Rau VietGAP bí đầu ra
10:37 - 28/04/2016
(TNNN)- Rau VietGAP đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng sức mua cũng không mấy khả quan. Các DN trồng rau VietGAP cho biết, rau VietGAP mới chỉ được tiêu thụ ở các siêu thị và cửa hàng rau quả lớn với số lượng khiêm tốn. Việc tiêu thụ ở chợ vẫn còn khó khăn.
Nông dân trồng rau VietGAP phải tốn nhiều chi phí đầu tư (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Tại hệ thống siêu thị Co.opmart, mỗi ngày, có khoảng 45 - 50 tấn rau được bán ra, trong đó rau theo tiêu chuẩn VietGAP chiếm 90%. Tại hệ thống siêu thị Vinmart, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP do Vingroup trồng thời gian qua đã gần như thay thế hoàn toàn rau thông thường trước đây. Hệ thống siêu thị Big C cũng thế, rau củ quả mua từ các trang trại rau VietGAP ở Lâm Đồng luôn thu hút khách hàng.
 
 
Tại Quảng Bình, Tổ hợp tác sản xuất rau sạch thôn Cừa Phú (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới) thành lập từ năm 2012 với 8 hộ dân tham gia. Tổ hợp tác chủ yếu sản xuất các loại rau, củ, quả sạch như: cà chua, hành lá, đậu cô ve, mướp đắng, bí ngồi, các loại cà... Năm 2014, rau sạch Bảo Ninh được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay toàn xã Bảo Ninh đã có 6 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường bình quân hàng năm khoảng 600 tấn.
 
 
Ngoài ra, còn Tổ hợp sản xuất rau sạch thôn Đức Hoa, xã Đức Ninh đạt tiêu chuẩn VietGap của 45 hộ dân trên diện tích 2,7ha, sản lượng thu hoạch 60 tấn. UBND thành phố ưu tiên 2 gian hàng tại chợ Đồng Hới cho 2 Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Cừa Phú và Đức Hoa đến buôn bán, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên đầu ra vẫn không tránh khỏi khó khăn.
 
 
Tại Quảng Nam, cuối năm 2015, hàng chục hộ dân sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) điêu đứng khi giá rau sạch VietGAP bán tại ruộng chỉ 5.000 đồng/10kg. Bà con cho biết trồng rau sạch theo hướng VietGAP rất tốn công sức và đầu tư lớn, nhưng hiện nay với giá bán thấp như vậy nên nhiều hộ đã bỏ hoang đất hoặc chuyển trồng những loại cây khác được giá hơn.
 
 
Tại An Giang, ấp Mỹ An 2 (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap đã được triển khai trên diện tích 5 héc-ta với 26 thành viên ban đầu. Đến nay, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap ở xã Mỹ Hòa Hưng đã nâng diện tích lên 7,5 héc ta. Mỗi ngày, sản lượng rau màu an toàn của tổ hợp tác bán ra thị trường khoảng 1 tấn, giá bán các mặt hàng rau của xã cao hơn nơi khác 1.000 đồng/kg và rau màu được dán nhãn VietGap bán cao hơn giá thị trường 2.000 – 2.500 đồng/kg”.
 
 
Tuy nhiên, trong hơn 1 tấn rau màu của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn bán thì chỉ có 300-400kg được đóng dấu VietGap, còn lại phải bán đồng giá với mặt hàng cùng loại khác. Nông sản sạch đưa đến tay khách hàng, chỉ có mặt ở vài chợ, siêu thị trong địa bàn thành phố.
 
 
Tại Thừa Thiên- Huế, xã Quảng Thành (huyện Quảng Điền) có hơn 20ha rau được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, người trồng rau sạch nơi đây đang đứng trước nguy cơ phải quay lại với hình thức sản xuất rau theo kiểu truyền thống bởi tiêu thụ gặp khó khăn.
 
 
Gần đó, vựa rau sạch xã Quảng Thọ (Quảng Điền) cũng đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nhiều năm qua, 244 hộ xã viên của Hợp tác xã Quảng Thọ 2 trồng 40ha rau má theo quy trình VietGAP nhưng chỉ có khoảng 20% sản lượng rau được hợp tác xã thu mua, còn phần lớn sản lượng rau đều phải bán ở chợ hoặc qua thương lái nên giá chỉ ngang bằng rau má được sản xuất theo kiểu truyền thống.
 
 
Khó khăn lớn nhất là đầu ra cho rau tiêu chuẩn VietGap. Tâm lý người tiêu dùng vẫn chuộng rẻ, ra chợ thấy rau quả gì ưng ý thì mua thứ đó cho dù không biết nguồn gốc xuất xứ. Khách đi chợ truyền thống đa số là người lao động, thấy rau VietGAP giá cao hơn rau thường khoảng 30% thì chê đắt, không mua. Mặt khác, thị trường vẫn còn lẫn lộn giữa rau an toàn với rau sản xuất theo kiểu truyền thống.
 
 
Thói quen của khách là tự mình lựa chọn từng nhúm rau, bó cải hay trái cà, trái bí. Rau củ chất đầy trên sạp, khách lựa chọn theo sở thích. Còn rau VietGAP ra chợ được đóng gói kín, yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ thích hợp (mát), nếu để ở nhiệt độ ngoài trời sẽ dễ bị bí hơi, héo rũ hơn rau thường nên khách không chuộng.
 
 
Một trong những điều hạn chế của rau VietGAP là tiêu chuẩn cao, năng suất thấp, tốn rất nhiều chi phí đầu tư và công sức chăm sóc, hình thức lại không hấp dẫn bằng rau bình thường, giá thành cao và như vậy rất khó cạnh tranh với rau bán đầy chợ.
 
 
Ngoài ra, muốn đưa được rau VietGAP vào siêu thị thì phải có nhãn mác, thương hiệu, mà để làm được cũng rất tốn kém, trong khi, số lượng tiêu thụ qua siêu thị không phải quá nhiều.
 
 
Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGap hay Global Gap đang là hướng đi đúng nhằm nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, để tiến tới nền nông nghiệp sản xuất sạch, bền vững, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích khi từ sản phẩm nông nghiệp sạch. Ngoài ra, để giải quyết khâu kết nối lưu thông, chúng ta rất cần sự vào cuộc của ngành Công thương, Y tế, để tổ chức lại mạng lưới thương mại nông sản, giúp nông dân mở mở rộng thị trường. Cũng cần hình thành nên chuỗi cung ứng nông sản sạch với sự tham gia của các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng hệ thống các cửa hàng nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm sạch, người tiêu dùng có điểm đến mua. 


Năm 2008, Bộ NN&PTNT triển khai mô hình trồng rau VietGAP dựa trên 4 tiêu chí: kỹ thuật sản xuất đúng tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm (không có hóa chất, chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch), môi trường làm việc phù hợp với sức lao động của người nông dân và đảm bảo nguồn gốc sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Chương trình được nông dân hào hứng tham gia nhưng rồi sau đó phải quay về với phương thức sản xuất cũ...

Minh Tiến
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo