Mùa khai khoáng cũng là mùa dân làng chài ven sông Lô 'treo niêu"
10:18 - 07/06/2016
Khủng khiếp vô cùng. Cả một khúc sông bị nhuốm đỏ bởi màu của thải quặng, kéo dài 2-3 cây số. Cá tôm sặc sụa, ngắc ngoải trúng độc phải nhảy lên bờ...
Nạn khai thác cát đang tàn phá sông Lô rất khủng khiếp

Có lẽ không có một dòng sông nào trên đất nước này "chiến sự" lại diễn ra nhiều như trên sông Lô. Cuộc chiến bảo vệ sông, bảo vệ làng. Giống như một định mệnh, dòng sông Lô chưa bao giờ được yên bình.

Đua nhau đầu độc

“Ta tay dân chài xuôi ngược dòng sông Lô, từng quăng lưới xa, từng vây lưới giặc… Sông nuôi dân thiên thu đã hòa mạch máu bao người, sóng xuôi quanh co về, hòa mạch cùng với xuôi” (Trường ca Sông Lô - nhạc sỹ Văn Cao).

Cảm hứng từ lịch sử đưa tôi bắt đầu cuộc hành trình sông Lô từ ngã ba sông, nơi hợp lưu sông Gâm và sông Cả ở xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đến một ngã ba sông khác, hợp lưu sông Đà sông Lô, sông Hồng ở Bạch Hạc (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Một cuộc hành trình chứng kiến “khúc tráng ca lịch sử” đang bị con người đầu độc, tàn phá một cách kinh khủng nhất.

Xuôi dòng sông Lô, vẫn còn đó những bến Bình Ca, vẫn phà Vĩnh Lợi, những chứng tích hào hùng của dòng sông lịch sử. Vẫn những ngôi làng triền bãi bên sông xanh ngút ngàn những ngô, những chuối, những rặng tre trải dài tít tắp. Nhưng đó chỉ là chút yên bình hiếm hoi, không thể ngụy tạo nổi sự đớn đau mà dòng sông này đang gánh chịu.

Những màn tra tấn sông Lô khởi nguồn từ việc chính quyền địa phương cấp phép vô tội vạ cho các chủ mỏ ngày đêm cày xới, móc ruột núi rừng mạn huyện Hàm Yên, huyện Yên Sơn, huyện Sơn Dương... Chất thải từ hoạt động khai thác khoáng sản chồng chất như núi, chờ đợi những trận mưa đồng lõa xả hết ra sông Lô, biến dòng sông có màu nước xanh mắt mèo thành màu đỏ nung chết chóc.

Trần Văn Hải, một ngư dân của ngôi làng chài ngụ cư ở ngã ba sông Phúc Ninh, người cho tôi xuôi đò, nửa như than thở nửa như trách móc: Không biết vì sao người ta cấp mỏ khai thác khoáng sản nhiều đến thế. Nước thải từ các mỏ khai thác khoáng sản đang cướp hết cơm hết cháo của dân sông nước chúng tôi rồi. Bây giờ, mỗi khi đến mùa khai thác khoáng sản rầm rộ cũng là mùa những cư dân làng chài treo niêu, bỏ đi biệt xứ.

Tôi từng vào một điểm tuyển rửa quặng ở thôn Bình Ca, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) để chứng kiến cách người ta xả thải ra sông Lô. Khủng khiếp vô cùng. Cả một khúc sông bị nhuốm đỏ bởi màu của thải quặng, kéo dài 2-3 cây số. Cá tôm sặc sụa, ngắc ngoải trúng độc phải nhảy lên bờ. Cả một làng chài phía dưới dòng sông phải dời ngược mãi phía sông Gâm do không còn đường sống.

Chưa kịp “giải độc” hết những chất thải từ rừng núi, qua bến Bình Ca, dòng sông tiếp tục chịu sự tra tấn từ các nhà máy. Thủ phạm lớn nhất là Công ty CP Giấy An Hòa, đóng tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương. Người ta đã tính ra rằng, mỗi ngày công ty này xả ra sông Lô tầm 7.500 m3 nước thải. Theo phản ánh của người dân địa phương, đó là thứ chất thải có mùi hôi thối không thể nào chịu nổi.

17-18-13_nhl1
Công ty Giấy An Hòa xả thải ra sông Lô

 

Người lái thuyền đưa tôi đến một trong những cống xả thải của nhà máy. Dòng chất thải từ nhà máy giấy bọt tung trắng xóa, nước có màu vàng đục, nổi váng nhờ nhờ. Nước thải từ nhà máy ra đến bờ sông vón thành cục, thành tảng, bồi lên cả một khúc sông cao hàng mét. Người dân cũng tố cáo thêm, ngoài hệ thống xả thải lộ thiên thì hình như phía công ty còn đặt ống xả thải ngầm, chạy dọc dưới lòng sông Lô, bởi thỉnh thoảng thấy nước cuộn đen đùn lên từ giữa sông.

Khó để diễn tả sự đau đớn, ngộp thở của dòng sông, nhưng người dân địa phương bức xúc lắm. Họ không biết phân tích mức độ ô nhiễm, không biết lấy mẫu nước thải mang đi xét nghiệm, nhưng họ biết chắc chắn một điều là dòng sông đang chết. Cứ mỗi khi sông bị đầu độc, cá lại chết dạt vào bờ. Rồi cả rong rêu hai bờ sông vốn dĩ mơn mởn xanh nay cũng úa vàng chết rục. Những loài cá bỗng, cá lăng, những loài cá quý mà dòng sông ban tặng cho dân vạn chài tự bao đời cũng tuyệt không còn một mống.

Trên bờ, dưới bến, dân làng thương cho số phận dòng sông đời đời kiếp kiếp họ mang ơn nhưng bất lực. Cũng đơn thư đấy, đề xuất kiến nghị đấy, nhưng mà chẳng ăn thua. Mấy năm trước, Thanh tra Bộ TN-MT từng xử phạt An Hòa 227 triệu đồng vì hành vi xả trộm nước thải chưa qua xử lý thẳng ra sông Lô...

Bất chấp hậu họa

Không chỉ bị đầu độc, dòng sông Lô đang trở thành một “chiến trường” thực thụ ngay giữa thời bình.

Từ Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, dọc theo các bãi sông, đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh người dân tự chế vũ khí để chống chọi cát tặc. Cả những tranh giành trên sông. Đâm chém. Súng ống, đạn hoa cà hoa cải đều có hết… Cuộc chiến giữa các doanh nghiệp khai thác, cuộc chiến với người dân, thậm chí là cuộc chiến giữa các địa phương.

Trước thực tế quá phức tạp trên sông Lô, mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi Bộ GTVT yêu cầu dừng các dự án khơi thông luồng lạch núp bóng khai thác cát. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản yêu cầu các DN tạm dừng khai thác một số điểm trên sông Lô. Tưởng dòng sông sẽ được yên bình đôi chút, nhưng thực tế, cả ngày lẫn đêm, sông Lô đang bị bức tử, tàn phá rất kinh khủng.

 

Có lẽ không một khúc sông nào đau đớn bằng sông Lô phân định ranh giới hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Từ ngã ba Bạch Hạch xuôi các huyện Phù Ninh (Phú Thọ), Sông Lô, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), nhìn trên sông đông đúc chẳng kém gì trên bờ.

Một ngày đầu tháng Tư vừa rồi, hàng trăm người dân thôn Long Châu (xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã hò nhau vây bắt hai chiếc tàu khai thác cát của một doanh nghiệp phía bên Vĩnh Phúc.

Tàu của Công ty Thái An, một doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép, ngày ngày sang nạo hút cát sỏi bên Phú Thọ.

Hàng triệu m3 đất nông nghiệp của xã Vĩnh Phú bị cuốn trôi, hàng trăm hộ dân đứng trước nỗi lo sẽ bị dòng sông nuốt chửng. Mồ mả tổ tiên sụt lún, đổ ụp xuống xông, trôi theo dòng nước.

Người dân thôn Long Châu phải góp nhau tiền mua trống, mua tàu chống chọi sức tàn phá của những đội quân khai thác cát.

Cụ ông Đỗ Quang Ẩm, bậc cao niên thôn Long Châu nói với tôi, đó là hành động bất đắc dĩ khi người dân chứng kiến sự bất lực của các cơ quan chức năng.

Thêm một minh chứng thể hiện sự bức xúc quá đỗi của người dân, hai chiếc tàu họ bắt được lập tứng bị mang ra đốt trước sự chứng kiến của toàn thể dân làng.

"Cái chết" của hai con tàu ở thôn Long Châu là hệ quả tất yếu khi người dân bức xúc quá độ trước tình trạng cấp phép vô tội vạ cho doanh nghiệp tàn phá sông Lô từ các nhà chức trách.

17-18-13_nh-sl4
Nạn khai thác cát đang tàn phá sông Lô rất khủng khiếp

 

Theo thống kê, khúc sông Lô này có đến hơn 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ. Đấy là còn chưa kể đến những dự án núp bóng chủ trương khơi thông luồng lạch đang ngày đêm móc ruột sông Lô.

Những ngôi làng có nguy cơ biến mất. Từ Long Châu cho đến Bạch Lưu, Đôn Nhân (tỉnh Vĩnh Phúc) nỗi lo ngày càng hiện hữu. Đê kè cũng không tài nào chống nổi sức tàn phá ghê gớm của hoạt động khai thác khoáng sản kiểu cũ, kiểu mới đều có cả. Người dân xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô) vẫn đang ngày ngày chống chọi với nạn khai thác cát sỏi khi chứng kiến công trình kè nhà nước đầu tư bảo vệ bờ bãi bị sạt lở. Họ đơn độc, thậm chí phải lén lút làm cái việc chính nghĩa ấy vì lo sợ bị trả thù.

Còn cơ quan chức năng? Đến như ông Nguyễn Văn Khước, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc còn trả lời về thực trạng tàn phá sông Lô thế này thì e là khó kỳ vọng: “Chúng tôi muốn đóng cửa, muốn dẹp hết cho yên nhưng mà khó lắm”.

HOÀNG ANH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo