Rớt nước mắt vì... được mùa
Ngày 9.1, người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) như “ngồi trên đống lửa” vì hàng trăm tấn bí đỏ thu hoạch xuống nhưng không ai hỏi mua. Trên tuyến đường liên xã, bí đỏ được đổ thành từng đống cao, phủ bạt lên… có nguy cơ hư hỏng do “dầm mưa, phơi nắng” kéo dài.
Tiếp chúng tôi bên đống bí ế ẩm giữa đường, khuôn mặt hết sức thảm thương, ông Điểm Khắc Điền (41 tuổi, thôn 3, xã Ninh Sơn) kể, mùa bí năm nay gia đình trồng 7 ha bí đỏ và thu hoạch được 12 tấn. Hiện ông đã bán được 5 tấn với giá 1.500 đồng/kg và còn tồn khoảng 7 tấn.
“Tôi vay 70 triệu đồng để trồng bí nhưng giá cả rẻ như bèo khiến gia đình tôi đứng ngồi không yên. Với số bí còn lại chắc không ai mua nữa, nếu có mua thì thương lái sẽ lựa ra những trái to với giá 500 đồng/kg. Năm này coi như trắng tay, không có Tết rồi!”, ông Điền nói mà như khóc.
|
Người trồng bí ở Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) điêu đứng, lâm cảnh nợ nần... do giá bí rẻ mạt |
Tương tự, chị Nguyễn Thị H. (42 tuổi, thôn 2, xã Ninh Sơn), chua chát cho biết hiện đang cân nhắc bán rẫy hoặc đi TP HCM để làm thuê, ở đợ… để trả nợ. Mùa bí năm nay, gia đình chị H. trồng 3 ha bí đỏ và thu hoạch được 10 tấn. Chị H. may mắn hơn một số hộ khác là được thương lái thu mua hết số bí nhưng vẫn không “thoát” mức giá hết sức rẻ mạt là 1.500 đồng/kg.
Theo chị H., do giá quá “bèo” nên trong xã hiện đang có hơn 20 hộ chưa thu bí với từ 2-5 tấn/hộ. Ông Võ Hồng Đức (41 tuổi, thôn 3, xã Ninh Sơn) cho biết gia đình có 3 ha bí với khoảng 5 tấn chưa thu.
“Tôi chưa thu vì thời điểm này, tiền bán bí chưa chắc bù lại tiền thuê người hái”, ông Đức lý giải. Theo người dân, với những trái bí nhỏ, thương lái “chê” thì họ đem cho trâu, bò… ăn để đỡ xót!
Có hay không chuyện “ép giá”?
Một số người dân cho rằng, thương lái “ép giá” khiến họ lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Theo người dân, thời điểm này là lúc thu hoạch nếu không hái thì sẽ hư hỏng, thối rữa ở trên rẫy do bị ong, bọ chích. Sau khi hái xuống, người dân hoàn toàn thụ động về đầu ra, dù đắt hay rẻ cũng phải bán vì nếu để kéo dài, chất lượng bí xuống thấp sẽ mất trắng. Khi đó giá cả hoàn toàn do thương lái quyết, có thể mua hoặc không mua với vô vàn lý do…
Nỗi buồn trên khuôn mặt người trồng bí ở Ninh Sơn. Nhiều hộ dân cho biết, Tết này coi như trắng tay...!
“Mình hái về rồi điện thương lái tới cân nhưng họ để đó 3 ngày không cân cho mình! Sau đó, họ tới bảo bí đã để 3 ngày chỉ còn 2.000 đồng/kg rồi nói từ từ cân và đi luôn! Bí mình thì mình nóng mặt, mình lại gọi điện kêu, họ lại nói thôi còn 1.500-1.600 đồng/kg”, chị H. - bức xúc.
Theo UBND xã Ninh Sơn, toàn xã hiện có hơn 100 hộ trồng bí với tổng diện tích khoảng 200 ha. Do đang mất giá, hiện đang còn 30-40 ha với khoảng 150 tấn bí trên rẫy chưa thu hoạch. Cũng theo UBND xã Ninh Sơn, bí đầu vụ dao động 6.000-6.500 đồng/kg nhưng sau đó bất ngờ hạ giá còn 500-1.700 đồng/kg. Với mức giá trên, mỗi ha bí đỏ, người dân thua lỗ khoảng 20 triệu đồng.
Ông Đào Trung Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, cho biết, địa phương đã làm việc với các thương lái về tình trạng bí bất ngờ mất giá. Theo ông Hải, các thương lái giải thích rằng, bí hạ giá là do lượng bí ở các điểm đầu mối TP HCM, Lâm Đồng… đã quá nhiều, bão hòa. “Giá là giá thị trường nên mình không quản lý được! Thương lái họ nói rằng sẽ mua hết nhưng giá thấp và với giá đó thì người dân có bán không thôi”, ông Hải nói.
Bí được đổ đầy đường... nhưng không có thương lái đến thu mua đang là câu chuyện "trớ trêu" ở vùng này.
Theo ông Hải, hiện trên địa bàn thị xã có 3 thương lái thu mua bí. Chồng bà Mười Nhỏ, một thương lái thu mua bí ở thị xã cho biết, thị trường ở TP HCM, miền Tây, Quảng Ngãi… tiêu thụ không hết nên lượng bí đang tồn đọng lớn, khiến giá giảm. “Đầu vụ giá cao là vì khi đó ít người thu hoạch nên các chợ thiếu bí rất nhiều. Còn hiện nay bà con thu hoạch rộ quá, thị trường tiêu thụ không hết. Không có chuyện ép giá, chúng tôi chỉ “thuận mua vừa bán”, còn ai thấy rẻ thì kêu người khác bán vì ở thị xã có 3-4 thương lái”, thương lái này phân trần.
Được biết, ngoài Ninh Sơn, người dân một số xã như Ninh Thân, Ninh An… cũng lâm cũng điêu đứng do bí mất giá. Người dân ở đây một năm trồng một vụ bí vào tháng 6 dương lịch. Chính quyền địa phương các xã này đã từng khuyến cáo người dân không nên trồng bí tự phát, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng keo, trồng ngô…