Kết thúc vụ sản xuất muối 2014 tại Bình Định: Tái diễn điệp khúc được mùa, mất giá
08:52 - 29/04/2016
Niên vụ sản xuất muối năm 2014 ở Bình Định đã chính thức khép lại. Nhờ thời tiết diễn biến khá thuận lợi nên diêm dân được mùa lớn, sản lượng đạt gần 30.000 tấn. Tuy nhiên, một lần nữa tái diễn tình trạng “được mùa, mất giá”, khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn…
Sản phẩm muối tiêu thụ chậm, diêm dân cất giữ ngay tại ruộng.

Giá thấp, tiêu thụ khó khăn

Tuy đã hết thời vụ sản xuất muối, nhưng tại cánh đồng muối trên địa bàn các xã Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát), Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), Phước Thuận (huyện Tuy Phước), sản lượng muối tồn đọng còn khá lớn do giá thấp và đầu ra khó khăn. Theo diêm dân ở các địa phương, năm nay giá muối thường xuyên ở mức thấp, thời điểm cuối vụ giá muối sản xuất theo phương pháp thủ công ở mức từ 800 - 900 đồng/kg; muối sạch sản xuất theo phương pháp trải bạt từ 1.100 - 1.200 đồng/kg; giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá muối giảm nhưng thương lái hầu như rất ít mua.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, lượng muối còn tồn đọng tại các địa phương trong tỉnh đến thời điểm này là 6.705 tấn. Trong đó, xã Cát Minh (huyện Phù Cát) còn tồn  2.500 tấn; xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) 1.800 tấn; xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) 1.200 tấn; xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) 810 tấn; xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) 395 tấn.

Ông Nguyễn Văn Thành, ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, cho biết: Năm nay thời tiết thuận lợi nên đồng muối Cát Minh được mùa lớn. Với ruộng muối 750 m2, từ đầu vụ đến nay, tôi thu hoạch gần 32 tấn, cao hơn nhiều so với những năm trước. Được mùa, nhưng giá muối thấp, chỉ ở mức bình quân 900 đồng/kg, bằng một nửa so với vụ muối năm 2013. Giá muối thấp, mỗi vụ muối chỉ sản xuất từ 4-5 tháng mùa nắng, nên thu nhập không đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày.    

Không chỉ người làm muối ở xã Cát Minh gặp khó mà diêm dân toàn tỉnh Bình Định cũng cùng cảnh “được mùa, mất giá”. Ông Lê Cảnh Nhàn, Trưởng thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), thở dài: Làm cái nghề “năm ăn năm thua” này cực thật, năm nào được mùa thì muối lại rớt giá, còn khi mất mùa thì lại được giá. Toàn Diêm Vân năm nay có 11,3ha ruộng muối, sản lượng trên 2.000 tấn; cao hơn gấp đôi với vụ muối năm 2013, nhưng giá muối chỉ dao động từ 900-1.100 đồng/kg nên ai cũng buồn vì sản xuất hầu như không có lãi.

Theo Phòng Chế biến nông lâm sản và nghề muối thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, vụ muối năm nay toàn tỉnh sản xuất 214ha. Đến cuối tháng 9, sản lượng muối của diêm dân thu hoạch được xấp xỉ 30.000 tấn, tăng gần 80% so với sản lượng muối năm 2013. Tuy nhiên, do giá muối thấp, đầu ra không thuận lợi nên diêm dân chỉ mới tiêu thụ được 22.306 tấn, còn tồn đọng trên 6.705 tấn. Ngoài ra, sản lượng muối còn tồn kho tại 2 đơn vị thu mua, chế biến muối trên địa bàn tỉnh gồm Chi nhánh Công ty CP Muối và Thương mại miền Trung tại Bình Định và Công ty CP Muối và Thực phẩm Bình Định còn đến 4.693 tấn.

Cần hỗ trợ diêm dân

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Phó giám đốc Công ty cổ phần Muối và Thương mại miền Trung, nguyên nhân làm giá muối năm nay thấp là do hầu hết các tỉnh trong khu vực từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận đều trúng mùa, trong khi các nhà máy chế biến trong nước không tiêu thụ hết lượng muối sản xuất của diêm dân. Bên cạnh đó, chất lượng muối sản xuất ở Bình Định còn khá thấp do chủ yếu sản xuất bằng phương pháp thủ công, muối lẫn tạp chất nhiều, không thể sử dụng trong chế biến công nghiệp. Hiện nay, trong tổng số 214ha ruộng muối trên địa bàn Bình Định, hiện mới chỉ có 13,65ha sản xuất bằng phương pháp trải bạt, còn lại trên 200ha sản xuất bằng phương pháp thủ công. Ngoài ra, việc tiêu thụ muối chủ yếu qua thương lái nên thường xuyên xảy ra tình trạng ép cấp, ép giá.

Giúp diêm dân tháo gỡ khó khăn, vừa qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ muối để ổn định giá; thực hiện chủ trương hỗ trợ vốn vay cho diêm dân phát triển sản xuất theo phương pháp trải bạt với lãi suất ưu đãi. Các bộ, ngành chức năng nghiên cứu hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng muối Đề Gi tại các xã: Cát Minh, Cát Khánh (huyện Phù Cát), Mỹ Thành, Mỹ Cát, Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) và đồng muối Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến diêm, chuyển giao công nghệ sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt cho hộ nghèo...

Theo chúng tôi, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhằm tạo sự ổn định về giá cả trong việc mua nguyên liệu muối, cần tạo sự liên kết giữa diêm dân và doanh nghiệp mua, chế biến muối để sản phẩm có nơi tiêu thụ ổn định. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cũng cần có sự phối hợp, vận động các đơn vị chế biến muối trên địa bàn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho diêm dân theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ; tạo mối liên kết với lợi ích hài hòa giữa người sản xuất với doanh nghiệp, tránh để tái diễn tình trạng  “được mùa, mất giá” hay “mất mùa, được giá”.
Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo