(Cổng ĐT HND)- Chiều 21.4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN). Thủ tướng chủ trì buổi làm việc, với sự tham gia của Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường và đại diện lãnh đạo 12 bộ, ngành T.Ư. Tại buổi làm việc TƯ, Hội NDVN đã đưa ra một số nội dung kiến nghị, đề xuất sau:
1- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho nghiên cứu xây dựng hệ thống kho chứa bảo quản nông sản đủ lớn, ở các vùng chuyên canh do Nhà nước quản lý. Nhà nước hỗ trợ nông dân thông qua việc cho nông dân (hoặc hợp tác xã) gửi nhờ nông sản (hoặc cho thuê kho với giá ưu đãi) khi giá thị trường thấp, thay cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua tạm trữ như hiện nay.
Bởi vì từ lâu nông dân luôn phải chịu cảnh “được mùa, rớt giá” do từng hộ nông dân không đủ khả năng đầu tư kho chứa, đến vụ thu hoạch cùng phải bán nông sản. Mặt khác, các doanh nghiệp thường không thể mua trực tiếp của nông dân mà phải thông qua hệ thống thương lái; nông dân không quyết định được giá bán mà thường do thương lái qui định; tình trạng nông dân bị ép giá là phổ biến và trên thực tế sự hỗ trợ của Nhà nước thường “rơi vãi” ở khâu trung gian mà không đến được nông dân.
2- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu xem xét lại tiêu chí hộ nghèo và cận nghèo.Bởi vì tiêu chí hộ nghèo như hiện nay qui định thu nhập bình quân 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị là không phù hợp với giá trị vật giá. Mặt khác không nên chỉ căn cứ vào mức thu nhập bình quân mà cần xem xét đến các yếu tố hoàn cảnh khác nhau như: nhà ở, điều kiện y tế, giáo dục, thông tin...
3- Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12 tháng 4 năm 2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
4- Đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
5- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấp 1.600 tỷ đồng đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh. Được phân bổ cho các năm như sau: năm 2015 ứng hoặc cấp bổ sung 500 tỷ đồng; năm 2016 cấp 600 tỷ; năm 2017 cấp 500 tỷ.
Căn cứ Thông báo 129/TB- VPCP ngày 5/4/2012 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ngày 16/3/2012. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc hoàn thành đầu tư xây dựng mới và nâng cấp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh rút ngắn đến năm 2017 thay cho đến năm 2020. Theo dự toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng và nâng cấp các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố trong cả nước là 2.148 tỷ đồng. Đến nay, trong 4 năm 2012- 2015 mới được cấp 648 tỷ đồng (bình quân mỗi năm cấp 162 tỷ đồng), nếu tiến độ cấp như hiện nay thì sau năm 2020 vẫn chưa xây dựng xong. Số còn lại 1.600 tỷ đồng đề nghị được cấp trong 3 năm để bù vào 4 năm trước thì mới bảo đảm tiến độ Đề án.
6- Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, cấp bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Cụ thể là: năm 2015 đề nghị cấp bổ sung từ ngân sách là 600 tỷ đồng, các năm sau mỗi năm cấp 200 tỷ đồng.
Căn cứ Quyết định số 673/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011- 2020” đã trình Thủ tướng. Theo đó đến năm 2020 mỗi năm Chính phủ cấp bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương là 200 tỷ đồng. Thực tế mới được cấp 400 tỷ đồng. Cụ thể là: năm 2011 đã được cấp 300 tỷ đồng; năm 2013 đã được cấp 100 tỷ đồng. Năm 2012 và 2014 chưa được cấp. Năm 2015 đề nghị cấp bù của 2 năm 2012 và 2014, cộng với năm 2015. Tổng đề nghị là 600 tỷ đồng.
7- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương hàng năm cấp bổ sung từ ngân sách địa phương cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh, cấp huyện theo Quyết định số 673/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Vì hiện nay một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm cấp ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 673/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 20/4/2015 còn 11 tỉnh, thành phố chưa cấp ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân: Lào Cai, Điện Biên, Hà Nam, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Nai, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre và thành phố Cần Thơ.
8- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng bố trí nguồn ngân sách riêng để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng các hợp tác xã nông, lâm, ngư và diêm nghiệp theo Quy định tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020.
Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020. Tuy nhiên, theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg, ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định dòng ngân sách riêng cho hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, nên việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.
9- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí để Hội Nông dân Việt Nam xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nghị Quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn xác định “…tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp…”. Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của Hội vẫn chỉ tập trung ở công tác tuyên truyền, vận động, chưa có nguồn lực để trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Do đó, đề nghị trên là để tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam được trực tiếp tham gia các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.
10- Đề nghị Chính phủ phê duyệt cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được tham gia là một trong các đầu mối của Chương trình Xúc tiến Thương mại trong giai đoạn (2015-2020) để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
Căn cứ Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng có nêu “... tạo cơ chế để Hội Nông dân Việt Nam tham gia thực hiện chính sách của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hoá...”. Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước về tiêu thụ nông sản, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại: trong đó, Hội đã tổ chức thành công nhiều hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, vùng miền góp phần quan trọng để kết nối cung cầu nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất...Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại của Hội Nông dân Việt Nam còn nhiều khó khăn, bất cập, phạm vi, quy mô hoạt động còn nhỏ lẻ, phương thức và cơ chế hoạt động xúc tiến thương mại của Hội chủ yếu là phối hợp, kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa không có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước.
Để tạo điều kiện và phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ nông sản trong giai đoạn tới, để Hội Nông dân Việt Nam được trực tiếp thực hiện “Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia” trong lĩnh vực nông nghiệp theo Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc “ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia”.
11- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục xây dựng Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020" trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngày 07 tháng 7 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1045/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2015", đến năm 2015 kết thúc Đề án. Qua 05 năm Hội Nông dân thực hiện, đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung của Đề án. Cán bộ qua bồi dưỡng, đào tạo trình độ, năng lực được nâng lên rõ rệt, nhiều đồng chí được bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt của tổ chức Hội, một số đồng chí được cấp ủy đảng bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt của các cấp ủy, chính quyền.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cơ sở Hội là rất lớn (qua khảo sát đánh giá về tình hình, chất lượng đội ngũ cán bộ ở cơ sở hiện nay, có gần 40% cán bộ cơ sở Hội chưa đạt chuẩn về đào tạo trung cấp chuyên môn, nghiệp vụ công tác Hội). Mặt khác, do yêu cầu chuẩn bị nguồn nhân sự cho Đảng; cũng như chuẩn bị nguồn nhân sự cho đại hội nhiệm kỳ của Hội sắp tới và đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ năng lực tại các xã đạt chuẩn về Chương trình quốc gia Xây dựng nông thôn mới.
12- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan hàng năm bố trí nguồn lực để Hội Nông dân Việt Nam nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thuộc dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp chỉ đạo hệ thống cơ sở dạy nghề của Hội từ Trung ương đến các khu vực và địa phương tổ chức nhân rộng mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong cả nước. Mặt khác việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong thời gian qua rất hiệu quả, đã được các ngành, các cấp ghi nhận và đánh giá cao.
13- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi Khoản 1, Điều 11, Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, ngày 26/5/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước. Đề nghị bổ sung đối tượng là các đoàn thể chính trị- xã hội, để Hội Nông dân Việt Nam được trực tiếp đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia hàng năm.
Vì hiện nay xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất của nông dân; các cấp Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân đạt nhiều kết quả. Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc nắm bắt nhu cầu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cho nông dân thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp với Quỹ Hỗ trợ nông dân để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh; việc Hội Nông dân là đầu mối trong việc đề xuất và triển khai áp dụng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia là hết sức cần thiết và hiệu quả.
14- Đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho giữ nguyên lượng phát hành Báo Nông thôn Ngày nay theo Quyết định số 2472/QĐ-TTg, ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015, cho giai đoạn 2016- 2020.
Trong 3 năm qua, được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ; Báo Nông thôn Ngày nay đã chủ động cải tiến nội dung, mở thêm nhiều chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhất là về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, thông tin thị trường, phổ biến mô hình hay, cách thức làm ăn góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo. Để tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thông qua thông tin để góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho giữ nguyên lượng phát hành Báo Nông thôn Ngày nay cho giai đoạn 2016- 2020.
15- Đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Chính phủ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong năm 2015.
Quy Hải