“Vẽ” sai về bức tranh cao su
09:44 - 11/01/2016
“Đến thời điểm này, chúng ta cũng cần lật lại câu chuyện đưa cao su ra trồng ở miền núi phía Bắc để cùng tổng kết lại, rút ra bài học kinh nghiệm về cây cao su nói riêng, vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch nói chung” – ông Nguyễn Văn Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết như vậy trong buổi trao đổi với PV về loạt bài Vỡ mộng với “vàng trắng” mà Dân Việt đã có loạt bài phản ánh.

Một lô cao su tại huyện Bù Gia Mập, Bình Phước bị chặt bỏ do giá cao su xuống thấp.

“Chia vàng giữa sông”

Là người đã từng phản đối khá mạnh mẽ việc đưa cao su ra trồng thí điểm ở miền núi phía Bắc cách đây gần chục năm, vậy đến thời điểm này, ông có thể đưa ra đánh giá sơ bộ về chương trình này?

- Đúng là hiện nay một số diện tích cao su ở miền núi phía Bắc đã đến tuổi khai thác, nhưng các công ty chưa dám cạo mủ nên chưa thể có đánh giá cụ thể về hiệu quả kinh tế của cao su ở vùng này. Hiện nay giá mủ cao su trên thị trường giảm quá sâu, chỉ đạt hơn 1.000 USD/tấn, tức trên 22 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, vườn cao su năng suất tốt nhất tại Đông Nam Bộ mới đạt khoảng 2 tấn/ha/năm, quy ra tiền khoảng 44 triệu đồng/ha/năm, trả lương cho công nhân (bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng) đã hết 60 triệu đồng/năm, đó là chưa tính chi phí phân bón, chi phí quản lý, vận chuyển...

Như vậy, khai thác cao su thời điểm này là lỗ nặng. Nhiều hộ trồng cao su tiểu điền ở vùng Đông Nam Bộ đã phải chặt bỏ hàng nghìn ha cao su để chuyển sang cây trồng khác, vì bà con cần có tiền chi tiêu hàng ngày, không thể đợi giá mủ tăng trở lại.

Còn với những diện tích cao su ở miền núi phía Bắc, nông dân và cả các công ty cao su đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, không thể chặt bỏ, cũng không dám khai thác. Thu hoạch mủ mà không bán được, hoặc bán dưới giá thành thì các công ty lấy đâu ra tiền để trả cho công nhân?

Giá cao su thấp như thế, tại sao nông dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn lao vào trồng, thưa ông?

-Khi cao su bắt đầu được trồng thí điểm ở miền núi phía Bắc (năm 2005), giá mủ cao su trên thị trường rất tốt, bình quân đạt 2.000 – 3.000 USD/tấn. Thậm chí vào năm 2011, giá cao su đạt bình quân tới 3.900 USD/tấn, kỷ lục là 5.000 USD/tấn. Người trồng cao su và các doanh nghiệp thu lãi cao ngất ngưởng, ai cũng nóng lòng muốn mở rộng diện tích trồng. Do quỹ đất ở các tỉnh phía Nam không còn nên người ta mới tính chuyện đưa cây cao su ra trồng ở miền Bắc, ở đây vai trò chính là Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Từ năm 2006, các nhà khoa học đã chỉ rõ cây cao su không thích hợp để trồng ở Tây Bắc cũng như Đông Bắc. Thứ nhất, khí hậu không phù hợp vì quá lạnh; thứ hai, nếu cao su cho mủ thì năng suất cũng rất thấp, trồng sẽ không có lãi; thứ ba, trồng ở phía Bắc phải có bộ giống chịu lạnh, lúc đó chúng ta chưa có giống cao su ôn đới mà Tập đoàn Cao su Việt Nam lại đưa giống từ Đông Nam Bộ ra trồng.

Hệ quả là đã có hàng nghìn ha cao su ở Hà Giang, Hòa Bình, Điện Biên, Yên Bái… bị chết rét, thiệt hại kinh tế rất lớn. Ngay lúc đó tỉnh Hòa Bình đã dừng lại, không trồng nữa, nhưng các tỉnh khác, cũng như Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn có tham vọng về loài cây được mệnh danh là “vàng trắng” này nên đã thành lập các công ty cao su ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… và “vẽ” ra bức tranh tương lai tốt đẹp.

Việc phát triển cây cao su vượt quy hoạch phải chăng có trách nhiệm của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp?

-Chúng tôi đã thống kê, nghiên cứu về giá cao su từ năm 1950 đến nay và đã chỉ ra rằng, giá cao su sẽ không thể giữ mãi mức cao như giai đoạn 2005 – 2011. Chúng tôi đã cảnh báo nhưng không ai nghe. Tập đoàn Cao su Việt Nam và cả người dân đã bất chấp quy hoạch trồng một cách ồ ạt cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, khiến tổng diện tích cao su đạt 1 triệu ha, vượt xa so với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (800.000ha).

Về cây cao su ở miền núi phía Bắc, chúng tôi cũng tự nhận thấy lẽ ra phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ hơn, phải chấp nhận hy sinh. Tiền trồng cao su nói là của Nhà nước, nhưng thực chất là tiền thuế của dân. Việc đưa người dân tham gia vào một cuộc thí nghiệm mạo hiểm như vậy, thật chẳng khác nào “chia vàng giữa sông”. Trước tình hình hiện nay, Bộ NNPTNT và Chính phủ cũng đã yêu cầu ngừng trồng mới để đánh giá tổng quát về hiệu quả của cây cao su.

Sẽ có luật quy hoạch

Vậy ông có thể cho biết, bài học kinh nghiệm chúng ta rút ra được từ cây cao su là gì?

 

"Điểm yếu trong công tác quy hoạch của chúng ta hiện nay là quy hoạch một đằng, nhưng thực hiện lại một nẻo và không có đơn vị phản biện chính sách quy hoạch. Hầu như chúng ta mới chỉ khuyến nghị bằng miệng, chưa có các chế tài xử lý vấn đề “vượt rào” quy hoạch”.

Ông Nguyễn Văn Chinh 

 

-Việc vượt quy hoạch đã dẫn tới hệ quả là giá cao su tụt dốc không phanh, tiêu thụ khó khăn. Hiện nay chỉ những diện tích cho năng suất cao mới có lãi một ít, còn lại hầu hết lỗ. Nông dân vùng Đông Nam Bộ không như ở miền núi phía Bắc, trồng cây gì không có lợi là họ chặt.

Trước đây họ chặt bỏ tiêu, cà phê, điều để trồng cao su, thì nay họ lại chặt bỏ cao su chuyển sang trồng tiêu, sắn… Theo tôi biết, hiện nay cả nước đã có khoảng 5.000ha cao su bị chặt bỏ và con số này sẽ không dừng lại. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, những diện tích cao su đã trót trồng ở miền núi phía Bắc không nên chặt bỏ, bà con nên cố gắng tiếp tục chăm sóc, bởi cao su ở đây đầu tư đã hết 150 – 170 triệu đồng/ha, nếu chặt bỏ là mất hết.

Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của cây cao su, tôi cho rằng một phần do tham vọng, tư tưởng nóng vội của doanh nghiệp, địa phương và người dân thấy lãi cao đã bất chấp quy hoạch, một phần do chính sách.

Có 2 chính sách mà tôi thấy đã “tạo ra” phong trào trồng cao su ồ ạt, một là chủ trương công nhận cao su là cây đa tác dụng (cây công nghiệp, cây rừng), hai là cho phép chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Từ 2 chính sách trên, rất nhiều địa phương đã phá bỏ các diện tích rừng nghèo kiệt để trồng cao su mà không hề tính đến điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thị trường… có thuận lợi hay không. 

Hiện nay ngành nông nghiệp đang rất kỳ vọng vào đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Ông có thể đưa ra lời khuyên nào?

-Quy hoạch cây cao su, cũng như quy hoạch cây tiêu, điều, sắn… chúng tôi đều thực hiện rất công phu, cẩn thận, nhưng khi tới khâu chỉ đạo thực hiện thì lại nhiều vấn đề nảy sinh. Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, nếu không điều tra kỹ và không nghiêm túc thực hiện quy hoạch thì thất bại sẽ khó tránh khỏi.

Ví dụ với cây hồ tiêu, hiện nay giá hồ tiêu rất cao, trên 200.000 đồng/kg, thấy lãi cao, nhanh cho thu hoạch (sau 3 năm) nên nông dân lại lao vào trồng, khiến diện tích hồ tiêu đang vượt 3 lần so với quy hoạch. Người ta vẫn có suy nghĩ, tiền là của dân, đất cũng của dân, không thể cấm bà con trồng cây gì nuôi con gì, nhưng đến lúc giá hồ tiêu đến ngưỡng, tụt dốc thì không biết hậu quả như thế nào?

Sắp tới chúng ta sẽ có luật quy hoạch, hiện nay Bộ Kế hoạch- Đầu tư đang xây dựng, trong đó xác định rõ cơ quan lập quy hoạch, đơn vị thực hiện và giám sát quy hoạch. Địa phương để xảy ra tình trạng vượt quy hoạch sẽ có hình thức phê bình, xử phạt…

Xin cảm ơn ông! 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo