Toàn tỉnh có khoảng 49.000ha lúa bị chết khô do hạn, mặn gây ra, cao nhất so với các tỉnh khu vực ĐBSCL. Đó là con số đưa ra tại một cuộc họp do Sở NN-PTNT Kiên Giang tổ chức sáng ngày 2/3, tại TP Rạch Giá.
|
Nắng hạn và mặn xâm nhập làm hàng ngàn ha lúa của nông dân huyện An Biên bị chết khô, không thể thu hoạch |
Diện tích lúa bị thiệt hại được các huyện thống kê đã tăng thêm gần 15.000ha, so với thời điểm đầu tháng 2 khi mà UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định công bố thiên tai gây thiệt hại SX lúa vụ mùa và vụ ĐX 2015 - 2016 là 34.093ha.
Lúa bị chết phần lớn là lúa vụ mùa, cấy lấp vụ trên nền đất nuôi tôm, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện An Minh với 16.453ha, An Biên là 10.448ha, Vĩnh Thuận 6.600ha (số liệu thống kê của huyện mới nhất đã tăng lên khoảng 11.000ha)…
Đến đầu tháng 2/2016 toàn tỉnh đã có 18.125 hộ SX lúa vụ mùa và ĐX bị thiệt hại, với số tiền cần hỗ trợ theo quy định để tái đầu tư SX lên đến hơn 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này hiện nay đã tăng lên rất nhiều nên Sở NN-PTNT tỉnh đã có công văn yêu cầu các địa phương rà soát lại số liệu diện tích lúa bị thiệt hại, đồng thời thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế.
Ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, theo khung lịch thời vụ khuyến cáo thì vụ mùa giao sạ dứt điểm trước ngày 25/10 và vụ ĐX chậm nhất là 25/12/2015 để né hạn, mặn.
Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn nước nên có một số huyện gieo sạ trễ vụ mùa như An Minh (7.000ha), U Minh Thượng (1.200ha); vụ ĐX là Hòn Đất (5.000ha), U Minh Thượng (4.000ha). Do đó, phần lớn các diện tích này đều bị thiếu nước và hạn, mặn gây hại vào cuối vụ.
Ông Giang Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất cho biết, vụ ĐX toàn huyện xuống giống được trên 80.000ha, đến nay đã thu hoạch được khoảng 14.000ha, năng suất bình quân ước đạt 6,5 tấn/ha.
“Do tình hình nhiễm mặn, đến nay đã có gần 2.700ha lúa của huyện bị thiệt hại. Ngoài ra, thời tiết bất lợi, dịch bệnh nhiều (trên 33.000ha lúa của huyện bị nhiễm rầy phấn trắng, muỗi hành, lem lép hạt…) làm tăng chi phí, giảm năng suất. Toàn huyện sẽ giảm ít nhất từ 5.000 - 6.000 tấn trong vụ ĐX này”, ông Quang nhận định.
Cũng do bị thiếu nước và hạn, mặn nên diện tích gieo sạ, năng suất của cả vụ mùa và ĐX toàn tỉnh đều bị sụt giảm. Cụ thể vụ mùa toàn tỉnh gieo cấy được 60.197/63.000ha, năng suất bình quân ước đạt 3,39 tấn/ha, thấp hơn 1,2 tấn so với vụ mùa năm trước; sản lượng đạt 203.717 tấn, giảm so với cùng kỳ 79.539 tấn. Vụ ĐX gieo sạ được 301.255/305.000ha, giảm hơn 6.000ha so với vụ ĐX 2014 - 2015.
Đến nay các địa phương đã thu hoạch được trên 128.000ha, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ 0,23 tấn/ha; sản lượng ước đạt khoảng 2,1 triệu tấn, giảm so với vụ ĐX 2014 - 2015 trên 115.000 tấn. Như vậy, qua 2 vụ SX, sản lượng lúa toàn tỉnh mới chỉ đạt hơn 2,3 triệu tấn, còn gần 2,4 triệu tấn mới đạt kế hoạch cả năm 2016.
Vì vậy Kiên Giang có kế hoạch tăng diện tích vụ HT và TĐ để bù lại sản lượng đã bị thiệt hại. Cụ thể vụ HT diện tích gieo sạ 302.000ha, sản lượng dự kiến hơn 1,7 triệu tấn; vụ TĐ 110.000ha, sản lượng 600.000 tấn.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng, thời tiết đang bất lợi, việc tăng diện tích gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể. Vì thời tiết khô hạn không thể xuống giống lúa HT sớm, mà đã làm trễ thì không còn đủ thời gian làm lúa TĐ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, ông Giang Quang kêu khó: “Khả năng huyện chỉ có thể làm lúa TĐ được khoảng 5.000 - 6.000ha ở các khu vực có đê bao, chủ động nguồn nước, trong khi kế hoạch giao tới 10.000ha là khó đảm bảo”.
Nông dân vùng U Minh Thượng kiểm tra ruộng lúa bị nhiễm mặn, lúa trổ nhưng bị lép không có gạo
Ngoài việc tăng diện tích gieo sạ, Kiên Giang chú trọng các giải pháp kỹ thuật. Ông Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang khuyến cáo chọn các giống lúa cao sản, ngắn ngày để né mặn như OM 2517, OM 5451, OM 9921, OM 1490, GKG9… Hoặc chọn các giống có khả năng chống chịu mặn tương đối cao (khoảng 6%o giai đoạn mạ) như GKG 4, GKG 14, GKG 24, ST 5, BC 15, OM 8017, OM 9577… để giao sạ.
Giải pháp
Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Kiên Giang đưa ra các giải pháp phòng chống hạn, mặn như sau:
- Vùng bị nhiễm mặn trên 3%o tuyệt đối không xuống giống, phải chờ mưa.
- Vùng nhiễm mặn dưới 3%o có thể xuống giống nhưng áp dụng một số giải phát kỹ thuật như cày ải phơi đất, khi có nước ngọt rửa mặn triệt để; sử dụng giống ngắn ngày, có khả năng chống chịu mặn; tăng cường bón phân hữu cơ và vôi khi làm đất, bổ sung phân Sulphat Kali (K2SO4).
Nếu giai đoạn mạ bị khô hạn cần phun nước ngọt cho mạ; phun phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như KNO3, Comcat 150 WP, Super Humic…
Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt thì dùng nước bị nhiễm mặn nhẹ dưới 2%o đối với giai đoạn đẻ nhánh và dưới 1%o đối với giai đoạn mạ, làm đòng, trổ…
Gieo sạ tập trung theo từng cánh đồng lớn để hạn chế dịch hại; trồng “cây khỏe” để tăng sức chống chịu với điều kiện bất lợi, bao gồm sử dụng giống tốt, gieo sạ mật độ thưa (100 - 120 kg giống/ha), bón phân cân đối, tránh thừa đạm…