Không còn gà chín cựa trên đất Tổ
15:39 - 18/02/2016
Ông Đặng Vĩnh Phúc, trưởng bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ), quê hương của giống gà chín cựa cho biết, mấy năm nay cả bản không còn xuất hiện gà chín cựa mà chỉ còn gà có 6 - 8 cựa.
Một chú gà nhiều cựa của bản Cỏi

Từ xưa cho đến cách đây ít năm, trong đàn gà của bản Cỏi, gà chín cựa rất hiếm nhưng vẫn có. Nay tuyệt nhiên không còn con nào đủ 9 cựa kiêu hãnh để được dân bản tôn kính gọi là “vua gà”.

Theo ông Phúc, hiện cả bản có 91 hộ dân, nhà nào cũng nuôi giống gà nhiều cựa này. Bà con nuôi với quy mô nhỏ lẻ, mỗi hộ khoảng chục con, nhà nuôi nhiều nhất khoảng 50 - 60 con. Hằng năm, mùa xuân ấm áp là thời điểm dân bản bắt đầu gây những lứa gà mới.

Là giống gà bản địa hết sức quý hiếm của vùng núi đá vôi Xuân Sơn, giá có lúc lên tới hàng triệu đồng mỗi con nhưng đầu ra của gà nhiều cựa nơi đây khá bấp bênh.

Từ tháng 10 âm lịch trở đi là có khách đến tận nhà hỏi mua hoặc đặt hàng. Nhiều khách xa từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… đánh ô tô đến tận nơi mua gà làm quà hoặc chơi gà cảnh. Bản Cỏi đông khách mua gà nhất là dịp giáp Tết và lễ hội đền Hùng. Phương thức tiêu thụ gà ở đây chỉ qua các mối quen biết, giới thiệu hoặc thấy có khách xa chạy ô tô đến thì dân bản xách gà ra chào bán.

Trong 2 dịp lễ tết trên mà không có người hỏi mua gà thì bà con phải bán với giá bèo. Bán ở chợ quanh vùng thì không ai mua vì gà bé, ít thịt mà giá lại đắt hơn nhiều so với gà thường.

Bản Cỏi là nơi xuất phát chính gốc của gà chín cựa. Bản nằm ở lưng chừng núi, giữa những cây chò nâu thẳng tắp vươn mình chót vót cùng những ngọn núi đá trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Theo các cụ cao tuổi trong bản, đây là giống lai với gà rừng, kết quả của tập quán chăn thả vật nuôi trong tự nhiên của bà con vùng này.

Trưởng bản khẳng định, con gà nhiều cựa đầu tiên xuất hiện ở bản Cỏi là tại chính gia đình nhà ông. Đó là mùa xuân năm 1982, từ trứng của một đàn gà thường nở ra một con trống có tới 8 cựa. Từ đó gà nhiều cựa cứ thế nhân lên.

14-44-03_img_5006
Khung cảnh bản Cỏi

Giống gà chín cựa chính gốc con to nhất chỉ nặng 1,5kg. Những con từ 2kg trở lên đều là gà lai giữa gà nhiều cựa và gà thường. Người nuôi gà ở đây cho biết, những con gà trên 2kg thì những khách sành gà không mua. Giá gà thuần chủng là 300 nghìn đồng/kg, còn gà lai thì chỉ 220 - 250 nghìn đồng/kg.

Hiện ở nhiều địa phương khác trong huyện Tân Sơn và Thanh Sơn có nuôi và bán gà nhiều cựa. Trong đó hầu hết là gà lai, khá to và nặng cân nhưng thường được chào hàng là “gà chín cựa chính gốc bản Cỏi”.
Bà con bản Cỏi cũng cho biết, những năm gần đây, dịch bệnh trên gà rất nhiều, khiến chất lượng và số lượng gà ở đây giảm.

Các hộ đều nuôi gà ở trại trong rừng, giữa môi trường núi đá, không khí trong lành, cách ly với các nguồn thải sinh hoạt của con người. Sáng sớm gà đã vào rừng tự kiếm ăn, tối mới về chuồng. Bà con thường cho ăn thêm chút cám gạo và ngô vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Nếu buổi trưa chủ có gọi về cho gà ăn thêm thì gà càng đi xa.

Riêng gà con phải úm, nhốt cả mẹ lẫn con, không cho con đi theo mẹ vào rừng kiếm ăn vì gà con có nhiều cựa dễ vướng vào rơm rác khó thoát ra được để trở về với đàn.

Đến khi gà mọc cánh, biết bay (khoảng 1 tháng tuổi) mới cho theo mẹ đi tìm mồi. Gà nuôi 8 tháng được hơn 1kg, nặng tối đa 1,4 - 1,5kg thì bán thịt, nuôi thêm nữa cũng không nặng thêm.

Cuộc sống gắn với vùng núi đá vôi nên giống gà này rất khỏe. Gà con mới bằng nắm đấm đã bay được lên. Gà có hình thức đẹp, thịt ngon. Địa phương đã có một số hoạt động nhằm bảo tồn giống gà quý như mô hình chăn nuôi gà chín cựa do Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ (2008-2010), Đề án bảo tồn nguồn gen gà chín cựa (2012-2015). Mục tiêu của các chương trình này là bảo tồn, phát triển bền vững nguồn gen gà chín cựa tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho bà con, góp phần giảm sức ép vào rừng.

Địa phương vẫn thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn giống gà nhưng nhìn chung nguồn gen quý này chưa thực sự được người dân nơi đây coi trọng. Hầu hết họ đều nói rằng vì đã quá quen với giống gà này nên “thấy nó bình thường”.

ĐÀO THỊ HẰNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo