Trồng thanh long phía Bắc: Không khó
13:46 - 31/08/2016
(TNNN) - Trước đây, cây thanh long vốn chủ yếu được trồng tập trung ở vùng cát nóng Bình Thuận, vì đây là loại cây có khả năng chịu hạn tốt nên thường được trồng ở những vùng nóng và cần ánh sáng trực tiếp. Tuy nhiên, do hiện tượng biến đổi khí hậu làm trái đất nóng dần lên, miền Bắc nóng hơn và rét giảm dần nên gần đây, cây thanh long đang được ứng dụng trồng tại các tỉnh phía Bắc, bước đầu cho thấy có hiệu quả cao.

Cây thanh long phát triển tốt ở miền Bắc đang mở ra hướng đi mới cho người nông dân

 

Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc, cây thanh long ruột đỏ thuộc Dự án thí điểm trồng thanh long ruột đỏ của huyện Lập Thạch (giai đoạn 2011– 2013), với tổng diện tích 100 ha và hàng chục ha khác ngoài vùng dự án đang cho hiệu quả. Ngoài ra, sản phẩm “Thanh Long ruột đỏ huyện Lập Thạch- Vĩnh Phúc” cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể số 239720, tại Quyết định số 7766 (năm 2015). 



Hiện cây thanh long ruột đỏ đang được phát triển tại 3 xã gồm: Vân Trục, Ngọc Mỹ và Xuân Hòa của huyện Lập Thạch, trên diện tích 100 ha. Năng suất mỗi trụ bình quân đều đạt từ 10- 15 kg quả/năm. Với giá bán tại vườn từ 35.000- 40.000 đồng/kg thì thu nhập sau khi trừ chi phí của các hộ trồng đều đạt 350- 400 triệu đồng/năm/ha. Bên cạnh đó, những hộ trồng theo dự án còn được tập huấn về kỹ thuật, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch và được hưởng các cơ chế chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh.


 
Cây thanh long ruột đỏ khi được đưa về trồng ở Lập Thạch cho vị ngọt đậm và thơm hơn một số loại thanh long trồng ở những nơi khác. Đây là cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn tốt và phát triển được ngay cả trên các vùng đồi núi khô cằn. Với quy trình trồng, chăm sóc cây tương đối đơn giản; thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 11 (Âm lịch); khi quả chín, có thể giữ lại trên cây khoảng 20 ngày, sau khi thu hái cũng bảo quản và để được từ 20- 25 ngày. Điều này đang rất thuận lợi cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm của người dân.


 
Với việc được cấp bằng chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm như ở Lập Thạch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn một cách hiệu quả; tạo dựng, giữ gìn uy tín, mở rộng thị trường cho sản phẩm này, giúp người dân yên tâm sản xuất. Hiện nay, nhiều hộ đã mở rộng quy mô diện tích và xác định lựa chọn cây thanh long ruột đỏ trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.



Không chỉ thích nghi với địa hình đồng bằng, cây thanh long cũng đã phát huy hiệu quả của mình trên những vùng đất của tỉnh miền núi Sơn La. Một điển hình cho việc mạnh dạn chuyển đổi 1,4 ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ nơi này là hộ ông Nguyễn Quang Vinh, ở Tiểu khu 7- xã Nà Bó- huyện Mai Sơn. Đất không phụ công người, gia đình ông đã thành công với mô hình thanh long ruột đỏ này và hiện cho thu lãi 600 triệu đồng mỗi năm.


 
Mô hình thanh long ruột đỏ hiện đang được mở rộng tại nhiều nơi thuộc địa bàn xã Nà Bó, trong đó điển hình là Hợp tác xã Ngọc Hoàng. Với 14 thành viên, Hợp tác xã tiến hành trồng thanh long trên tổng diện tích 06 ha và gia đình ông Nguyễn Quang Vinh được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả nhất, cần được nhân rộng hơn nữa. 

 
Theo anh Nguyễn Hữu Phong- Chủ tịch Hội Nông dân xã Nà Bó nhận định: Mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình ông Nguyễn Quang Vinh được đánh giá là một trong những mô hình hiệu quả và đang được bà con ưa chuộng. Hiện mô hình này đang được Hội Nông dân xã tuyên truyền tới các hội viên, nông dân khác trong vùng biết để nhân rộng nhằm đảm bảo việc tăng thu nhập cho bà con trên cùng một diện tích đất canh tác.


 
Đối với tỉnh Thái Bình, thực hiện chủ trương đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong những năm qua, nhiều nông dân xã Thụy Duyên- huyện Thái Thụy đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đầu tư trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng thanh long ruột tím hồng được đánh giá là mang lại hiệu quả hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn quả khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.

 
Ðiển hình như gia đình anh Trịnh Tiến Mạnh, ở thôn Hóa Tài đã xây dựng thành công mô hình trồng thanh long ruột tím hồng đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Hiện nay, mô hình của gia đình anh Mạnh đã mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trong xã, được nhiều người tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mua giống để đưa vào trồng rộng rãi.

 
Anh Mạnh chia sẻ, cơ duyên đến với gia đình trong một lần anh tình cờ xem giới thiệu về cây thanh long ruột tím trên truyền hình. Với quyết tâm cao, anh quyết định dành cả tháng trời lặn lội vào tận tỉnh Bình Thuận để tham quan và học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long của các nhà vườn tại đây.


 
Trải qua quãng thời gian dài vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hiện nay, vườn thanh long của gia đình anh đang phát triển rất tốt. Vào mỗi khoảng thời gian cho thu quả rộ, bình quân mỗi trụ đều cho thu hoạch từ 40- 50 kg quả/năm. Với giá bán ngay tại vườn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, mỗi năm, vườn thanh long của gia đình anh đang cho thu lãi từ 250- 300 triệu đồng.

 
Không bỏ phí đất đai, đối với diện tích còn lại, anh kết hợp trồng thêm các loại cây ăn quả khác, đào ao, thả các loại cá giống truyền thống… Mỗi năm, gia đình anh Mạnh cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 4 tấn cá giống các loại. Trong thời gian tới, anh sẽ trồng thêm 300 trụ thanh long ruột tím hồng để tạo thêm việc làm cho lao động địa phương lúc nông nhàn.


 
Ông Bùi Văn Sa- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Hiện nay, toàn xã đã có 5 gia đình trồng thanh long ruột tím với khoảng hơn 4.000 trụ. Hàng năm, Hội Nông dân xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi tham quan những mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao để các hội viên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt và chăn nuôi với nhau.


 
Với hiệu quả cao hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn quả khác, nhờ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân nên thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích, tuyên truyền về hiệu quả của cây thanh long ruột tím hồng để bà con nông dân được biết. Từ đó, mở rộng diện tích trồng loại cây này để góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu được ngay trên chính mảnh đất quê hương.


 
Văn Công
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo