Trong 3 xã của Cà Mau được công nhận đạt chuẩn NTM thì Tân Dân (huyện Đầm Dơi) là xã được công nhận đầu tiên. Tuy nhiên, từ cán bộ đến người dân vẫn còn nhiều trăn trở.
Nhiệm vụ chính trị
Xã Tân Dân mới thành lập năm 2006 sau khi tách khỏi xã Tân Duyệt. Cũng như nhiều xã khác của huyện Đầm Dơi, kinh tế của xã dựa vào nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm, cua.
Theo ông Nguyễn Công Danh, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã là 2.541 ha trên tổng diện tích tự nhiên 3.240 ha. Tuy nhiên, trình độ dân trí không đồng đều, hiện nay, mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến là chủ yếu, nuôi tôm công nghiệp chỉ có 171 ha.
Trước tình hình thu nhập của các hộ nuôi tôm công nghiệp đạt 5-7 tỷ đồng/năm, nhiều hộ chuyển hướng sang nuôi tôm công nghiệp. Nếu việc chuyển đổi này tự phát sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh do không đảm bảo kỹ thuật. Trước mắt, xã đã thành lập 1 tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Việt, tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Tân Dân, lại đang rất bất an: Giá tôm đang rớt thảm, cứ đà này thì chỉ 2 tháng nữa các xã viên không ai dám thả tôm. Tổ hợp tác thành lập năm 2012, ban đầu chỉ có 7 hội viên, nay hội viên tăng lên 13.
Năm đầu áp dụng mô hình nuôi công nghiệp, lợi nhuận không đáng kể, năm thứ 2 mỗi hộ thu khoảng 800 triệu đồng. Năm 2014, mỗi hộ đạt hơn 1 tỷ đồng. Năm nay năng suất tôm cao, ước tính mỗi hộ có thể đạt lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng nhưng lại lâm tình trạng được mùa rớt giá.
Không chỉ hộ nuôi tôm, Tân Dân tự hào về sản phẩm tôm khô do cơ sở chế biến Thành Đạt của Tư Sang đạt chuẩn vào siêu thị.
Tuy nhiên, anh Lê Văn Sang cho biết, đầu tư hơn trăm triệu đồng hệ thống sấy khô, máy đập tôm, máy sàng, máy quay bóng tôm, và máy hút chân không… với sản lượng hơn 1 tấn tôm khô/năm nhưng mô hình của tôi vẫn nhỏ lẻ. Để sản phẩm vào được siêu thị, Thành Đạt vẫn phải thông qua Cty thực phẩm khác chứ chưa thể ký trực tiếp.
Ông Công Danh trầm tư: Xây dựng và giữ được các tiêu chí NTM là nhiệm vụ chính trị của xã. Tuy đạt được danh hiệu xã NTM nhưng giữ được là cả vấn đề. Nhiệm vụ quan trọng nhất của xã là đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Giao thông khó đạt nhất
Theo ông Công Danh, tiêu chí xây dựng NTM khó thực hiện nhất là giao thông. Để xây dựng 1 m đường ở xứ kênh rạch chằng chịt và cơ sở nuôi tôm san sát đòi hỏi kinh phí không nhỏ. May mắn được dân đồng thuận, sẵn sàng hiến đất nên cũng gặp nhiều thuận lợi.
Trục lộ xã Tân Dân đã bê tông hóa 100%
Bà Đoàn Thị Loan, 67 tuổi, ngụ tại ấp Tân Hiệp chia sẻ: Không tính giá trị 1.800 m2 đất hiến cho con lộ ngang qua, chỉ riêng việc dời và cất lại nhà, tôi phải tốn hơn 30 triệu đồng, xây cống thoát nước 30 triệu đồng nữa.
Ngoài ra, tôi vẫn tham gia đóng 15 triệu đồng xây dựng đoạn đường 100 m băng ngang nhà. Nếu tôi không di dời thì con đường sẽ phải bẻ cong. Nhưng NTM mà, đường lộ phải thẳng chứ! Có lộ ngon rồi, làm ăn tấn tới, chả mấy chốc thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đầm Dơi cho biết, huyện có hơn 385 km đường trục xã, liên xã; 1.000 km trục ấp, liên ấp và 216 km đường xóm, nhánh; đến nay mới hoàn thành được 75% đường trục xã, liên xã, 30,7% đường trục ấp, liên ấp; 11,43% đường xóm, nhánh.
Vấn đề do phần vốn do Nhà nước đầu tư có hạn. Do vậy, chúng tôi mong Trung ương có thể "mềm hóa" một số tiêu chí cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương thì mới mong tiến độ xây dựng NTM của huyện đẩy nhanh được.