Xây dựng chỉ dẫn địa lý: Nhà nước cần hỗ trợ
08:42 - 23/04/2015
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1.000 loại nông, đặc sản có thể phát triển thành chỉ dẫn địa lý nhưng cho đến nay mới có khoảng 40 sản phẩm được cấp chứng nhận. Điều này sẽ dễ dẫn đến tranh chấp nếu một đơn vị, cá nhân nào đó đăng ký nhãn hiệu ấy ở nước ngoài, đồng thời khó có thể nâng cao sức cạnh tranh.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2008. Ảnh: Trần Chung

Những bài học đau lòng!

Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận tới 44.340 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhưng trong số đó chỉ có 2 đơn thuộc lĩnh vực chỉ dẫn địa lý, giảm 2 đơn so với năm 2013. Cũng trong năm qua, chỉ có thêm 6 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nâng số sản phẩm có được chứng nhận này lên con số 40. Đây là con số quá ít ỏi so với khoảng 1.000 nông, đặc sản có thể được chỉ dẫn địa lý.

Trên thực tế, chúng ta đã nhận được nhiều bài học đau lòng từ việc chưa quan tâm đúng mức đến việc đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài. Ví như, kẹo dừa Bến Tre bị làm giả, nhái ở Trung Quốc khiến một doanh nghiệp phải trải qua hành trình hơn 10 năm mới lấy lại được tên mình. Năm 2011, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký bảo hộ ở Trung Quốc buộc Hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột vào cuộc. Nhưng phải đến tháng 2/2014, phía Trung Quốc mới hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Buon Ma Thuot của Công ty Càphê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Trung Quốc). Hay sản phẩm nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết cũng đang bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ở Thái Lan...

Ở trong nước, nhiều sản phẩm dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn bị làm giả, làm nhái hoặc mượn danh để gắn vào sản phẩm khác. Trên thực tế, sản phẩm bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) được cho là xịn chỉ có chưa đến 100ha nhưng tại thành phố Việt Trì, thậm chí ở cả thành phố Yên Bái cũng xuất hiện nhiều tấm biển quảng cáo ghi rất to “Đặc sản bưởi Đoan Hùng” nhằm thu hút người tiêu dùng và trên thực tế nhiều người tiêu dùng đã bị mắc lừa vì mua phải bưởi Đoan Hùng rởm. Bởi với số lượng còn quá khiêm tốn, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn nên những hộ có cây ra quả đúng chất lượng bưởi đặc sản đều được quản lý, số sản phẩm này đã có địa chỉ tiêu thụ, nên số quả “lọt” ra thị trường tự do là rất hiếm. Điều này cũng xảy ra với nhiều loại nông, đặc sản được coi là hàng hiếm như bưởi Diễn, gà Đông Tảo,…

Ở vùng cam Cao Phong (Hòa Bình), người dân vẫn kháo nhau rằng, thương lái ở trong Nghệ An vẫn thường lên tận đây mua cam, chở về Vinh, dán nhãn cam Vinh rồi đưa ngược ra Hà Nội tiêu thụ với giá cao gấp đôi so với khi mua ở Cao Phong. Dù cả hai loại đặc sản này đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng có vẻ như tấm giấy chứng nhận ấy không giúp gì nhiều cho người dân trong quá trình tiêu thụ, sản phẩm vẫn bị “mập mờ đánh lận con đen”.

Cũng có nhiều sản phẩm dù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng chưa phát huy tác dụng trong việc nâng cao sức cạnh tranh, hay nói cách khác, chưa mang lại nhiều lợi nhuận cho người làm ra nó. Đơn cử như hoa hồi Lạng Sơn, một trong những mặt hàng nông sản đầu tiên được cấp chỉ dẫn địa lý từ năm 2007 nhưng các bạn hàng nhập khẩu sản phẩm lại chưa quan tâm hoặc chưa chấp nhận điều này. Cách thức tiêu thụ hiện vẫn là xuất khẩu sản phẩm thô là chính và còn lệ thuộc vào một vài thị trường. Hệ quả là hoa hồi Lạng Sơn, dù đã có thương hiệu, nhưng giá trị vẫn chưa được nâng lên.

Một trường hợp tương tự là hạt dẻ Trùng Khánh. Sản phẩm này đã được cấp chỉ dẫn địa lý là 1 trong 10 đặc sản của Việt Nam. Dù sức hấp dẫn của thương hiệu dẻ Trùng Khánh lớn nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà và vai trò của chỉ dẫn địa lý sản phẩm này vẫn nằm trên giấy.

Cần quan tâm đúng mức

Là nước nông nghiệp, cùng với các yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, nên Việt Nam có nhiều sản phẩm có chất lượng, danh tiếng, tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể. Hiện nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam đã nộp đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là sản phẩm thô, một số sản phẩm giá trị không cao… Trong khi, hiện việc đăng ký bảo hộ chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước, không phải là các người sản xuất, nên chưa phát huy được hiệu quả bảo hộ. 

Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ: “Phải thẳng thắn thừa nhận, đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, mới đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm này. Còn việc xây dựng và phát triển thương hiệu thì chưa được quan tâm”.

Có một điều đáng buồn là, chúng ta có nhiều nông sản nổi tiếng, được nhiều thị trường biết đến nhưng các chủ sở hửu, phần lớn là nông dân, vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý hay bảo hộ thương hiệu. Điều này sẽ góp phần làm giảm giá trị cạnh tranh của thương hiệu.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh nguy cơ bị làm “nhái” và đánh cắp thương hiệu, Việt Nam cần phải xây dựng thương hiệu nông sản một cách bài bản và có hệ thống. Hiện, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai Chương trình hỗ trợ tài sản trí tuệ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý hoặc hỗ trợ bảo hộ các sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa. Một số sản phẩm thông qua chương trình này đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có thị trường tiêu thụ rộng mở như quýt, miến dong (Bắc Kạn); rượu mơ Yên Tử, rau an toàn Quảng Yên, nước mắm Cái Rồng, gà Tiên Yên, mực ống Cô Tô, rượu ba kích (Quảng Ninh)…

Ông Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), cho biết, Cục đang đề nghị xây dựng một loại nhãn chỉ dẫn địa lý quốc gia. Doanh nghiệp đóng nhãn chứng nhận chỉ dẫn địa lý quốc gia có nghĩa là đáp ứng được các quy định, quy chế sử dụng được quy định trong bộ quy chế quốc gia. Như vậy, khi xây dựng được loại nhãn này, các sản phẩm khi ra thị trường sẽ được gắn 3 nhãn chứng nhận: chỉ dẫn địa lý của quốc gia, nhãn chỉ dẫn địa lý của địa phương và một nhãn của chính doanh nghiệp đó. Việc gắn các nhãn chỉ dẫn địa lý của cấp quốc gia, không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao được hình ảnh, thương hiệu với người tiêu dùng mà phía nhà quản lý cũng kiểm soát được các loại sản phẩm trên thị trường.

Căn cứ vào Nghị định 99/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, những doanh nghiệp, cá nhân tự ý gắn nhãn mác những thương hiệu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (tịch thu sản phẩm vi phạm, tiêu hủy sản phẩm và phạt tiền). Mức xử phạt cao nhất với doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng. Rất tiếc là, từ trước đến nay chưa có một đơn vị, cá nhân nào bị xử lý dù việc vi phạm diễn ra hàng  ngày, hàng giờ và có thể bắt gặp ở bất kỳ sản phẩm nào.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, hiện nay, việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở thị trường nước ngoài chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì thường thì doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý không có thẩm quyền tự mình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường nước ngoài. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước mà cụ thể là các bộ, ngành liên quan, địa phương, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp  sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cùng làm.

Trên thế giới hiện có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trung bình giá trị tạo ra ở nơi xuất xứ sản phẩm chỉ nhỏ hơn 10%, trên 65% giá trị nằm ở công đoạn chế biến, phân phối tại các thị trường tiêu thụ. Do vậy, việc xác lập chỉ dẫn địa lý ngày càng trở nên có ý nghĩa hơn.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

 

Nguồn: Theo KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo