Tăng mức hỗ trợ tín dụng để cứu ngành tôm
14:21 - 01/02/2016
(TNNN)- Năm 2014, nước ta xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 7,9 tỉ USD. Nhưng năm nay chỉ ước đạt khoảng 6,9 tỉ USD. Tình trạng sụt giảm trên chủ yếu là ở ngành tôm. Cụ thể, năm 2014 xuất khẩu tôm đạt 3,9 tỉ USD thì năm nay ước chỉ được 3 tỉ USD. Thực tế cho thấy, mặc dù tôm là loài thủy sản nuôi chủ lực, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương, song vẫn chưa được đầu tư thích đáng. Hiện nay, vùng nuôi ở huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau đìu hiu vì những thiệt hại trong những vụ nuôi gần đây. Mặc dù người nuôi tôm cần tiếp cận vốn để tái sản xuất nhưng thực tế chưa tiếp cận được.
Việc điều chỉnh các chính sách về tín dụng sẽ giúp ngành tôm khắc phục những khó khăn hiện nay. Ảnh minh họa

Từ năm 2008, dịch bệnh trên con tôm bắt đầu bùng phát. Lúc này người nuôi gặp khó nhưng ngân hàng lại nâng hoặc duy trì mức lãi suất quá cao. Nhiều người dân thua lỗ, không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn để tái sản xuất. Liên tiếp nhiều năm sau đó, dịch bệnh, giá cả đầu ra bấp bênh khiến nhiều hộ nuôi tôm phải bỏ ao. Hiện tại, các hộ nuôi tôm vẫn rất cần vốn để đầu tư lại vùng nuôi nhưng vẫn khó tiếp cận hoặc vay được rất ít vốn từ ngân hàng. Tình trạng người nuôi tôm khốn khó sẽ còn kéo dài nếu Nhà nước không can thiệp kịp thời và bỏ đi nhiều định chế rào cản.
 

Những khó khăn trong sản xuất tôm nhiều năm qua khiến nhiều hộ dân mắc nợ đại lý (tiền mua con giống, thức ăn, thuốc...). Nếu khoản nợ này không trả được thì những hộ nuôi tôm khó càng gặp khó. Qua khảo sát và phân tích của cơ quan chuyên môn năm 2015 về vốn của hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng có đến 71% trong tổng số hộ thiếu vốn. Trong khi đó, tình trạng tôm chết hàng loạt qua các năm có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2010 là 22%, năm 2011 là 31,76% và năm 2014 chiếm đến 58%. Có thể thấy, những con số nêu trên là đáng báo động, vì vậy, nhà nước cần có những giải pháp thắt chặt mối liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp; đặc biệt là hỗ trợ tín dụng để nông dân cải tạo vùng nuôi và tái sản xuất
 

Hiện nay, phát triển nông nghiệp bền vững thông qua các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị trở thành xu thế tất yếu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp. Cụ thể như: Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ về cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông-lâm-thủy sản hướng đến xuất khẩu; Quyết định số 1050/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Quy định về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP.
 

Các văn bản này đều nhìn nhận tầm quan trọng của "nhà băng" đối với việc gia tăng giá trị và hiệu quả của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ tín dụng để nông dân cải tạo vùng nuôi và tái sản xuất. Riêng đối với con tôm, cần đề ra cơ chế, chính sách cho vay đặc thù; tổ chức đối thoại nhiều bên nhằm nâng cao năng lực cho người nuôi tôm và doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, thích ứng với các tiêu chí cho vay của ngân hàng...

 
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người nuôi và doanh nghiệp phải liên kết theo chuỗi để có thể rút ngắn khoảng cách trung gian trong tiếp cận vốn vay. Các hộ nuôi, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ lẻ phải được liên kết, tập hợp vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để có thể cùng chia sẻ kinh nghiệm, rủi ro và tăng "uy tín" khi đàm phán với đối tác, ngân hàng. Hiện nay, số hộ nuôi nhỏ lẻ hầu như không tham gia vào mối liên kết với doanh nghiệp mà chỉ thông qua trung gian. Thống kê ở tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cho thấy, chỉ có 5,7% là nông dân mua bán trực tiếp với doanh nghiệp. Nguyên nhân là do nghề nuôi tôm có tính rủi ro rất cao. Vì vậy, cần nghiên cứu giải pháp thúc đẩy vốn tín dụng cho hộ nuôi tôm quy mô nhỏ.
 

Đối với lĩnh vực thủy sản nói chung, việc tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, đặc biệt đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ ngày càng khó khăn. Vấn đề liên kết sản xuất- tiêu thụ thời gian qua cũng có những điển hình đi đầu như Công ty Hùng Cá, Thuận An, Minh Phú... Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm trên chưa được nhân rộng ở nhiều nơi và việc liên kết chuỗi còn thiếu môi trường thuận lợi để phát triển, mở rộng. Người dân và doanh nghiệp đang thiếu sự gắn kết. Khâu này cần được cải thiện trên cơ sở thay đổi về tư duy, hợp tác tự nguyện để các bên cùng có lợi. Khi mối liên kết này bền vững, phía ngân hàng sẽ dễ dàng cho vay và việc kiểm soát đồng vốn cũng được thực hiện hiệu quả, hợp lý hơn.
 
Thanh Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo