Người trồng vải trong nước không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc bởi có quá nhiều rủi ro. Muốn vậy phải liên kết đưa sản phẩm vào thị trường mới mở như Mỹ, Nhật Bản… dù họ yêu cầu khắt khe.
Ngày 24.4, tại Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Sở NNPTNT Bắc Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp với chủ đề “Các giải pháp kỹ thuật và tổ chức sản xuất nhãn, vải đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”.
Tránh phụ thuộc Trung Quốc
Tại diễn đàn, Ban tổ chức nhận được 31 câu hỏi từ phía các nông dân của 7 tỉnh “thủ phủ” nhãn, vải miền Bắc. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh các vấn đề chữa trị bệnh và xuất khẩu nhãn, vải... Ông Vi Văn Hòa ở huyện Yên Thế (Bắc Giang) băn khoăn về việc xuất khẩu nhãn, vải có nhiều yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi đó nông dân lại rất yếu về việc này, mong cơ quan chức năng T.Ư và địa phương giúp đỡ...
Giải đáp thắc mắc, ông Lê Nhật Thành – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: Vải thiều của nước ta hiện nay chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong nội địa (khoảng hơn 60%) và xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Ví như trong năm 2014, nước ta xuất khẩu hơn 70.000 tấn sang Trung Quốc. Đây là thị trường không yêu cầu chất lượng sản phẩm cao nhưng giá cả thường bấp bênh, thiếu ổn định, do đó giá trị kinh tế thu được chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế mà loại trái cây này có thể mang lại.
“Người trồng vải trong nước không nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc bởi có quá nhiều rủi ro. Để làm được như vậy, chúng ta phải liên kết lại với nhau đưa sản phẩm vào thị trường mới mở như Mỹ, Nhật Bản… dù họ yêu cầu khắt khe về chất lượng nhưng đổi lại bà con có được thị trường tốt, giá bán cao và ổn định hơn rất nhiều” – ông Thành khẳng định
Cuối tháng 5 sẽ đưa vải thiều sang Mỹ
Cũng theo ông Lê Nhật Thành, hiện cơ quan hữu quan của Việt Nam đã đề nghị mời các chuyên gia, đối tác thị trường Mỹ sang kiểm tra và cấp chứng nhận tiêu chuẩn xuất khẩu, dự kiến đến cuối tháng 5.2015 lô vải thiều đầu tiên sẽ được xuất sang Mỹ.
Cũng xoay quanh vấn đề tiêu chuẩn xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, anh Trần Văn Nam ở Lục Ngạn hỏi: “Hiện, một số xã của huyện đã được tỉnh xây dựng vùng vải xuất khẩu theo chuẩn GlobalGAP, nhưng hiện gia đình tôi và bà con trong thôn chưa được hưởng ưu đãi này?”.
Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang cho biết: Năm nay, để đảm bảo nguồn hàng cho xuất khẩu sang Mỹ, EU.., và các thị trường truyền thống (Trung Quốc, Lào, Campuchia), tỉnh đã quy hoạch và triển khai sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Hợp tác xã Hồng Xuân, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn với quy mô 100ha, với sản lượng dự kiến đạt khoảng 500 - 600 tấn và đang tiếp tục mở rộng xây dựng ra các vùng khác trong huyện. “Hiện, đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đăng ký nhận xuất khẩu vải thiều của tỉnh sang các nước Mỹ, Nhật…”- ông Phượng nói.
Là đơn vị thường xuyên xuất khẩu nhãn, vải sang Mỹ, ông Phan Tú - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Dương Sao cho biết: “Vụ 2015 sắp tới, nếu các tỉnh có sản phẩm đạt quy chuẩn xuất khẩu, công ty sẽ thu mua khoảng 20 tấn vải thiều đưa sang Mỹ thử nghiệm, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục bao tiêu với số lượng lớn”.