Nông dân “dính đòn” phân bón giả: Nhiều chiêu trốn tránh trách nhiệm
Nếu siết chặt thực hiện các quy định tại Nghị định số 202/2013 về quản lý, sản xuất phân bón; nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón quy mô nhỏ, lẻ tại TP.HCM sẽ bị “khai tử” vào đầu năm 2016. Đây là mong ước của hàng triệu nông dân, nhưng ai sẽ làm cho họ có niềm tin vào điều này?
|
Bị phát hiện, các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường nhanh chóng “cao chạy xa bay”, nên hậu quả thì nông dân là người lãnh đủ. Ảnh: T.L |
Thị trường tràn lan phân bón giả
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong tháng 8.2015, Hiệp hội đã khảo sát trên 60% tỉnh thành cả nước và thống kê được có trên 700 cơ sở sản xuất phân bón gồm các tập đoàn, công ty và chi nhánh sản xuất. Riêng tại TP.HCM có 491 công ty và chi nhánh, trong đó có 267 đơn vị sản xuất phân bón giả, kém chất lượng và gây ô nhiễm môi trường. Đây là một con số “khủng” so với các tỉnh thành khác trên cả nước như: Long An có 42 công ty; Đăk Lăk 37 công ty; Hà Nội 22 công ty, Thanh Hóa 22 công ty, Đồng Nai 47 công ty và Đồng Tháp 21 công ty... Theo ông Nguyễn Trung Bính - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM, nhiều đối tượng sản xuất thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin thủ tục cấp phép sản xuất, công bố chất lượng, nhưng thực tế không có nhà máy sản xuất, chỉ thuê các cơ sở khác gia công phân bón không đảm bảo chất lượng, gia công phân bón giả.
“Nhiều khi kiểm tra, lấy mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng, chúng tôi phát hiện có vi phạm và kiến nghị Sở Công Thương xử phạt thì đối tượng bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh” - ông Bính cho biết.
Mặt khác, theo ghi nhận của Dân Việt, dù có đến 2 năm chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện và được cấp giấy phép để sản xuất phân bón, thế nhưng đến nay mới có 122 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón được chứng nhận hợp quy (với 1.200 sản phẩm). Riêng việc đáp ứng các điều kiện sản xuất phân bón theo Nghị định 202/2013 về nhà xưởng, kho bãi, máy móc, nhân lực… thì chưa thấy có doanh nghiệp nhỏ, lẻ nào đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền tại TP.HCM.
Lợi dụng bán trả chậm để dụ nông dân
"Nhiều khi kiểm tra, lấy mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng, chúng tôi phát hiện có vi phạm và kiến nghị Sở Công Thương xử phạt thì đối tượng bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh”.
Ông Nguyễn Trung Bính
|
Thực tế, trong số 122 doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phân bón tại TP.HCM (76 doanh nghiệp sản xuất và 46 doanh nghiệp nhập khẩu) được cấp chứng nhận hợp quy thì chỉ có 17 đơn vị có cơ sở sản xuất đặt tại TP.HCM, các đơn vị còn lại có cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh thành lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… vì vậy việc quản lý càng thêm khó khăn.
Ông Trịnh Công Toản - Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Cục Bảo vệ Thực vật, thuộc Bộ NNPTNT) cho biết, các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng ở tỉnh này sẽ đem bán cho các đại lý ở tỉnh khác với giá rẻ, mỗi nơi bán với số lượng nhỏ nhằm tiêu thụ nhanh, tránh việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng. “Nếu quá trình bán bị kiểm tra phát hiện, họ sẵn sàng bỏ hết để rồi sang năm ra một sản phẩm mới khác, nhãn hàng khác, lại tiếp tục lừa người nông dân” - ông Toản nói.
Nhìn từ góc độ nhà phân phối, anh Nguyễn Quốc Dũng - chủ Doanh nghiệp tư nhân Quốc Dũng, đại lý cấp I cho nhiều sản phẩm phân bón tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, hiện nay nhiều cơ sở làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng thường thông qua các đại lý bán vật tư nông nghiệp nhỏ, lẻ để áp dụng chính sách bán thiếu, bán “gối đầu” mùa vụ cho nông dân, nghĩa là sẵn sàng cho nông dân nợ tiền phân bón đến khi thu hoạch xong mùa vụ mới thanh toán. Chính vì thế nhiều nông dân gặp khó khăn phải thông qua “kênh” này để đầu tư cho mùa vụ và gặp phải phân bón kém chất lượng.
Siết chặt việc cấp chứng nhận chất lượng phân bón
Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc; sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân, gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, thương hiệu quốc gia, thất thu ngân sách nhà nước... Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vừa được Văn phòng Chính phủ truyền đạt.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về phân bón hữu cơ, phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trong phạm vi cả nước. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận chất lượng phân bón hữu cơ, phân bón khác, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc cấp phép chứng nhận quản lý phân bón trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT phối hợp Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công khai kết quả xử lý.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT tăng cường tuyên truyền, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận biết rõ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y giả, kém chất lượng và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng. Công bố Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về quản lý, sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Bộ Công an chủ động phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, nhập lậu không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng; buôn bán, vận chuyển, sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự.
Tuấn Linh
|