Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi: Cuộc chiến cam go
08:52 - 29/04/2016
Sau chất cấm, trong năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tuyên chiến với việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Nhưng theo nhận định  của nhiều chuyên gia, cuộc chiến này còn gian nan hơn nhiều.
 

Theo quy định, hiện nay ở Việt Nam có 46 loại kháng sinh, hóa dược được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN), trong đó có 24 loại được quy định hàm lượng tối đa cho phép tại các QCVN ban hành kèm theo Thông tư 81/2009/TT-BNNPTNT và 22 loại có trong các sản phẩm TĂCN bổ sung được phép nhập khẩu vào Việt Nam tại Thông tư 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/6/2012.

Qua điều tra của Cục Chăn nuôi đối với 94 nhà máy sản xuất, kinh doanh TĂCN trên địa bàn 18 tỉnh, thành phố, thấy trong số 19 loại kháng sinh được phép sử dụng để sản xuất TĂCN cho gà, theo QCVN thì có 14 loại đang được sử dụng phổ biến, trong đó phổ biến nhất là Chlortetracylin, Salinomycin, tiếp theo là Rosaxon và BMD. Một số loại kháng sinh chỉ có 1 đến 3 cơ sở sử dụng. Một số loại kháng sinh khác mặc dù có quy định được phép sử dụng nhưng không có đơn vị nào công bố sử dụng. Hầu hết các đơn vị được điều tra công bố hàm lượng kháng sinh dùng trong TĂCN căn cứ theo quy định tại QCVN tại Thông tư 81. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị công bố hàm lượng sử dụng cao hơn mức quy định, đặc biệt đối với 3 loại kháng sinh là BMD, Salinomycin và Tylosin phốt phát.

Đối với thức ăn cho lợn, có 8/9 loại kháng sinh trong quy chuẩn được sử dụng, trong đó Chlortetracylin là loại kháng sinh được nhiều đơn vị dùng nhất (24 cơ sở, tương ứng với 26%). Không có cơ sở nào sử dụng kháng sinh Virginiamycin. Có 2 loại kháng sinh được công bố sử dụng cao hơn quy định, đó là Chlortetracylin và Tylosin phốt phát (5 và 3 đơn vị, tương ứng với 5% và 3%). Có 4 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn được công bố sử dụng, đó là Colistin, Florfenicol, Kitasamycin, Monensin, đặc biệt được sử dụng nhiều là Colistin.

Như vậy, trên cả 2 đối tượng lợn và gà, việc lạm dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn công nghiệp vẫn xảy ra (công bố hàm lượng sử dụng cao hơn mức quy định trong QCVN), không những vi phạm quy định về quy chuẩn kỹ thuật mà còn có nguy cơ làm tăng tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và tăng sự kháng kháng sinh đối với vật nuôi.

Cũng theo khảo sát, chủng loại kháng sinh được sử dụng trong sản xuất thức ăn cho bê và bò thịt hạn chế nhiều so với sản xuất thức ăn cho lợn và gà. Chỉ có 3/11 loại kháng sinh trong quy chuẩn và 1 loại kháng sinh ngoài quy chuẩn được sử dụng. Tất cả các đơn vị công bố sử dụng theo quy định tại quy chuẩn. Chỉ có 01 loại kháng sinh Salinomycine ngoài quy chuẩn được sử dụng.

Kết quả cho thấy, trong tổng số 94 đơn vị được điều tra thì có 60 đơn vị (chiếm 64%) cung cấp thông tin là có sử dụng kháng sinh trong TĂCN. Trong đó, có 54 đơn vị sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng, 20 đơn vị sử dụng kháng sinh để phòng bệnh (một số đơn vị sử dụng cho cả 2 mục đích). Hầu hết các đơn vị đều cho rằng, nên sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng ở giai đoạn đầu của quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm vì ở giai đoạn này gia súc, gia cầm chưa ổn định về hệ thống đường tiêu hóa, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất cần bổ sung kháng sinh để củng cố hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ thức ăn và tăng năng suất. Đồng thời sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng ở giai đoạn đầu sẽ có thời gian dài để kháng sinh đào thải ra khỏi cơ thể trước khi xuất chuồng. Điều này sẽ tránh tồn dư kháng sinh trong thực phẩm.

Điều tra tại các cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho thấy, chỉ có 56/86 (chiếm 65%) cơ sở có quan tâm đến kháng sinh trong thức ăn khi mua về. Tuy nhiên, có 46/86 (chiếm 53%) số trại chăn nuôi trộn kháng sinh vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi với mục đích phòng bệnh và trị bệnh (phòng bệnh 46 cơ sở, trị bệnh 30 cơ sở). Trại chăn nuôi sử dụng kháng sinh là do kinh nghiệm trong chăn nuôi cho thấy cần phải trộn thuốc vào thức ăn hoặc nước uống để phòng bệnh theo mùa hoặc khi có dấu hiệu vật nuôi mắc bệnh. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn, đa số các trại chăn nuôi cho rằng, nếu sử dụng kháng sinh liều thấp sẽ kích thích sinh trưởng vật nuôi và an toàn trong sản phẩm chăn nuôi (53/86 cơ sở, chiếm 62%), thời gian sử dụng kháng sinh nên ở giai đoạn đầu (70/86 cơ sở). Chỉ có 47/86 cơ sở, chiếm 54,7%, đã ngừng sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh theo quy định.

Hãy làm bằng trái tim

Để quản lý sử dụng kháng sinh trong TĂCN, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải đưa lộ trình cấm sử dụng kháng sinh trong thời gian 5-10 năm tới khi các điều kiện sản xuất chăn nuôi được cải thiện. Ngoài ra, cần ban hành danh mục kháng sinh cấm sử dụng trong TĂCN; danh mục kháng sinh được phép sử dụng với mục đích kích thích tăng trưởng trong TĂCN và giới hạn hàm lượng cho phép (tối thiểu - tối đa); cần có quy định về sử dụng kháng sinh trong trại chăn nuôi (chỉ sử dụng khi có bệnh, tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi xuất bán, áp dụng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP).Tổ chức sản xuất theo chuỗi để có thể truy xuất được sản phẩm có tồn dư kháng sinh và có biện pháp xử lý theo quy định.Thành lập nhóm công tác kiểm tra đột xuất việc lạm dụng sử dụng kháng sinh ngay tại các cơ sở chăn nuôi, đặc biệt lưu ý các nhóm hộ chăn nuôi tự phối trộn thức ăn, hộ chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa của các quán ăn, bếp ăn tập thể. Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT phát huy đường dây nóng phối hợp với Cục C49 và các đơn vị có liên quan tổ chức trinh sát, xác minh, thanh tra, kiểm tra đột xuất khi nhận được thông tin về các dấu hiệu vi phạm pháp luật; và là cơ quan đầu mối trong việc thực hiện các đợt kiểm tra cao điểm, tổ chức giao ban định kỳ với các đơn vị liên quan.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, cũng như cuộc chiến với chất cấm, để quản lý việc sử dụng kháng sinh hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới người chăn nuôi, các đơn vị sản xuất, kinh doanh TĂCN về tác hại của việc lạm dụng kháng sinh. “Không thể để tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi như hiện nay, chỉ được phép sử dụng với hàm lượng thấp, tiến tới cấm hoàn toàn. Hiện, chúng tôi đang triển khai đợt kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi, từ đó xác định được lượng kháng sinh dùng trong ngành chăn nuôi, yêu cầu sử dụng đúng như khuyến cáo”, ông Vân nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT, thừa nhận, so với chất cấm, việc kiểm soát lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi còn khó khăn, vất vả hơn nhiều, vì chất cấm chỉ có vài loại, còn kháng sinh có tới hàng chục loại khác nhau đang được lưu hành. “Năm 2016, chúng tôi tập trung vào 4 lĩnh vực chính: chất cấm, phân bón hữu cơ và phân bón khác, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng và lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trong đó cuộc chiến với kháng sinh là cam go nhất. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Kế hoạch 1527, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, hướng mũi nhọn là thành lập các đoàn thanh tra, xác định loại kháng sinh nào đang dùng phổ biến, loại nào cấm, đường đi của kháng sinh ra sao. Tôi nghĩ, cũng như chất cấm, việc hạn chế, tiến tới đẩy lùi việc lạm dụng kháng sinh cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt với những cách làm mới của các ngành chức năng và địa phương bằng trái tim, bằng trách nhiệm, coi đó làmệnh lệnh để đảm bảo cung cấp những thực phẩm an toàn cho người dân”, ông Việt khẳng định.

Việc sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong TĂCN (kháng sinh dùng với liều thấp từ 30-50mg/kg thức ăn và dùng liên tục nhiều ngày) cùng với việc sử dụng kháng sinh bừa bãi để điều trị bệnh trong nhân y thú y là thủ phạm chính  gây kháng kháng sinh (nhờn thuốc). Các nhà y học cho biết, hàng năm có khoảng 25.000 người bị chết vì nhiễm các bệnh do nhờn thuốc và chi phí cho các tổn thất vì loại bệnh truyền nhiễm này ước tính lên tới 1,5 tỷ EUR/năm.

Chính do tác hại của vấn đề kháng kháng sinh mà tất cả các nước trong EU và một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… đã ngừng sử dụng kháng sinh làm chất kích thích tăng trưởng trong TĂCN (các nước trong EU ngừng sử dụng từ tháng 1 năm 2006). Tồn dư kháng sinh trong thịt, sữa, trứng… sản xuất trong nước hay nhập khẩu được họ kiểm soát nghiêm ngặt và ngăn chặn kịp thời.

 

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo