Đứng trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, để tồn tại và phát triển, nhiều chủ trang trại đã chủ động liên kết với nhau. Đặc biệt, không ít trang trại đã bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp nhằm giảm giá thành và gia tăng giá trị sản phẩm.
Nông dân là đối tác
Dù tuổi còn trẻ, nhưng anh Mạc Tuấn Hải (sinh năm 1986) ở xã Bản Giản, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc – Giám đốc Công ty Sơn Trại Sạch đã nổi tiếng với hệ thống trang trại lợn, gà sạch cho doanh thu “khủng” lên đến 7 tỷ đồng/năm. Điều đặc biệt là anh Hải đã tạo dựng nên cơ nghiệp tại vùng đồi nghèo khó, mà một trong những yếu tố quyết định sự thành công là liên kết sản xuất với người dân trong vùng.
|
Anh Mạc Tuấn Hải kiểm tra sản phẩm thịt gà đóng gói hút chân không. |
Anh Hải kể: “Thời gian đầu đi gõ cửa từng nhà người dân trong xã để mời họ liên kết chăn nuôi gà sạch, không ít hộ còn đuổi đánh tôi vì tưởng lừa đảo bán gà lậu, nhưng qua thời gian kiên trì thuyết phục bà con, cuối cùng cũng có gần 10 hộ nhận lời hợp tác, chăn nuôi khoảng 5.000 con gà. Hiện nay những hộ này đều trở thành trang trại vệ tinh và là những đối tác tin cậy của chúng tôi”.
Anh Hải cho biết, để tạo khác biệt với các trang trại khác trong vùng, trang trại của anh áp dụng công nghệ xử lý thức ăn EM của Nhật Bản và phòng chữa bệnh cho đàn vật nuôi bằng thuốc sinh học chế từ tỏi, ớt, nhờ thế mà đàn gà của anh lớn nhanh như thổi, chất lượng thơm ngon. Do giống gà Khánh Hòa vốn nổi tiếng, lại được trang trại nuôi theo quy trình hữu cơ nên phần lớn sản lượng gà thịt đều được các siêu thị và đại lý hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2014, anh Hải quyết định liên kết với một số bạn bè cùng chí hướng góp vốn thành lập Công ty Sơn Trại Sạch. Đến nay, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt ở khắp trong Nam ngoài Bắc. Đặc biệt tại Hà Nội, Công ty Sơn Trại Sạch đang hợp tác, liên kết với khoảng 30 cửa hàng, đại lý bán nông sản sạch, trung bình mỗi năm công ty cung cấp gần 50 tấn thịt gà sạch và 100 tấn thịt lợn sạch ra thị trường.
Nói về dự định trong tương lai, anh Hải cho biết: “Dự kiến cuối năm nay tôi sẽ liên kết thêm nhiều hộ chăn nuôi lợn, gà sạch trên địa bàn tỉnh để thành lập HTX chăn nuôi kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Dù ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng, chỉ cần chúng tôi đoàn kết, tin tưởng bắt tay nhau sẽ gặt hái thành công”.
Vững tin nhờ doanh nghiệp
Là một trong những trang trại nuôi cá quy mô lớn nhất tỉnh Hải Dương, mỗi năm trang trại của anh Nguyễn Đình Toản cung cấp ra thị trường trên dưới 500 tấn cá rô phi, chép, trắm thương phẩm, đem lại doanh hàng tỷ đồng. Để có được thành công này là nhờ liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn. Khi liên kết với doanh nghiệp anh Hải yên tâm về nguồn thức ăn cho ao cá trên 40 mẫu của gia đình.
Anh Toản chia sẻ rằng, trước đây khi bắt tay vào nuôi cá rô phi, nguồn thức ăn cho cá phải phụ thuộc vào các đại lý cám nhỏ lẻ trên địa bàn nên nguồn cung không ổn định, giá cả đắt đỏ, có đợt còn thiếu hàng dẫn đến cá trong ao thiếu thức ăn.
Đến năm 2005, nhờ sự bắt mối từ bạn bè anh đã hợp tác với Công ty sản xuất thức ăn thủy sản Hà Nội có chi nhánh tại Hải Phòng. Từ đó đến nay trang trại của anh luôn chủ động được nguồn thức ăn, lại yên tâm về chất lượng và giá thành.
“Việc hợp tác với công ty không chỉ đảm bảo nguồn thức ăn mà chúng tôi còn thường xuyên được cán bộ của đơn vị này về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cho cá ăn vừa đủ, không chỉ giúp tiết kiệm được thức ăn mà cá vẫn phát triển tốt, chất lượng được đảm bảo. Trung bình mỗi năm trang trại của tôi tiêu thụ trên dưới 1.000 tấn cám cá, trong đó 700 tấn dùng cung cấp cho đàn cá trong trang trại, khoảng 300 tấn còn lại tôi bán lại cho các trang trại khác trong vùng để cùng liên kết hỗ trợ nhau. ” – anh Toản tiết lộ.
Trao đổi về chính sách của doanh nghiệp trong việc liên kết với nông dân và trang trại, ông Nguyễn Huy Thuận – Trưởng vùng quản lý thị trường thức ăn của Công ty sản xuất thức ăn thủy sản Hà Nội cho biết: “Trang trại của ông Toản là một trong số hàng chục trang trại tại tỉnh Hải Dương mà công ty đang hợp tác cung ứng thức ăn. Đây là một đối tác lớn, rất tiềm năng của chúng tôi”.
Cũng theo ông Thuận, việc liên kết trong cung ứng thức ăn thủy sản với các trang trại chăn nuôi hiện nay đang là một xu thế mới, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và các chủ trang trại. Công ty luôn đồng hành và có nhiều chính sách khuyến mãi, ưu tiên cho các trang trại khi tham gia liên kết.
“Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả trong liên kết, đảm bảo liên kết bền vững, phía công ty cũng đưa ra một số yêu cầu các trang trại phải đáp ứng như: về quy trình chăn nuôi phải quy mô, khép kín và nhất là phải tôn trọng những cam kết hai bên” - ông Thuận nhấn mạnh.
Anh Toản cho biết thêm: “Trước thực tế cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc liên kết hợp tác với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn, doanh nghiệp phân phối là việc vô cùng cần thiết, không chỉ giúp giảm rủi ro mà còn tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm của mình”.
Hỗ trợ “trúng” trong chuỗi liên kết
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), cho tới thời điểm hiện tại, các liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị chỉ mới bước đầu hình thành, đang ở cấp độ thấp và tự phát.
Trên thực tế, vẫn còn thiếu các chủ trương, định hướng và chính sách phù hợp để khuyến khích mô hình phát triển, đồng thời, còn thiếu các chế tài điều chỉnh những bất hợp lý phát sinh giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi liên kết. Đặc biệt, nông dân luôn là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thua thiệt trong các chuỗi liên kết, do đó nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình chuỗi liên kết, tập trung hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX…, hạn chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nhỏ lẻ, vì hiệu quả không cao.
|