|
Đã đến lúc xây dựng thương hiệu gạo một cách bài bản và khoa học để có thể tận dụng được TPP (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, tại các hội chợ lương thực quốc tế ở Thái Lan những năm qua, gạo VN không dám xuất đầu lộ diện mà chỉ có gạo Thái Lan, gạo Campuchia và các nước khác. “Nhắc tới gạo Thái Lan, ai cũng biết Khao Dawk Mali và Hom Mali, Campuchia có gạo Romduol, Myanmar có Paw San và Ấn Độ là gạo Basmati, nhưng chẳng ai biết gạo thơm VN là gì”.
Hiện người nông dân đang có những thay đổi về tập quán canh tác cũng như tư duy sản xuất, sản xuất những giống lúa chất lượng cao đáp ứng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khi người nông dân quản lý được chất lượng sản phẩm lúa gạo trên đồng ruộng thì khâu quản lý chất lượng đầu ra sản phẩm gạo ở các doanh nghiệp lại còn bỏ ngỏ. Do không quản lý chặt ở khâu đầu ra nên tình trạng đấu trộn nhiều loại gạo để xuất khẩu vẫn còn tồn tại ở một số doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến giá cả và uy tín đối với sản phẩm gạo xuất khẩu.
Ngoài ra, hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào 4 thị trường chủ yếu châu Á, gồm Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia. Với việc không có thương hiệu gạo như hiện nay, chúng ta vẫn không thể tiếp cận được hàng loạt thị trường đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Nhìn sang Thái Lan, các số liệu thống kê của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết từ lâu nay nước này vẫn xuất khẩu gạo sang 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thêm một khó khăn nữa là gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa. Gạo được xuất đi thị trường quốc tế không thuần nhất về giống mà có lẫn vài ba, thậm chí cả chục loại khác nhau trong một bao. Nguyên nhân do hạt lúa của ta hiếm khi đi thẳng từ tay nông dân vừa gặt để đến nhà máy chế biến gạo thành sản phẩm có thương hiệu. Trái lại, hạt lúa ruộng này được trộn với hạt lúa khác giống của ruộng khác và cứ như thế cho đến khi đầy sà lan của thương lái người Việt. Thương lái đem khối lúa trộn này phơi/sấy khô bằng phương tiện thô sơ, xay bóc vỏ trấu để có gạo nguyên liệu rồi giao cho các nhà máy lau bóng của thương lái lớn hơn hoặc của công ty lương thực, chờ lệnh xuất xưởng khi công ty lương thực có đầu ra xuất khẩu hoặc phân phối đi các vùng miền.
Sau khi TPP được công bố, dù khẳng định hạt gạo VN có nhiều lợi thế hơn các đối thủ khi xuất sang các quốc gia thành viên TPP. Trong các thành viên tham gia TPP, trừ Nhật không cam kết trong khi Mexico và Chile sẽ xóa thuế theo lộ trình 8-10 năm, tám quốc gia còn lại đều sẽ xóa thuế ngay cho gạo VN sau khi hiệp định này có hiệu lực. Theo các chuyên gia, đã đến lúc VN cần bắt tay xây dựng thương hiệu gạo một cách bài bản và khoa học để có thể tận dụng được cơ hội này.
Trên thực tế, gạo có thương hiệu, bán được giá phải đạt những tiêu chuẩn cụ thể, chặt chẽ của hạt gạo với độ ổn định cao về chiều dài, đường kính, độ trong, độ bóng, tỷ lệ bạc bụng, tỷ lệ hạt gẫy, độ ẩm, tạp chất, hàm lượng các chất, mùi thơm… Những tiêu chuẩn của hạt gạo phụ thuộc rất lớn vào việc nó hướng đến phân khúc thị trường nào, đáp ứng thói quen tiêu dùng của ai bởi yêu cầu của mỗi thị trường rất đa dạng, ví dụ cùng phân khúc thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản thì thị hiếu mỗi nơi cũng có phần khác biệt.
Do đó, muốn xây dựng thành công thương hiệu phải đảm bảo các chỉ tiêu về cả chất lượng lẫn số lượng, nếu tốt về chất lượng nhưng không đảm bảo về số lượng thì thương hiệu đó không có ý nghĩa lớn trên thị trường quốc tế. Như vậy, việc xây dựng thương hiệu cho giống lúa phải là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài và đồng bộ. Đồng thời, chúng ta cần tập trung lựa chọn được các giống phù hợp, giải quyết được những yêu cầu về chất lượng, năng suất, kiểu dáng sản phẩm, tăng cường tính kháng đa yếu tố với những yếu tố bất lợi của môi trường như bệnh rầy nâu, bạc lá, đạo ôn, khô vằn, chịu hạn, chịu mặn…
Thấy được vai trò quan trọng của thương hiệu gạo Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 706/QĐ-TTg ngày 21-5-2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi toàn cầu. Đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%; trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản.
Quyết định 706/QĐ-TTg cho xây dựng nhiều cấp thương hiệu: Thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu vùng, địa phương; các doanh nghiệp cũng sẽ xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp. Chương trình sẽ tập trung ưu tiên cho 3 giống đặc sản của ĐBSCL: giống Jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản.
Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu “gạo Việt” cần có sự phối hợp của tất cả những bên có liên quan gồm: Doanh nghiệp, chính quyền địa phương, Nhà nước và nông dân. Theo đó, doanh nghiệp chủ động chọn sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu cho mình trước khi quảng bá, tiếp thị đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nếu sản phẩm đó có chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh, sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới xây dựng thương hiệu. Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ các dịch vụ hậu cần thiết yếu. Nhà nước đầu tư xây dựng các phòng xét nghiệm, kiểm nghiệm gạo cho kết quả nhanh, chính xác. Nông dân cũng phải từ bỏ thói quen sản xuất nhỏ mà tham gia HTX để doanh nghiệp có điều kiện liên kết sản xuất lớn.