Động cho biết, họ không trồng bằng hạt hoặc cây con vì hình thức nhân giống này cho tỷ lệ cây xấu, cây thoái hóa rất lớn. Họ đều trồng bưởi bằng phương pháp chiết cành. Cành trồng sẽ cho quả sau 1 - 2 năm và quả đạt chất lượng tốt nhất từ năm thứ 4 trở đi.

Báo cáo của UBND xã Lâm Động cho biết, toàn xã hiện có khoảng 700 hộ trồng bưởi với tổng diện tích 20ha. Hiện xã có duy nhất một hộ đầu tư trồng bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa, còn lại các hộ đều trồng nhỏ lẻ trong vườn tạp của gia đình.

Hiện nay, giống bưởi gốc, đặc sắc còn lại rất ít. Giống bưởi cũng đã bị thoái hóa đi rất nhiều. Xã đề xuất cần có kế hoạch cụ thể để phục tráng, bảo tồn nguồn gen. Vì thế, thành phố đã có một số đề tài nghiên cứu sản xuất giống bưởi Lâm Động sạch bệnh bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng (của Trung tâm Giống và Phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng), hay từ công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật (của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hải Phòng)…

Tuy nhiên, gần đây diện tích trồng bưởi Lâm đang có xu hướng giảm. Đặc biệt, hiện tượng mất mùa xảy ra liên tục. Các vườn bưởi có những biểu hiện thoái hóa, sinh trưởng, phát triển kém, năng suất, chất lượng giảm rõ rệt.

Nhiều cây mới trồng 2 - 3 năm đã có triệu chứng già cỗi. Trên cây bưởi xuất hiện các triệu chứng lá màu vàng thường cong về phía trên, bản lá nhỏ dần. Quả nhỏ, thường vẹo vọ, tép khô không có nước, hạp lép không phôi, tuổi thọ cây ngày một thấp. Nạn ruồi vàng hoành hành gây thối quả. Thêm vào đó, gần đây nhiều hộ gia đình đổ đất làm tường bao dẫn đến úng ngập trong các vườn gây chết bưởi.

Trong khi đó, mấy năm gần đây, nhiều loại bưởi từ nơi khác về “đội lốt” là bưởi làng Lâm để bán được giá.

Quýt ngọt Gia Luận

Người dân địa phương thường gọi là cam Gia Luận, một đặc sản của vùng núi đá huyện đảo Cát Hải. Đây là loại cam giấy, vỏ rất mỏng. Quả thơm, tép nhỏ và mọng nước, vị ngọt đượm pha lẫn chua dịu. Giống này có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, sống lâu tới hàng trăm năm, năng suất cao.

15-36-17_dsc_2252

Từ năm 1990, quýt ngọt Gia Luận có dấu hiệu suy thoái. Đến năm 2000, hầu như toàn bộ diện tích trồng cam không cho thu hoạch. Nhiều tổ chức, cơ quan chuyên ngành đã vào cuộc để bảo tồn loài cây quý. Công tác tạo nguồn cây giống sạch bệnh được chú trọng.

Năm 2002, Viện Kas (CHLB Đức) ứng dụng công nghệ ghép mắt cam Gia Luận vào gốc bưởi, tạo hàng ngàn cây ghép khỏe mạnh. Năm 2004, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Hải Phòng ứng dụng công nghệ vi ghép, tạo được cây đầu dòng sạch bệnh. Năm 2005, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi(Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương) đã chuyển giao cho địa phương công nghệ ghép mắt cam Gia Luận vào gốc bưởi chua.

Gần đây, huyện Cát Hải cũng đã phối hợp triển khai một số dự án phục tráng vườn quýt ngọt Gia Luận. Năm 2013, có 76 hộ dân đã tham gia dự án phục tráng. Phòng NN-PTNT huyện, Trạm Khuyến ngư – Nông nghiệp huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con trồng giống cây này…

Tuy nhiên, giống cam lâu năm vẫn đang bị thoái hóa, cằn cỗi, nhiều sâu bệnh. Quả thường bị sần, khô nước và rất chua. Mới đây, một đề tài nghiên cứu về giải pháp phục tráng và phát triển vùng sản xuất quýt ngọt Gia Luận tiếp tục được triển khai. Đó là đề tài khoa học cấp thành phố do Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.

Cam Đồng Dụ

Đây là đặc sản của thôn Đồng Dụ (xã Đặng Cương, huyện An Dương), từng được tiến vua. Cam Đồng Dụ thơm dịu, ngọt sâu, chỉ thưởng thức một lần là nhớ mãi.

Giống này có hai loại: cam chanh và cam đường. Cam chanh vỏ dày, dưới đáy quả có một vòng tròn nên thường được gọi là “cam đồng tiền”. Quả cam đường chỉ nhỏ bằng chén uống nước trà, vỏ mỏng, đỏ thẫm, quả thơm và ngọt.

Đầu những năm 1990, làng Đồng Dụ còn rất nhiều vườn cam. Sự thoái hóa dần của giống cam cùng với quá trình đô thị hóa khiến diện tích trồng cam dần thu hẹp. Năm 1995, chỉ còn hơn 10 hộ trồng cả cam đường và cam chanh. Năm 2005, xã triển khai đề án “Khôi phục giống cam tiến vua làng Đồng Dụ” với việc ghép mắt giống cam đường. Trong ba vụ đầu, cam cho thu hoạch tốt với chất lượng cao. Nhưng đến năm 2008, người dân tự chặt, phá cây cam đường, do đồng đất trong xã không còn phù hợp cho cây sinh trưởng, cây cằn cỗi lại thường xuyên sâu bệnh.

Đến nay, giống cam đường đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ còn hai hộ còn giữ được cam đường là hộ ông Bùi Viết Nhĩ (còn 2 cây), hộ ông Trương Văn Thiết (còn 1 cây). Số hộ còn cam chanh cũng chỉ đếm được bằng đầu ngón tay trên một bàn tay.

Theo ông Trương Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, xã quyết tâm bảo tồn nguồn gen và đang vận động người dân góp sức. Địa phương đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật để bảo tồn, nhân giống và có quỹ đất để nhân rộng giống cam quý.

HÂN MINH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo