Những sáng tạo của nông dân thật đáng trân trọng
20:35 - 17/03/2015
“Sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã giúp nhiều nông dân biến khu vườn, mảnh ruộng của mình thành những mô hình cho thu nhập hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng. Không chỉ giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nghề vườn, mà rộng ra là mô hình VAC, đã có những đóng góp đáng kể cho nông nghiệp, nông thôn”, GS.TS.Ngô Thế Dân, Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, khẳng định.
Xin ông cho biết, trong những năm qua, kinh tế VAC, kinh tế trang trại đã có đóng góp như thế nào cho quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn?
Chủ tịch HLVVN Ngô Thế Dân và ông Lê Văn Tam, GĐ Cty Mía đường Lam Sơn thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao của cty.

Năm 2014, trong bối cảnh nhu cầu nông sản của thị trường thế giới có xu hướng giảm, sức mua thấp nhưng ngành nông nghiệp vẫn gặt hái được kết quả khả quan khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 30,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Điều đáng nói là xuất khẩu rau quả, một sản phẩm chính của nghề vườn, đạt mức kỷ lục với 1,47 tỷ USD, tăng tới 34,9%.

Hòa chung với thành công đó, mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại do hội viên Hội Làm vườn (HLV) khắp nơi xây dựng cũng có sự thay đổi đáng kể cả về lượng và chất. Không chỉ dừng lại ở việc giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nhiều mảnh vườn, nhiều mô hình VAC còn đưa những nông dân vào danh sách những triệu phú, tỷ phú. Bên cạnh kinh nghiệm, sự cần cù, chăm chỉ - vốn là đức tính của nông dân Việt Nam từ bao đời nay, sự năng động, sáng tạo còn giúp nhiều nhà vườn biến những khu vườn tạp, ao hoang thành vàng. Ở nhiều địa phương, việc xây dựng các khu vườn bạc tỷ, rộng ra là mô hình VAC bạc tỷ, đã trở thành phong trào, thu hút nhiều hội viên HLV và nông dân tham gia, thúc đẩy mạnh mẽ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở các địa phương. Những mô hình chuyển đổi có thể đạt thu nhập cao gấp 4 - 5 lần trồng lúa.

Đơn cử như ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), mấy năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi một phần diện tích vải thiều cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây có múi (cam Canh, bưởi Diễn, cam Vinh), nhiều nông dân đã có thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm. Con số 5.000 triệu phú mà Lục Ngạn đang sở hữu là minh chứng cho những sáng tạo, đam mê và nỗ lực của nông dân, là kết quả của chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Điều đáng nói là, vai trò của HLV được nông dân Lục Ngạn đánh giá cao. Tôi từng nghe chủ nhiệm một hợp tác xã nói rằng: “Dân ở đây nếu không là thành viên của hợp tác xã thì họ sẽ tham gia HLV”. Điều đó chứng tỏ, Hội đã đóng vai trò quan trọng giúp nông dân phát triển sản xuất, tiếp cận  tiến bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường,…

Ông có thể tổng kết một số mô hình vườn tiêu biểu mà hội viên HLV đang triển khai thực hiện?

Có thể khẳng định, nông dân Việt Nam không những cần cù, chịu khó mà còn năng động, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo ra những mô hình mới phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái. Có thể kể ra những mô hình VAC mang lại thu nhập bạc tỷ như:

Mô hình vườn (VAC) thâm canh ngoài trời, với việc xây dựng những mô hình VAC tổng hợp hoặc chuyên canh, nhiều nông dân, hội viên HLV đã bắt những mảnh ruộng, khu đồi vốn khô cằn phải nhả “vàng”. Ở địa phương nào cũng có thể bắt gặp những nông dân như thế, ví dụ, anh Bàn Văn Lợi ở thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong (Bạch Thông - Bắc Kạn) đã biến khu đồi dốc hoang vu thành trang trại trồng cam, quýt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Nhiều nơi trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã thay da đổi thịt nhờ những vườn cam; nhiều nông dân nơi đây từ nghèo khó trở thành triệu phú, tỷ phú. Không những mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, cam còn trở thành đặc sản của vùng đất này, thương hiệu “cam Cao Phong” cũng đã được chứng nhận.

Loại hình vườn công nghệ cao cũng bắt đầu được nhiều nông dân áp dụng. Không giống như những mô hình nhập công nghệ từ nước ngoài, hiện đại và hoàn hảo nhưng kinh phí quá lớn, vườn công nghệ cao do nông dân đầu tư thường có chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả mang lại rất lớn, có khả năng nhân rộng. Điển hình như mô hình trồng rau quả trong nhà lưới của Trung tâm Nghiên cứu phát triển rau quả công nghệ cao (Gia Lộc - Hải Dương), một thành viên của HLV do TS.Đào Xuân Thản xây dựng, quản lý. Mô hình cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng cây trong bầu nhưng thay vì dựng nhà lưới bằng những vật liệu đắt tiền, ông Thản sử dụng ngay những vật liệu dễ kiếm ở địa phương như tre, nứa, nylon,… nên chi phí giảm đáng kể mà vẫn đảm bảo sự phát triển của cây trồng và có thể thu đến 1-1,5 tỷ đồng/ha nếu lựa chọn những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Điều đáng nói là, khả năng nhân rộng của mô hình này rất lớn. Hiện, Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cũng đã áp dụng công nghệ này để xây dựng trang trại trồng hoa lan, các loại rau quả. Tôi được biết UBND tỉnh Hải Dương cũng đầu tư gói kinh phí 40 tỷ đồng cho nông dân vay không lãi trong vòng 3 năm để xây dựng mô hình như của ông Thản. Đây thực sự là điều đáng mừng.

Mô hình vườn công nghệ cao của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc,…) đầu tư cũng góp phần tạo ra những khu vườn tiền tỷ. Những mô hình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch mà còn giúp nông dân tiếp cận cách làm mới, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo ra một cách sản xuất mới.

Đặc biệt, ở miền Nam, do quy mô sản xuất lớn hơn, trình độ canh tác của nông dân cao hơn, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh dạn tham gia các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Thậm chí, nghề vườn đã được tổ chức một cách chuyên nghiệp, khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, sơ chế và tiêu thụ. Tiêu biểu như Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, một đơn vị tiêu biểu của HLV huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Không chỉ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên 40ha xoài, hợp tác xã còn thành lập các tổ dịch vụ như chăm sóc cây, bao trái, phun thuốc,... để chuyên nghiệp hóa quá trình hoạt động.

HLV một số tỉnh, thành phố còn gắn chương trình làm VAC với xây dựng nông thôn mới dựa trên những lợi thế của địa phương. Ví dụ, HLV tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng các vườn mẫu ở những xã điểm xây dựng nông thôn mới. Theo đó, mỗi địa phương xây dựng 5-7 khu vườn mẫu để làm cơ sở nhân rộng.

Những khu ruộng trũng, xấu, năng suất cây trồng thấp được nông dân nhiều địa phương cải tạo thành mô hình VAC tổng hợp. Phần lớn các trang trại ở Việt Nam đều hình thành theo con đường này.

Để ngày càng có nhiều những khu vườn tiền tỷ, theo ông, hoạt động Hội nên đổi mới theo hướng nào để thu hút thêm nhiều hội viên, nông dân?

Trong xu thế hội nhập, việc  hội viên, nông dân liên kết sản xuất để nâng cao sức mạnh là rất quan trọng. Để có sản phẩm đủ lớn, đồng đều, đảm bảo chất lượng, một nhóm gia đình có thể tập hợp lại để sản xuất vườn mẫu với những sản phẩm giống nhau để đảm bảo cung cấp cho thị trường.

Đơn cử như ở Bắc Ninh và nhiều nơi khác, các chủ trang trại đã tập hợp nhau trong một hợp tác xã để tạo ra nguồn sản phẩm đủ lớn, hỗ trợ nhau trong kỹ thuật sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Vì vậy, để nâng cao vị thế của mình, phát huy sự sáng tạo của nông dân, hội viên, HLV các cấp cũng cần mạnh dạn vận động, giúp đỡ hội viên xây dựng những mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với quy hoạch chung và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sự sáng tạo của nông dân Việt quả không có giới hạn, rất nhiều mô hình đã được bà con phát hiện, thử nghiệm trong thực tế rồi mới được các nhà khoa học tổng kết, bổ sung thành tiến bộ kỹ thuật mới. Vì vậy, nhiệm vụ của Hội là tập hợp được những nhà nông sáng tạo ấy, giúp họ thỏa sức thể hiện ước mơ trên mảnh vườn của mình, để chúng đơm hoa kết trái.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Anh Thơ
Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo