Thực tế, vào đầu tháng 5/2016 thương lái tìm đến giới thiệu người của Cty rồi mua 40 con lợn VietGAP và lấy giấy chứng nhận VietGAP của tổ hợp tác. Trong khi đó số lượng xuất bán là 80 con/lần cách nhau bình quân 10 ngày.
|
Lợn VietGAP bán chợ trời! |
Bến Tre có đàn lợn trên 500.000 con, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL với hơn 40.000 hộ chăn nuôi. Để hướng người chăn nuôi sản xuất lợn sạch, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, năm 2015, Sở KH-CN Bến Tre đã xây dựng mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Cẩm Sơn và Thành Thới B (Mỏ Cày Nam) với 18 hộ tham gia. Tuy nhiên, khi người chăn nuôi sản xuất được sản phẩm lợn VietGAP thì lại bí đầu ra.
Ông Hồ Văn Truyền, ấp An Thiên, xã Thành Thới B, một trong số hộ chăn nuôi lợn VietGAP nói: Nuôi lợn VietGAP là để cung ứng cho người tiêu dùng sản phẩm thịt sạch vì trong quy trình chăn nuôi VietGAP phải tuân thủ quy chuẩn như con giống phải rõ nguồn gốc; thức ăn và nước uống phải mang mẫu đi kiểm định chất lượng; trong quá trình chăn nuôi khống chế tốt dịch bệnh phát sinh, theo dõi sát sức khỏe và sức tăng trưởng của đàn lợn mỗi ngày; nắm bắt được nhiều thông tin mới cũng như kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Chăn nuôi lợn VietGAP chi phí như nuôi truyền thống nhưng nhiều hộ chưa mặn mà với tiêu chuẩn này do bà con chưa có thói quen ghi chép nhật ký chăn nuôi. Trọng lượng lợn VietGAP chỉ có mức 85 – 110 kg; bán lợn không cho ăn trước 12 giờ.
Một bất cập lớn trong khâu tiêu thụ lợn VietGAP là hệ thống thương lái đang chen giữa người nuôi và doanh nghiệp. Lực lượng này dùng giấy chứng nhận VietGAP của các tổ hợp tác để gian lận thương mại trong việc giao hàng cho doanh nghiệp.
Các hộ chăn nuôi lợn VietGAP xuất bán cho thương lái đều kèm theo giấy chứng nhận VietGAP của tổ hợp tác.
Hệ thống cò đến mua lợn của các tổ viên là để lấy mảnh giấy chứng nhận VietGAP. Mua một lần là đi luôn không bao giờ quay trở lại mua lần 2.
Thực tế, vào đầu tháng 5/2016 thương lái tìm đến giới thiệu người của Cty rồi mua 40 con lợn VietGAP và lấy giấy chứng nhận VietGAP của tổ hợp tác. Trong khi đó số lượng xuất bán là 80 con/lần cách nhau bình quân 10 ngày. Khi đi họ còn cho lại số điện thoại và hứa thu mua tiếp thế nhưng 10 ngày sau liên lạc bán lợn thì họ trả lời thẳng không mua.
Như vậy, mục tiêu của cò là đến mua để có mảnh giấy chứng nhận VietGAP. Sau đó họ đi mua lợn không VietGAP rồi sử dụng chứng nhận của tổ hợp tác VietGAP bán cho công ty.
Chính hệ thống cò này đang cản trở quá trình giao thương giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp. Nếu không bị lực lượng này chen vào thì người chăn nuôi ký được hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp sẽ thu thêm lợi nhuận từ 200.000đ/100 kg heo thương phẩm.
Người chăn nuôi ký được hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp sẽ thu thêm lợi nhuận từ 200.000đ/100 kg heo thương phẩm
Ông Nguyễn Văn Bé Chính, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi lợn VietGAP ở xã Cẩm Sơn và Thành Thới B, cho biết: Tổ hợp tác chăn nuôi lợn VietGAP có 18 hộ với sản lượng khoảng 1.134 tấn sản phẩm/năm.
Việc gia tăng số hộ nuôi lợn VietGAP là dễ nhưng do đang vướng ở khâu tiêu thụ. Từ ngày được công nhận VietGAP đến nay cũng đã có DN đến đặt vấn đề thu mua, trong đó có Cty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan).
Theo đó, các điều kiện Cty yêu cầu thu mua lợn có trọng lượng từ 85 – 110 kg/con, không được cho ăn no, phải có chứng nhận của thú y. Tuy nhiên, vướng mắc mà người nuôi cũng như tổ hợp tác không thể làm được là việc giao lợn tận nhà máy chế biến trong khi giá thu mua không cao, thậm chí còn thấp hơn thương lái. Bán lợn đói người chăn nuôi đã thiệt, giá mua không cao hơn thị trường lại còn yêu cầu giao lợn tận nhà máy nên tổ hợp tác nuôi lợn VietGAP chưa ký hợp đồng tiêu thụ.
Sở Công thương Bến Tre cho biết: Tổ hợp tác nuôi lợn VietGAP ở xã Cẩm Sơn và Thành Thới B đã được cấp chứng nhận VietGAP cuối năm 2015. Sở cũng đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ gặp nhau thỏa thuận chuyện ký kết hợp đồng tiêu thụ lợn sạch. Tuy nhiên, sau lần gặp bàn thì đến nay lợn sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được doanh nghiệp để mắt nên buộc phải bán chợ trời!