|
Rất nhiều nương rẫy người dân đã phải rào lại và gia cố bằng lưới thép gai thế này |
Điều đáng nói, kẻ gian không chỉ trộm cắp của những gia đình khá giả mà nhiều hộ nghèo cũng rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần khi gia sản lớn nhất là con trâu, con bò có được từ nguồn tiền vay vốn ngân hàng cũng bị mất trộm. Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phải khóc hết nước mắt khi bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền của đã bị kẻ gian đột nhập lấy cắp chỉ vì một chút sơ hở lơi là, buông lỏng cảnh giác.
Bên cạnh nỗi lo canh trộm bơ vào mùa thu hoạch thì hiện nay các nhà vườn tại huyện Cư M’gar lại đang bức xúc với nạn trộm ngọn bơ non. Có thể nói đây là loại trộm cắp mới nên người dân ít biết để cảnh giác đề phòng. Kẻ xấu thường lợi dụng những địa điểm rẫy vắng để đột nhập hái trộm ngọn bơ rồi đem bán cho các cơ sở cấy ghép giống. Hành vi này đang gây nhiều thiệt hại cho người nông dân trên địa bàn.
Cách đây khoảng 2 năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây bơ đem lại, anh Nguyễn Minh Cường, ở thị trấn Quảng Phú- huyện Cư M’gar đã mạnh dạn trồng xen vài chục cây bơ trong vườn cà phê. Hiện những cây bơ của anh đang phát triển xanh tốt, có cây đã cao tới ngang đầu người. Do vị trí rẫy nằm cách khá xa khu dân cư, cách nhà gần 5 km nên thỉnh thoảng anh Cường mới thu xếp công việc để đến thăm rẫy.
Mới đây, trong một lần thăm rẫy, anh Cường rất xót xa khi phát hiện mấy chục cây bơ đã bị kẻ xấu cắt hết ngọn. Ban đầu, anh nghĩ là do bò hoặc dê nhà ai đi lạc vào ăn mất ngọn, tuy nhiên đến khi kiểm tra kỹ lại thì toàn bộ vài chục cây bơ trong vườn đều đã bị kẻ xấu dùng kéo cắt cụt hết ngọn. Anh Cường bức xúc vì trước đây mới chỉ nghe hiện tượng bị trộm quả bơ vào mùa thu hoạch chứ không ngờ ngọn bơ cũng bị hái trộm. Vườn bơ gia đình anh bỏ nhiều công chăm sóc, đang đến độ phát triển mà bị kẻ xấu hái hết ngọn thì biết khi nào cây mới hồi phục được.
Cũng chung cảnh ngộ như gia đình anh Cường, gia đình ông Bành Việt Tùng ở thôn 4- xã Ea Kpam, cách đây 6 năm đã mạnh dạn phá bỏ 3 ha cà phê già cỗi để chuyển sang trồng bơ Booth, một giống bơ trái vụ cho thu nhập cao. Đến nay, vườn bơ đã cho thu hoạch và mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định tới vài trăm triệu đồng mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí.
Gần đây, khi phát hiện những cây bơ của mình bị ngắt mất ngọn non, ông Tùng đã rất ngạc nhiên tưởng trẻ con đi chăn bò nghịch ngợm hái chơi. Tuy nhiên, đến khi kiểm tra kỹ, thấy số lượng ngọn bơ bị hái cụt rất nhiều, ước tính cả vài ngàn ngọn, lúc đó ông Tùng mới phát hiện ra nguyên nhân là do kẻ xấu hái trộm ngọn để ghép cây giống. Tính sơ sơ, thiệt hại của gia đình ông cũng lên tới cả chục triệu đồng.
Theo giá bơ giống trên thị trường hiện nay, mỗi cây bơ trái vụ có giá bán vào khoảng 40.000 đồng. Để có được một cây bơ ghép, các cơ sở sản xuất giống phải thu mua ngọn bơ với giá từ 5.000- 10.000 đồng/ngọn. Mỗi cây bơ có tuổi từ 3- 5 năm thì lượng ngọn bơ non tương đối nhiều, kẻ gian có thể cắt trộm vài trăm ngọn bơ non như vậy.
Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ- Phó Trưởng Công an xã Ea Kpam cho biết: Nạn trộm ngọn bơ trên địa bàn trong thời gian gần đây chỉ mới bắt đầu thấy xuất hiện khi giá bơ trái vụ có giá rất cao. Đa số các vụ trộm ngọn bơ thường xảy ra ở những vườn rẫy xa khu dân cư nên khó bị phát hiện. Hơn nữa, khi bị mất trộm, người dân lại không trình báo cơ quan chức năng sớm dẫn tới việc truy tìm kẻ trộm của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
“Vì đây là nạn trộm cắp mới xuất hiện nên ít người đề phòng. Chúng tôi khuyến cáo bà con cần thường xuyên thay nhau ra trông vườn, đồng thời địa phương cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để bà con cảnh giác”- ông Vỹ nhấn mạnh.
Tại huyện Xuân Lộc- Đồng Nai, trong những ngày này, người trồng tiêu cũng đang hết sức lo lắng và bức xúc trước tình trạng bọn trộm ngang nhiên cắt phá vườn tiêu, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Người dân ở khu vực ấp Bàu Sen- xã Xuân Trường đang rất hoang mang và xót xa khi hàng trăm trụ tiêu trong độ tuổi cho thu hoạch bỗng dưng bị cắt trụi đến tận gốc chỉ sau vài đêm. Thậm chí, nhiều trụ tiêu cao tới hàng chục mét cũng bị kẻ trộm kéo xuống cắt hom để bán giống, bất chấp bao công khó khăn chăm sóc của người nông dân.
Không chỉ xảy ra tình trạng cắt trộm dây tiêu, bọn trộm còn manh động hơn khi lấy đi các hom tiêu giống của những vườn mới trồng để mang bán. Bà con nông dân cho biết, đối với những bụi tiêu bị cắt phá như vậy, phải mất đến 3 năm sau cây mới có thể phục hồi lại như cũ, hoặc là cây sẽ bị chết do đã cắt sát tận gốc.
Để đối phó với vấn nạn cắt trộm dây tiêu, từ nhiều ngày qua, các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc đã phải cắt cử người thay phiên nhau túc trực tại rẫy. Thậm chí, có những hộ còn phải tăng cường thêm chó hoặc kéo đèn điện chiếu sáng ra vườn để trông giữ tài sản của mình.
Qua tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, trong mấy năm trở lại đây, do giá hạt hồ tiêu tăng cao nên nhiều nông dân đã chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng này. Nhu cầu sử dụng lượng tiêu giống trên địa bàn rất lớn dẫn đến giá cả cũng tăng cao đột biến. Hiện nay, một hom tiêu giống Vĩnh Linh loại tốt đang có giá là 20.000 đồng/hom; tiêu giống Phú Quốc cao hơn, khoảng 30.000 đồng/hom.
Do được giá, rất nhiều thương lái ở khắp nơi đã tìm đến huyện Xuân Lộc để đặt mua tiêu giống, tuy nhiên số lượng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước tình hình này, bọn xấu đã bất chấp những thiệt hại của người nông dân để thực hiện bằng được hành vi phá hoại của mình nhằm trục lợi cá nhân. Bà con nông dân nơi đây đang mong mỏi các ngành chức năng cần sớm vào cuộc điều tra và có biện pháp trừng trị nghiêm minh, thích đáng những kẻ phá hoại, trả lại sự bình yên cho người dân.
Theo nhận định và đánh giá của cơ quan chức năng thì việc tìm ra những kẻ gian này cần phải mất nhiều thời gian và rất khó để xác định được đối tượng. Nguyên nhân chính bởi phần lớn các sự việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi có địa bàn rộng nên dấu vết bọn tội phạm để lại không nhiều. Thêm vào đó, thời gian chúng gây án thường diễn ra lúc đêm tối nên không ai xác định được hình dáng của kẻ gian.
Cũng theo cơ quan công an, mỗi năm, các đơn vị đã nhận được hàng trăm tin báo trộm cắp liên quan đến việc trộm bò, trộm nông sản như: Hồ tiêu, cao su, cà phê, bơ… tuy nhiên, phần lớn các vụ việc đó chỉ truy tìm được một số ít thủ phạm để xử phạt.
Từ các vụ việc nói trên, lực lượng chức năng đưa ra khuyến cáo người dân trước hết cần nêu cao tinh thần cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình. Đồng thời, đối với chính quyền địa phương cũng cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân nhiều hơn nữa. Ở các thôn, buôn, cần có các tổ an ninh thường xuyên đi tuần tra, kiểm soát để hạn chế được thấp nhất những vụ trộm cắp nông sản, phá hoại nông nghiệp diễn ra trên địa bàn.
Thực tế, qua những sự việc đã xảy ra cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội trộm cắp nông sản trên địa bàn đều là những phương thức truyền thống như: Lợi dụng sơ hở của chủ tài sản (không có người trông coi, canh giữ); lợi dụng nguyên nhân khách quan (đêm tối, mất khả năng quan sát)… Gần đây, nguy hiểm hơn khi các đối tượng đang có sự liên kết, tập hợp thành từng băng, nhóm hoạt động có tổ chức và tinh vi hơn, do đó số vụ trộm cắp nông sản cũng như số lượng nông sản bị trộm cắp tăng lên nhanh chóng.
Vì vậy, để tình trạng trộm cắp tài sản là nông sản được giảm thiểu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất thì cùng với sự ra quân, cố gắng nỗ lực của các cơ quan chức năng, người dân cần phải đoàn kết, kiên quyết đấu tranh, xóa nạn trộm cắp tài sản. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác để bọn tội phạm không có cơ hội hoạt động cũng như triệt tiêu mọi nguyên nhân gây ra tội phạm; đặc biệt là trong những khoảng thời gian diễn ra việc thu hoạch thời vụ.