Các tỉnh phía Nam được coi là “điểm nóng” trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thời gian qua, dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Vẫn phát hiện sai phạm
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp về giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Bình Dương, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Dương thừa nhận, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ở các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn phức tạp, số trường hợp cơ sở chăn nuôi heo vi phạm việc sử dụng chất cấm không giảm. Mức độ tồn dư chất cấm (Salbutamol) trong nước tiểu vượt mức cho phép từ 2,5 đến 500 lần.
Cụ thể, năm 2015, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Bình Dương đã thực hiện kiểm tra 107 cơ sở chăn nuôi heo/122 mẫu nước tiểu và 52 mẫu thức ăn (lấy trực tiếp từ trại chăn nuôi). Kết quả, có 5 cơ sở chăn nuôi heo vi phạm sử dụng chất cấm Salbutamol, chiếm tỷ lệ 5,55%. Kiểm tra ở 6 lò mổ/26 mẫu nước tiểu trên địa bàn Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, tỷ lệ mẫu dương tính với chất cấm là 8, chiếm 30,76%, mức độ tồn dư chất cấm Salbutamol trong nước tiểu heo vượt mức độ cho phép từ 2,6 - 120 lần. Nguồn gốc heo có sử dụng chất cấm chủ yếu từ Đồng Nai (chiếm khoảng 80%), còn lại một số heo có nguồn gốc trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, tình hình cũng không khả quan hơn khi số trường hợp cơ sở chăn nuôi heo có sử dụng chất cấm vẫn còn ở mức cao (chiếm tỷ lệ 17,39% tổng số cơ sở được kiểm tra).
Tại TP.Hồ Chí Minh, năm 2015, Chi cục Thú y thành phố đã lấy 159 mẫu thịt tươi trên địa bàn để kiểm tra tồn dư chất cấm, kết quả có 3/159 mẫu dương tính với tồn dư chất cấm (Beta-agonist). Kiểm tra 45 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9, trên nhóm gia súc đến thời điểm xuất bán, lấy 123 mẫu nước tiểu, 1 mẫu thức ăn và 7 mẫu chất bổ sung để xét nghiệm tồn dư chất cấm, kết quả phát hiện 2 hộ chăn nuôi (12 mẫu) có sử dụng chất cấm.
Theo PGS.TS.Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, để chọn được loại thực phẩm an toàn, người tiêu dùng có thể dựa vào những đặc điểm sau:
Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thông thường lợn được sử dụng chất tạo nạc lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5 - 2cm.
Thịt lợn có chứa các độc chất thuộc nhóm Beta- agonist thường có màu đỏ khác thường, sáng và bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da. Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2 - 3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn, khi dùng tay ấn vào miếng thịt và lấy ra miếng thịt không trở về hình dạng ban đầu chứng tỏ thịt lợn này có độ đàn hồi kém.
Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất. Trong khi đó, thịt lợn giống siêu nạc nuôi theo kỹ thuật thông thường sẽ có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều, khi chế biến có mùi thơm, không bị ra nước.
|
Chi cục Thú y đã thực hiện 3 đợt kiểm tra tại 14 cơ sở giết mổ trên địa bàn quận 7, quận 8, Bình Chánh, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Thủ Đức, lấy 907 mẫu nước tiểu trên 233 lô heo đưa về giết mổ, kết quả có 33/233 lô heo dương tính chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist, chiếm 14,04%; có 129/907 mẫu nước tiểu dương tính chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist chiếm 14,13%.
Từ tháng 9/2015 đến tháng 3/2016, ngành chức năng tỉnh Long An đã tổ chức lấy 1.602 mẫu, trong đó có 1.396 mẫu (nước tiểu, mẫu thịt, thức ăn chăn nuôi, nước uống, thuốc thú y, men vi sinh tại các chợ, cơ sở giết mổ, điểm trung chuyển gia súc, hộ chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi) để kiểm tra nhóm Beta- agonist, kết quả có 7/936 mẫu nước tiểu tại điểm trung chuyển, cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi dương tính với Salbutamol.
Tính đến tháng 12/2015, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 38/297 mẫu (12,7%) vượt ngưỡng cho phép với chất Salbutamol (trong 38 mẫu vượt ngưỡng có 1 mẫu thức ăn lấy tại trại). Theo đó, ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức 2 đợt kiểm tra chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (đợt 1 từ ngày 26/3 – 26/4/2015, đợt 2 từ ngày 06/7- 06/8/2015), lấy 84 mẫu nước tiểu trên đối tượng heo thịt, kết quả có 17 mẫu (20,24%) vượt ngưỡng cho phép với chất cấm Salbutamol. Từ 31/8- 8/9/2015, ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục tiến hành thanh tra đột xuất tại phường Long Bình, TP. Biên Hòa, lấy 17 mẫu (10 mẫu nước tiểu và 7 mẫu thức ăn) tại 10 trại chăn nuôi. Kết quả, có 4/10 (40%) mẫu nước tiểu có chất cấm vượt ngưỡng cho phép. Thanh tra đợt 4, lấy 102 mẫu nước tiểu trên đối tượng heo thịt từ 70kg trở lên tại 102 cơ sở chăn nuôi. Kết quả có 4/102 mẫu (3,92%) có kết quả vượt ngưỡng cho phép với chất cấm Salbutamol. Ba tháng đầu năm 2016, ngành chức năng Đồng Nai lấy 70 mẫu (70 cơ sở chăn nuôi) test nhanh Salbutamol, có 10 mẫu dương tính.
“Chất cấm, kháng sinh như thuốc nổ phá ngành chăn nuôi”
Đó là đánh giá của ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Diễn đàn. Theo ông Thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội quan tâm. Việc một nhóm người, vì lợi ích đã cố tình hoặc vô tình sử dụng chất cấm, tạo nạc, tạo màu và sử dụng kháng sinh tràn lan, gây nguy hại cho người tiêu dùng, khiến ngành chăn nuôi vốn gặp nhiều khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Dù có nhiều biện pháp quản lý nhưng hiện nay vẫn tiềm ẩn nguy cơ các cá nhân cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước thực tế này, pháp luật đã có quy định mới về hành vi sử dụng chất cấm, từ xử phạt hành chính sang cấu thành tội phạm hình sự. Đó là thể hiện sự dứt khoát, cứng rắn đối với hành vi sai trái này.
Ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, Cục Chăn nuôi đã kiểm tra 1.893 cơ sở, qua đó phát hiện 58 cơ sở vi phạm về chất cấm. Trong 1.239 mẫu thức ăn được lấy, có 17 mẫu vi phạm. Trong 3.927 mẫu nước tiểu heo, phát hiện 257 mẫu dương tính với chất cấm. Khi triển khai các đợt kiểm tra đã có những kết quả tích cực, giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với các chất cấm trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho rằng hiện nay tình hình sử dụng chất cấm đang giảm đi khá nhiều. Đến nay theo thông báo từ nhiều địa phương là không phát hiện việc sử dụng chất cấm.
Cuối năm 2015, trong các đợt thanh tra đột xuất, khi đến các nhà máy thức ăn chăn nuôi, họ đều khẳng định không dại gì sử dụng chất cấm. Qua những tháng vừa rồi, chúng tôi chưa phát hiện được các tổ chức, cá nhân vi phạm”, ông Việt nói.
Ông Việt cho biết, nếu lơ là quản lý, nhiều cá nhân sẵn sàng sử dụng các chất cấm và kháng sinh vì lợi nhuận rất cao và thương lái sẵn sàng cung cấp cho người nuôi. Chính vì vậy, các địa phương phải có kế hoạch ngăn chặn cụ thể và liên tục.
“Chất cấm tập trung chủ yếu là ở trang trại. Vì vậy phải kiểm tra thường xuyên các trang trại mới dẹp được. Với kháng sinh, phải quản lý đường nhập vào, phải xác định được một năm ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cần bao nhiêu kháng sinh và đưa vào kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, không nên thanh tra theo kế hoạch. Chỉ có thanh tra đột xuất mới phát hiện được sai phạm”, ông Việt nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Kim Lợi Đại Thành (Bình Dương), Công ty chăn nuôi VIFACO, Công ty TNHH chế biến thức ăn gia súc Kim Long… đã ký cam kết với 3 nội dung chính: cam kết không sử dụng các chất cấm thuộc nhóm Beta – agonist trong sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi; không lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi; ghi chép sổ sách và lưu giữ tên thuốc, hóa chất và kháng sinh sử dụng trong quá trình chăn nuôi và chấp hành hoạt động thanh tra kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm, kháng sinh định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan kiểm tra.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương cho biết: “Bình Dương là tỉnh tập trung nhiều cơ sở chăn nuôi và giết mổ, cũng là đầu mối cung cấp thực phẩm qua các tỉnh lân cận. Vì vậy, trong thời gian tới cần quản lý tốt về chất cấm và lợi dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Trong năm 2016, phải xử lý triệt để các cơ sở vi phạm”.
Mục tiêu của Bình Dương là cùng với 4 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh hình thành vùng an toàn chăn nuôi gia cầm để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong thời gian sớm nhất.
|