ĐBSCL đất đai trù phú, những người biết tích lũy có trong tay ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Nhưng cũng có những người không tấc đất cắm dùi, quanh năm làm thuê làm mướn, chạy gạo ăn đong từng bữa.
Khu dân cư nghèo
Theo thống kê, trung bình mỗi hộ nông dân ở ĐBSCL chỉ có khoảng 1 ha đất để sản xuất. Vì vậy, cứ 1 hộ tích tụ từ 2-3 ha đất thì đồng nghĩa sẽ có 1-2 hộ mất đất. Không tư liệu sản xuất, không thu nhập, họ trở thành hộ nghèo.
Ai may mắn được chính quyền xét cấp nền định cư ở các khu dân cư thì có chỗ che mưa, che nắng. Nhưng vào khu dân cư chỉ có chỗ ở, còn để sống được họ buộc phải đi làm thuê, làm mướn quanh năm.
Xã Tân An (Tân Hiệp, Kiên Giang) đang trong quà trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư, sản xuất phát triển. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, hiện đã đạt mức thu nhập khá, bình quân 35,5 triệu đồng/người/năm.
Thế nhưng, không ít hộ dân trong xã không có đất sản xuất, họ được bố trí ở trong khu dân cư của xã, hình thành nên “xóm ngụ cư nghèo”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Trần Thị Thúy An cho biết, trong 1.814 hộ dân trong xã thì chỉ có 1.560 hộ (chiếm gần 86%) có đất sản xuất, còn lại 254 hộ có khẩu nhưng không có đất, sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Còn nếu xét theo diện hộ nghèo xã còn 37 hộ nghèo (chiếm 1,03%), cận nghèo 67 hộ (chiếm 3,69%).
Để chăm lo chỗ ở cho các hộ nghèo, xã đã được cấp trên cho thành lập cụm dân cư với tổng số 129 nền, trong đó có 70 nền sinh lợi, còn lại là bán ưu đãi trả chậm cho hộ nghèo.
“Để hộ nghèo có thể vào ở được, mỗi nền được cất 1 căn nhà khung tiền chế bằng cột xi măng, mái lợp tôn, diện tích 4 x 7 m, với trị giá 17 triệu đồng. Những hộ được xét vào ở sẽ được bán thiếu trong 10 năm, sau đó trả góp từ từ. Hiện nay đã có 47 hộ vào ở trong khu dân cư”, bà Trần Thị Thúy An cho biết.
Những cư dân của “xóm ngụ cư nghèo” Tân An không có việc làm, ra gốc cây ngồi tránh cái nắng nóng mùa hè
Khi quy hoạch khu dân cư Tân An có đầy đủ điện, nước, chợ nông thôn nhưng khi vào ở thì chỉ có điện là được kéo đầy đủ. Còn nước có xây dựng trạm mini, kéo đường ống nhưng chỉ chạy thử vài ngày rồi khô luôn.
Nhà lồng chợ xây xong nhưng không có tiểu thương nào vào buôn bán vì toàn là hộ nghèo nên có bán cũng chẳng mấy ai có tiền mua. Nhà lồng chợ trống rỗng, bỏ hoang mấy năm nay. Vì vậy mà nền sinh lợi cũng chẳng bán được. Một số hộ dân tận dụng đất trống để trồng rau màu, cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Là hộ dân vào khu dân cư ở từ rất sớm, bà Lê Thị Điệp (56 tuổi) cho biết: “Khi được xét cấp nhà tôi mừng lắm, vì từ nay có chỗ an cư lạc nghiệp. Nhưng khổ nỗi nhà chỉ có cái khung, trơ ra vài cây cột.
Nghèo nên không có tiền làm nên để hoàn thành căn nhà ở được tôi phải “xây dựng” ròng rã trong 5 năm mới xong. Thu nhập từ làm thuê, làm mướn bữa có bữa không, lo cái ăn cho gia đình đã khó, lấy đâu ra tiền dư để mua gạch, xi măng mà làm”.
Rồi bà kể tiếp, tôi nói ra chú đừng cười, khi mới về đây ở vợ chồng tôi phải vớt một đám lục bình lớn cột ở bờ sông cho ốc bươu vàng bám vào, rồi ngày ngày ra bắt kho ăn qua bữa, chứ không dám mua thịt, cá, để dành dụm cố sửa cái nhà cho xong.
Còn 17 triệu đồng tiền mua nhà trả góp chưa biết bao giờ mới trả hết cho nhà nước. Trước khi về đây ở, gia đình bà Điệp ở đậu trên đất nhà người quen trong xã để đi làm thuê làm mướn.
Còn anh Đỗ Vạn Toàn (SN 1974), trước đây ở ấp kênh 3B, khi lập gia đình ra riêng được cha mẹ chia cho 3 công ruộng làm vốn mưu sinh.
Anh Toàn tâm sự: “Hai vợ chồng với 3 công ruộng, cộng với đi làm kiếm thêm thu nhập thì còn sống được. Nhưng từ khi 2 đứa con ra đời cuộc sống bắt đầu thiếu trước hụt sau. Rồi không may đứa con trai nhỏ bị bệnh thập tử nhất sinh, thế là phải bán hết ruộng để lo giữ mạng sống cho con.
Những ngày không có ai kêu đi xây, anh Toàn về nhà giúp vợ bán quán nước cho vui, chứ thu nhập chẳng đáng là bao
Ngày con ra viện cũng là lúc trắng tay. Cũng may vào năm 2010, thấy hoàn cảnh khó khăn, xã, ấp xét cấp cho nền nhà trong khu dân cư này mới có chỗ che nắng, che mưa”. Để vào căn nhà trống trước, hụt sau trong khu dân cư sinh sống, anh Toàn phải vay, mượn đầu tư thêm gần 80 triệu đồng xây tường, ngăn phòng, lót gạch, làm công trình phụ…
Quanh năm làm thuê
Sống ở nông thôn mà không có đất sản xuất, lại không có nghề nghiệp gì thì chỉ có cách là đi làm mướn, ai kêu việc gì làm việc nấy.
Chia tay những nông dân không đất ở “xóm ngụ cư nghèo” xã Tân An, tôi mãi suy nghĩ về câu nói của ông Bảy Thẹo trước khi ra về: “Ở đây chẳng ai có việc làm thường xuyên, lo cái ăn hàng ngày đã khó, chứ lấy gì mà tích lũy, trả nợ tiền mua nhà cho nhà nước. Có người đã vào đây ở hơn chục năm rồi mà vẫn còn nợ. Ai may mắn có con đi làm công nhân ở các khu công nghiệp thì hằng tháng còn có “lương thành phố”, không thì ngồi nhà chờ thời, ai kêu gì làm nấy”. |
Để nuôi gia đình, anh Toàn đi làm thợ hồ, mỗi ngày thu nhập được khoảng 200.000 đồng. May mắn ai kêu lãnh nguyên nhà thì anh Toàn “thành thầu cai”, tập hợp thêm vài anh em thợ hồ để làm.
Theo anh Toàn, ở khu dân cư nghỉ ngày nào là đói ngày đó. Vì đủ thứ phải lo, cơm áo hàng ngày, rồi thì tiền đi đình, đi đám, tiền lo cho con cái ăn học…
Anh Toàn lo ngại: “Vất vả mấy cũng phải làm để lo cho con, thiếu thì đi vay mượn thêm, chỉ sợ nó bỏ học dở chừng thì đổ nợ”.
Ở nhà, anh Toàn mở quán nước nho nhỏ để cho vợ đứng bán, kiếm đồng ra đồng vào, lo rau, cá hàng ngày. Ngày nào không đi xây thì anh về phụ giúp cùng vợ, con cho đỡ buồn, chứ thu nhập chẳng đáng là bao.
Cũng như anh Toàn, ông Bảy Thẹo (Trần Văn Thẹo, 63 tuổi) ở cùng khu dân cư cũng phải ngày ngày đi làm mướn để nuôi gia đình.
Ông Bảy Thẹo có 3 đứa con, tất cả đều bỏ học dở chừng để đi làm thuê, làm mướn. Đến tuổi lao động, anh chị em kéo nhau lên tỉnh Bình Dương để làm công nhân, dành dụm được ít nào thì gửi về phụ giúp cha mẹ.
Nhưng lương công nhân lao động phổ thông, thu nhập chẳng bao nhiêu, lại phải ở nhà trọ nên tháng chỉ dư 1-2 triệu đồng gửi về là nhiều.
Nhà lồng chợ khu dân cư Tân An xây xong rồi bỏ trống do toàn là hộ nghèo, buôn bán chẳng mấy người có tiền mua
Ông Bảy Thẹo nói giọng trầm buồn: “Bây giờ ruộng đồng cái gì cũng làm bằng máy móc hết, nên lao động chân tay như tôi cũng ít người kêu, bữa đực, bữa cái chẳng bõ bèn gì. Ngày nào có việc kiếm được khoảng 150.000 đồng, còn không ra gốc cây nằm hóng mát, chứ nhà lợp tôn mà thấp tè tè, mùa nóng vào như cái lò nướng”.
Công việc của những người như ông Bảy Thẹo hiện nay chủ yếu là đắp bờ ruộng, móc đường mương, hay đẩy máy phun xịt thuốc dưới cái nắng chang chang nhưng cũng chỉ được từ 120.000 - 150.000 đồng/ngày.
Thế nhưng cũng chỉ vào mùa vụ mới có việc làm, còn bình thường là thất nghiệp. Hơn nữa, công việc ngày càng ít do đã được cơ giới hóa. Rồi đây, không biết cuộc sống sẽ đi về đâu khi máy móc xuống ruộng ngày càng nhiều.