Sau 1 tuần triển khai chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (quy lúa) tại ĐBSCL, giá lúa đã tăng nhẹ, song với mức giá này phần lớn nông dân chưa có lãi trên 30% như mong muốn.
Đến nay, nhiều địa phương trong vùng vẫn còn chậm trễ trong việc triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ, nên phần lớn giá thu mua lúa của nông dân do thương lái định đoạt. Mặc dù vậy, nhờ có thông tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thu mua lúa gạo tạm trữ nên từ khi triển khai chương trình, giá lúa ở một số nơi cũng nhích lên so với trước 100 - 200 đồng/kg, thương lái tăng cường khâu “đặt tiền cọc”, ứng tiền trước cho nông dân với mức giá cố định. Theo phần lớn nông dân ở Tiền Giang, thương lái đến mua lúa giá từ 4.250 - 4.300 đồng/kg, nông dân không có lãi nhiều. Bà con mong doanh nghiệp mua lúa tạm trữ để bà con đạt lợi nhuận trên 30%.
|
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: KHÁNH VĂN |
Trong khi đó, tại Trà Vinh, sau khi triển khai chương trình thu mua lúa tạm trữ, công ty lương thực tỉnh phân bổ chỉ tiêu và chỉ đạo các xí nghiệp chế biến lương thực trên địa bàn triển khai thực hiện ngay và việc thu mua rất thuận lợi vì đang thời điểm thu hoạch rộ. Hiện mỗi ngày các xí nghiệp chế biến lương thực của Trà Vinh thu mua gần 5.000 tấn gạo. Theo kế hoạch, Trà Vinh sẽ hoàn thành chỉ tiêu 13.000 tấn gạo quy lúa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ trong 20 ngày, chưa tới một nửa thời gian thu mua lúa tạm trữ đợt này. Tuy nhiên, giá lúa trên địa bàn bình quân cũng chỉ tăng 150 - 250 đồng/kg so với trước thời điểm thu mua, thấp hơn 300 - 500 đồng/kg so với vụ đông xuân trước.
Tại Sóc Trăng, lúa thường thương lái mua tại ruộng dao động 4.500 - 4.700 đồng/kg, tăng 200 - 300 đồng/kg và đến nay, tỉnh đã thu hoạch được hơn 1/3 diện tích xuống giống. Song, nhiều bà con cũng cho rằng, với giá này, lợi nhuận thu được vẫn còn thấp vì đông xuân là vụ thuận lợi nhất trong năm. Vụ lúa đông xuân này năng suất bình quân ước đạt 6,5 tấn/ha và giá thành sản xuất là 3.417 đồng/kg, do đó với mức giá hiện nay dù không bị lỗ nhưng rất ít nông dân thu lãi trên 30%, nhất là đối với lúa phẩm cấp thấp.
Theo các chuyên gia, trong nhất thời, việc mua gạo tạm trữ để “kéo giá lên” nhằm hỗ trợ nông dân là cần thiết. Nhưng để ngành lúa gạo phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh, phải có chính sách dài hạn thay cho những đối phó ngắn hạn. Cần một hệ thống giải pháp căn cơ, đồng bộ mới giải quyết được tình trạng bấp bênh. Hiện đại hóa ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, giúp nông dân ĐBSCL vượt qua thách thức, trở thành “doanh nhân nông nghiệp”, làm giàu được bằng nghề nông thì mới giải quyết được vấn đề từ gốc.