Bí tiền, nông dân lấy thóc thịt làm giống
15:06 - 25/02/2016
Dù lượng giống không khan hiếm nhưng để tiết kiệm chi phí, một số hộ nông dân đã đổ thóc thịt ra ngâm ủ. Thực trạng này khiến nhiều người lo ngại năng suất, chất lượng vụ xuân tại một số vùng sẽ bị ảnh hưởng.
Kiểm tra tình hình thiệt hại tại huyện Hưng Nguyên

Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2016, Nghệ An gieo trồng 85.000 ha lúa. Dù đợt rét đậm rét hại giữa tháng 1 đã khiến trên 17.000 ha lúa, mạ bị chết nhưng đến cuối tháng 2/2016, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 87%.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, dù lượng giống không khan hiếm nhưng để tiết kiệm chi phí, một số hộ nông dân đã đổ thóc thịt ra ngâm ủ. Thực trạng này khiến nhiều người lo ngại năng suất, chất lượng vụ xuân tại một số vùng sẽ bị ảnh hưởng.

Túng tiền, dân đổ thóc thịt làm… thóc giống

Ông Lê Văn Xứng, một hộ dân tại xóm 5, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên cho biết, vụ xuân 2016, gia đình ông cấy 9 sào lúa thì 8 sào bị chết phải cày bừa cấy lại. Túng tiền mua thóc giống thay thế, ông đổ thóc thịt ra ngâm ủ.

“Gia đình tôi cũng xuống giống đúng lịch thời vụ. Nhưng 8 sào lúa Thiên ưu 8, nếp 352, AC5 cấy xong được vài ngày thì gặp rét đậm rét hại nên chết sạch. Chỉ còn 1 sào (500 m2-PV) lúa nếp 97 tránh được đợt rét. Tổng tiền giống, phân đạm cũng mất gần 2 triệu đồng.

Mặc dù, sau đợt rét, các giống lúa ngắn ngày được đưa về cung ứng kịp thời, không khan hiếm, giá cả không tăng nhưng thiếu tiền, gia đình tôi đành đổ thóc thịt các giống Khang dân 18, Thiên ưu 8 ra để ngâm ủ. Biết là năng suất, chất lượng sẽ ảnh hưởng nhưng biết làm thế nào được. Vài ngày nữa, gia đình tôi sẽ khép kín diện tích” – ông Xứng phân bua.

Cũng theo ông Xứng, đây là tình trạng phổ biến tại xóm 5, chỉ một số hộ diện tích bị chết ít mới đủ tiền mua thóc giống, còn lại đều đổ thóc thịt ra ngâm ủ.

Ông Cao Văn Tứ, cán bộ Khuyến nông xã Hưng Thông cũng xác nhận tình trạng trên: “Dù nông dân Hưng Thông tuân thủ kỹ thuật, phủ nilon rất cẩn thận nhưng rét đậm rét hại đã khiến 4,54 ha mạ; 95 ha lúa đã gieo cấy của Hưng Thông mất trắng.

Sau rét đậm rét hại, chúng tôi đã khuyến cáo bà con về việc phải mua giống của nhà cung cấp để đảm bảo năng suất, chất lượng nhưng lượng lúa giống bán ra cũng chỉ gần 1 tấn. Trong khi đó, với diện tích mất trắng kể trên, toàn xã sẽ phải mua thêm ít nhất 3 tấn thóc giống. Dù chúng tôi rất lo lắng nhưng bà con không làm theo thì cũng đành chịu”.

Theo tìm hiểu của PV, tại một số vùng của huyện Diễn Châu, dù không phổ biến nhưng tình trạng đổ thóc thịt ra ngâm ủ vẫn diễn ra. Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Có thể vẫn có tình trạng đó (đổ thóc thịt ra ngâm ủ - PV) nhưng không đáng kể. Việc đổ thóc thịt ra ngâm ủ chỉ rơi vào một vài hộ quá khó khăn, còn lại nông dân đều mua thóc giống từ các đại lý trên địa bàn…”.

Vẫn có khả năng vượt kế hoạch

Đó là khẳng định của ông Trương Minh Châu, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An.

Theo thống kê, đợt rét đậm rét hại giáp Tết Nguyên Đán Bính Thân, đã khiến trên 344 ha mạ, gần 11 nghìn ha lúa vừa gieo cấy, gần 2,5 nghìn ha rau màu trên địa bàn tỉnh mất trắng. Lúa chết chủ yếu rơi vào diện tích gieo thẳng.

08-16-07_2
Mạ chết, nông dân một số vùng đổ thóc thịt ra ngâm ủ

Số còn lại rơi vào các trường hợp nông dân không tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gieo mạ không đúng lịch thời vụ hoặc cấy khi nhiệt độ dưới 15 độ C. Một số huyện bị thiệt hại nặng như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Hưng Nguyên…

Rét đậm, rét hại cũng đã khiến gần 2,3 nghìn trâu, bò, bê, nghé; gần 1,1 nghìn con dê; trên 500 con lợn; trên 50 nghìn con gia cầm chết và gần 400 ha thủy sản bị thiệt hại, tập trung tại một số huyện như Quỳ Hợp, Quế Phong, Hoàng Mai...

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm cụ thể tình hình thiệt hại. Trên cơ sở đó, các địa phương đã chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng giống lúa để bổ sung cho bà con nông dân gieo cấy, đảm bảo khép kín diện tích và kịp lịch thời vụ.

Hưng Nguyên là huyện có diện tích thiệt hại tương đối lớn của Nghệ An. Theo ghi nhận của PV, hiện Hưng Nguyên đã khắc phục gần hết diện tích bị thiệt hại và gieo cấy gần hết diện tích theo kế hoạch. Ngành nông nghiệp địa phương đã rất nỗ lực để đảm bảo được kế hoạch đề ra.

Ông Hoàng Đức Ân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết: “Trong số 700 ha lúa phải gieo cấy lại thì có 500 ha gieo sạ. Chúng tôi không khuyến cáo sạ thẳng nhưng tại một số vùng, để giảm ngày công lao động, bà con nông dân vẫn sạ thẳng, gặp thời tiết cực đoan, lúa bị chết.

Một số địa phương, khi được khuyến cáo, nông dân đã có nhiều biện pháp “hãm” thời gian sinh trưởng của hạt giống, nếu không mức độ thiệt hại còn cao hơn nhiều.

Trong ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán, chúng tôi đã làm việc với các xã bị thiệt hại, lên phương án khắc phục nhằm đảm bảo diện tích gieo cấy theo đúng kế hoạch đề ra. Đến nay, bà con nông dân cơ bản đã khép kín diện tích”.

Ông Trương Minh Châu, cho biết thêm: “Theo kế hoạch, đến 15/2, toàn tỉnh sẽ kết thúc thời vụ gieo cấy vụ xuân 2016. Do rét đậm, rét hại, lịch thời vụ có thể chậm 7-10 ngày nhưng với việc cơ cấu các giống lúa thay thế ngắn ngày, vụ hè thu - mùa sẽ không bị ảnh hưởng. Tính đến thời điểm cuối tháng 2/2016, Nghệ An đã gieo trồng được 74.000/85.000 ha kế hoạch và vẫn có thể vượt mức kế hoạch đề ra.

Hiện nay, nước tưới phục vụ sản xuất không thiếu nhưng với tình hình lượng mưa cuối năm 2015 và những tháng đầu năm nay giảm hẳn, rất có thể nước dưỡng vào cuối vụ sẽ gặp khó. Vì vậy, dự báo nông dân đang đứng trước một năm khó khăn”.

VÕ VĂN DŨNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo