Sản xuất chè theo VietGAP – hướng phát triển bền vững
16:52 - 25/05/2016
(TNNN)- Mặc dù là nước xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới (sau Kenya, Sri Lanka, Trung Quốc, Ấn Độ) và giá chè có tăng nhưng Việt Nam vẫn đang là một trong những nước có giá chè xuất khẩu thấp nhất.
Sản xuất chè VietGAP ở Vị Xuyên-Hà Giang (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Nhìn chung, chè của Việt Nam giá bán thấp, chỉ bằng 60-70% giá chè thế giới, thị trường lại chưa ổn định. Các sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu là chè đen, chè xanh, chè ô long, chè nhài, chè đen OTC… với các thị trường chủ lực là Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, LB Nga, Mỹ, Indonesia…
 
 
Nguyên nhân chính là mất an toàn thực phẩm và chất lượng chè chưa tốt, bên cạnh đó sản xuất chè hiện nay còn nhiều hạn chế về cơ cấu giống, kỹ thuật thâm canh, công nghệ thiết bị chế biến và khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh cho chè ở nhiều nơi còn khá tuỳ tiện, không đảm bảo thời gian cách ly…còn phổ biến ở nhiều vùng chè. Đây là vấn đề rất bức xúc trong sản xuất cần sớm khắc phục để có sản phẩm chè an toàn.
 
 
Việt Nam hiện nay có khoảng 135 ngàn ha chè. Diện tích chè cả nước năm 2015 đạt khoảng 132 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt trên 150 ngàn tấn, xuất khẩu khoảng 80 ngàn tấn.
Để phát triển ngành chè một cách bền vững và hiệu quả, phải kiên quyết thay đổi cách thức sản xuất để cây chè đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng xuất khẩu. Trong đó, việc tổ chức sản xuất chè an toàn bằng việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice - GAP) ngày càng được nhiều nước nhập khẩu chè ưa chuộng vì có thể kiểm tra được chất lượng khi lưu thông trên thị trường. Áp dụng các tiêu chuẩn GAP, người nông dân trồng chè sẽ có nhật ký ghi lại việc canh tác, chăm bón chè từ đầu vụ đến cuối vụ. Các đơn vị thu mua, chế biến cũng có những ghi chép cụ thể để sau khi các sản phẩm chè ra thị trường, người tiêu dùng sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc chè khi cần thiết.
 
 
Hiện nay ở nước ta sản xuất chè đang áp dụng một số tiêu chuẩn GAP như: VietGAP, UTZ, Rainforest Alliances, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ (EU, Mỹ). Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho chè được ban hành vào năm 2008, đến nay có 197 cơ sở sản xuất chè với diện tích 9.306,48 ha (diện tích chứng nhận VietGAP đang còn hiệu lực), trong đó tập trung ở một số tỉnh như: Yên Bái: 2.042 ha, Phú Thọ: 1.954,18 ha, Hà Giang: 1.063,7 ha, Lâm Đồng 363,4 ha, Thái Nguyên 565,4ha... 9 doanh nghiệp xuất khẩu đạt chứng nhận quốc tế.
 
 
Ngoài sản xuất chè theo VietGAP một số tỉnh có mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn UTZ Certified, Rainforest Alliance, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ khoảng trên 2.000 ha, một số mô hình được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu, tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ như chè tại Yên Bái, Lâm Đồng và Lào Cai đã được xuất khẩu.
 
 
Nhờ quản lí tốt đầu vào, đầu ra, quy trình kỹ thuật mà sản phẩm chè của các doanh nghiệp chè như: Cty Chè Hà Tĩnh, Phú Đa, Phú Bền (Phú Thọ), Biển Hồ (Kon Tum) và một số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài luôn được đối tác đặt cọc tiền trước, giá bán cao gấp rưỡi giá chè bình quân của Việt Nam. Nhờ đó, đời sống thu nhập của người dân tại các vùng chè ngày một nâng cao.
 
 
Tại Lào Cai, năm 2010, UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lập dự án xây dựng 1.000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên tại huyện Mường Khương, sau đó mở rộng ra các huyện Bảo Thắng, Bát Xát...
 
 
Bà con cho biết, trồng chè theo phương pháp VietGap nên năng suất chè tăng gấp đôi, chất lượng cao, búp đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường. Việc chăm sóc chè theo cách làm của VietGap mặc dù có tốn nhiều công hơn, nhưng bù lại, bà con thu lượng búp nhiều hơn. Các hộ dân đều cho rằng, lượng búp đã tăng ít nhất từ 15 - 20%.
 
 
Đến hết năm 2015, Lào Cai có vùng nguyên liệu đạt khoảng 2.500 ha với 3.000 hộ tham gia. Sản lượng chè búp tươi được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Năm 2015 sản lượng đạt gần 6.300 tấn, giá trị vùng nguyên liệu đạt 40,9 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt từ 20 triệu đồng/ha năm 2012 lên 46 triệu đồng/ha năm 2015, tạo việc làm cho trên 8.000 lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định cho các hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, người dân vươn lên làm giàu từ cây chè. Mặt khác, chất lượng chè được nâng cao vì vậy chế biến được những sản phẩm chất lượng tốt.
 
 
Giai đoạn 2015 - 2020, Lào Cai phấn đấu có 3.800 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap, gần bằng 50% diện tích chè hiện có trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương và Bảo Thắng.
 
 
Tại Tuyên Quang, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm đã chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm chè xuất khẩu. Năm 2013, công ty đã liên kết với tập đoàn Unilever (tập đoàn phân phối bán lẻ 2 quốc gia Anh và Hà Lan) để đầu tư đổi mới dây chuyền chế biến, áp dụng quy trình nông nghiệp an toàn bền vững trong chăm sóc và thu hái. Với một quy trình sản xuất nông nghiệp sạch từ khâu sản xuất đến chế biến, sản phẩm của doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để tiêu thụ tại các thị trường quốc tế.
 
 
Hàng năm, doanh nghiệp xuất khẩu xấp xỉ 2.000 tấn chè xanh, chè đen. Năm 2015, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu 2.100 tấn, chiếm 58,3% lượng chè xuất khẩu của tỉnh, với mức giá ổn định là 1,9 USD/kg sản phẩm chè xanh và chè đen cho tổ chức Unilever để đưa vào các thị trường bán lẻ tại Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản và một số nước Nam Á. Tổng  doanh thu đạt trên 96 tỷ đồng.
 
 
Tại xã Hùng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) hiện có diện tích chè công nghiệp trên 500ha với hơn 500 hộ tham gia trồng. Chè ở đây được người dân sản xuất áp dụng theo chương VietGap, đó là không sử dụng các loại hóa chất trừ sâu, hoặc chất kích thích ra mầm, mà chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học. Năm 2015, toàn xã đạt sản lượng 41.000 tấn, doanh thu trên 12 tỷ đồng. Trong sản xuất người trồng chè ở đây đã rất quan tâm đến vấn đề chất lượng sản phẩm và ATVSTP để phục vụ công tác xuất khẩu tăng thu nhập.
 
 
Tuy vậy việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Hiện trên 90% diện tích chè do nông dân sở hữu với diện tích bình quân mỗi hộ dân sản xuất chè chỉ khoảng vài sào dẫn đến khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn sản xuất chè an toàn chúng ta phải truy nguyên được nguồn gốc và phải được tổ chức chứng nhận GAP. Điều này khó thực hiện được cho hàng triệu hộ nông dân.
 
 
Do vậy cần tổ chức sản xuất theo hướng liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lại với nhau như tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ tạo thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ đầu ra tránh việc trà trộn giữa chè được chứng nhận GAP với chè thông thường gây mất lòng tin của người tiêu dùng trong nước và làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng an toàn thực phẩm đối với chè xuất khẩu.
 
 

Thanh Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo