Bồi thường oan sai: Cơ quan tố tụng “né”, dân chờ “dài cổ”
10:09 - 23/04/2015
Bị đẩy vào cảnh tù tội một cách oan ức, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, thậm chí tính mạng đều bị “chà đạp”, ấy vậy, muốn được bồi thường thiệt hại, nhiều người bị oan sai lại phải “chạy” gõ cửa các cơ quan tiến hành tố tụng gây ra oan sai…

Được minh oan sau 10 năm ngồi tù oan, nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa được bồi thường do “chưa cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại”. Ảnh: Thảo Nguyên
Chậm và… chậm

Điểm chung lớn nhất của các trường hợp bồi thường oan sai trong tố tụng hình sự (TTHS) là chậm. Trong 3 năm từ 2011 - 2014, tỷ lệ đơn đề nghị bồi thường đã giải quyết thấp, chỉ đạt 21,6%. Người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường.
 

Có những vụ các cơ quan tiến hành tố tụng đùn đẩy trách nhiệm kéo dài nhiều năm như vụ ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm làm “bị can”. Hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được minh oan sau 10 năm ngồi tù oan lại khó khăn trong việc tìm tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại như các biên lai khám chữa bệnh, hóa đơn mua thuốc, vé tàu xe đi lại… nên vẫn phải… chờ.
 

Nói về những bất cập này, TAND Tối cao cho rằng, qui định thời hạn giải quyết bồi thường qua từng giai đoạn quá ngắn. Hơn nữa, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại tòa án được thực hiện theo qui định của pháp luật về tố tụng dân sự. Người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình. Trong trường hợp khó khăn, đương sự yêu cầu tòa thu thập, nhưng do thiệt hại xảy ra đã lâu, chứng cứ gần như không còn hoặc còn quá ít nên tòa cũng gặp khó và mất nhiều thời gian.
 

Không những thế, sự chậm trễ trong bồi thường oan sai còn do thủ tục, thời hạn thẩm định hồ sơ trong nội bộ ngành trước khi chuyển sang cơ quan tài chính cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường chậm, gây bức xúc cho người thiệt hại. Việc chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được chi trả thường kéo dài trung bình 4 tháng đến 1 năm, thậm chí có những vụ việc kéo dài đến nay đã gần 2 năm vẫn chưa nhận được tiền bồi thường như trường hợp của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình).
 

Làm oan rồi bồi thường: Dân khó tin

Bộ Tư pháp cho rằng, công tác bồi thường trong hoạt động TTHS khó, phức tạp một phần do việc thực hiện trách nhiệm bồi thường mỗi ngành đều có thẩm quyền riêng, trong khi yêu cầu của hoạt động này phải áp dụng pháp luật thống nhất. “Hạn chế của mô hình cơ quan có trách nhiệm bồi thường phân tán là người bị thiệt hại trong nhiều trường hợp không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc phải chờ đợi cơ quan có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, không bảo đảm tính chuyên nghiệp trong giải quyết bồi thường”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nói.
 

Hơn nữa, theo qui định của pháp luật, giai đoạn nào để xảy ra oan sai thì cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn đó sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Điều này muốn khẳng định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi để xảy ra oan sai trong cả quá trình TTHS dù có sự tham gia của nhiều cơ quan. Song lại khiến người bị thiệt hại thường không đồng tình với quyết định giải quyết bồi thường.
 

Với tâm lý “không tin tưởng khi cơ quan bồi thường là cơ quan đã gây ra oan, sai”, người được bồi thường và cơ quan thực hiện bồi thường rất khó đạt được đồng thuận. Cho nên, cứ phải “làm việc đi, làm việc lại” trên cơ sở những tài liệu, chứng từ không thay đổi mà không thể đi đến được một kết quả “đẹp lòng” cả hai bên, khiến quá trình thực hiện bồi thường oan sai kéo dài với những bức xúc từ phía người dân và sự “bức bối” của cơ quan nhà nước.
 

Thực tế cũng cho thấy, trong 3 năm 2011 - 2014, có đến 19 vụ việc bị khởi kiện ra tòa án vì không đồng tình với quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan chức năng.
 

Quy về một mối

Kiến nghị chung của các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến công tác bồi thường Nhà nước, kể cả nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội là phải sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng tập trung vào một đầu mối tiếp nhận, thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường trong hoạt động TTHS để người đã bị oan lại phải chật vật, quay “vòng vòng” với các cơ quan bồi thường.
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh: “Khi đã có quyết định là oan rồi thì cớ gì mà trì hoãn, rồi cò cưa, kỳ kèo với người ta ít một. Phải chăng chính mô hình, thể chế bồi thường hiện nay có vấn đề khi để chính các cơ quan làm oan, sai đi bồi thường? Đã đến lúc phải thay đổi thể chế này, giao cho một cơ quan khách quan như Bộ Tư pháp đứng ra thay mặt Nhà nước bồi thường cho dân, còn việc xin lỗi thì vẫn do cơ quan gây ra oan, sai thực hiện”.
 

Đồng thời, cũng phải làm rõ trách nhiệm, trình tự, thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại.“Cần sửa đổi bổ sung qui định về thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường Nhà nước; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong ban hành văn bản xác định hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ là trái hay không trái pháp luật; chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm bồi thường mà cố tình kéo dài thời gian thực hiện trách nhiệm hoàn trả hoặc gây phiền hà, sách nhiễu cho người yêu cầu bồi thường”, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đề nghị.
 

Phải nói thêm rằng, câu chuyện bồi thường cho người bị oan trong hoạt động TTHS vẫn đang gây nhức nhối, làm “xói mòn” lòng tin của người dân. “Thiệt thòi thì thiệt thòi rồi, mất mát thì mất mát rồi, nhưng giải quyết nhanh chóng thì người dân đỡ khổ, đỡ mất niềm tin”, ông Phạm Đức Bình (TP Hà Nội) sau 14 năm được “giải oan” vẫn phải mòn mỏi chờ tiền bồi thường oan sai chia sẻ.
 

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai và bồi thường thiệt hại do oan, sai trong TTHS kiến nghị, trong năm 2015, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có liên quan trong phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền phải giải quyết bồi thường dứt điểm vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), vụ ông Phan Văn Lá (Long An), vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) và các trường hợp bị oan khác đã có đơn yêu cầu bồi thường trước ngày 1/1/2015.

Thảo Nguyên
Nguồn: Theo Thanhtra.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo