Trong cái nóng như đổ lửa, tôi nhận được điện thoại từ ông Châu “Chú lên đây, đang có mật ong rừng chất lượng cao”. Thông tin ấy khiến tôi háo hức và tìm kiếm phương tiện để lên vùng cao Cúc Phương, nơi ấy gia đình ông Đinh Minh Châu đang sinh sống bằng nghề chăn nuôi con đặc sản giúp ông thoát nghèo…
|
Ông Châu thu hoạch mật ong rừng. |
Cúc Phương là xã thuộc chương trình 135 của huyện Nho Quan- Ninh Bình. Nơi đây, phần lớn dân số là đồng bào dân tộc Mường với sản xuất nông nghiệp chủ yếu trông chờ vào thời tiết và nhiều năm, ngô lúa cho thu nhập bấp bênh bởi khi nắng thì hạn, mưa lại ngập úng.
“Năm 1977, khi phục viên bộ đội trở về, nhìn gia cảnh khó khăn, nheo nhóc, tôi cũng nản.” Nhấp một chén chè xanh, ông Đinh Minh Châu nói. Nhưng ý trí của anh bộ đội không cho phép tôi chùn bước. “Phải tìm cách bứt phá khỏi khó khăn, ý chí ấy cứ quanh quẩn trong tôi, thậm chí chập chờn qua giấc ngủ. Nhưng vì buổi ban đầu thiếu vốn cũng như kiến thức về chăn nuôi, năm1979 tôi mới dám bắt tay vào nuôi trâu và ong (do chuyên gia người Đức làm việc ở Vườn Quốc gia Cúc Phương hướng dẫn, giảng dạy). Vừa nuôi vừa tìm thêm tài liệu trên mạng Internet và đi tham quan học tập mô hình do xã, huyện tổ chức”.
Sau đó, hiệu quả của việc chuyển đổi từ nghề thuần nông sang chăn nuôi thể hiện rõ nét khiến gia đình ông Đinh Minh Châu bổ sung nuôi thêm một số con nuôi khác vừa khai thác tiềm năng sẵn có của rừng vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. “ Bây giờ, khi vật nuôi phần lớn dùng cám công nghiệp tạo nạc, hay tăng trọng thì người tiêu dùng lại chọn bốn vật nuôi chất lượng cao. Đó là trâu đeo mõ, chó leo thang, gà chạy vũ trang, lợn đào công sự”. Ông Châu cao hứng nói. Những vật nuôi ấy thì Cúc Phương đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Mặt khác, còn nhiều con nuôi giá trị như ong, hươu sao, gà rừng, nhím.v.v cho nên Cúc Phương thu hút khách du lịch không chỉ riêng vẻ đẹp của rừng mà còn có những vật nuôi trở thành đặc sản tượng trưng rõ nét riêng ít nơi sánh kịp.
“Sau hơn 30 năm chăn nuôi - ông kể - tôi rút ra kinh nghệm, mỗi vật nuôi đều có bước thăng trầm nhất định. Một thời con nhím, con thỏ được giá, khi mỗi cặp nhím giống 15-20 triệu đồng, người ta ào ào phát triển đàn, chỉ thời gian ngắn sau giá giảm chỉ còn 7-8 triệu đồng/cặp thì người nuôi sinh ra chán, bỏ đàn. Song một số con nuôi khác vẫn cho hiệu quả ổn định là ong mật, lợn rừng, dê, hươu sao”.
Chẳng hạn nuôi lợn rừng, ông Châu tận dụng núi đá sau nhà để đào hang cho lợn ở, sinh sống như trong tự nhiên. Thức ăn của lợn rừng chỉ gồm rau, củ, ngô hạt, sắn phơi khô tuy lợn tăng trưởng chậm nhưng giá bán vẫn cao gấp hai lần giống lợn lai đại trà, hầu hết người mua phải đăng ký trước. Hay đối với dê, gia đình ông Châu duy trì ở mức đàn hơn 30 con vì không đủ nhân công chăm sóc cũng như cắt cỏ, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng bán dê thương phẩm. Hiện thị trường tiêu thụ nhung hươu, thịt lợn rừng, thịt dê hay mật ong ở Cúc Phương khá rộng bởi hằng tháng nhiều đoàn khách du lịch tới khiến nhu cầu tiêu dùng tăng cho nên thương lái tới tận nhà đặt trước với giá cao và ổn định.
Hiện tại gia đình ông Châu vẫn nuôi khá nhiều loại con với số lượng lớn bao gồm 5 con hươu, 5 con trâu, đàn dê hơn 30 con, gần 200 con lợn các loại (lợn rừng và lợn lai), 33 đàn ong, trồng và chăm sóc 10 ha keo, 2 ha mía. Không chỉ có vậy, gia đình ông Châu còn kinh doanh cám các loại và làm dịch vụ xay xát lúa gạo phục vụ hầu hết nhân dân trong xã Cúc Phương. Tổng nguồn thu từ chăn nuôi và làm dịch vụ mỗi năm trừ chi phí còn cho lãi từ 500-600 triệu đồng/năm.
Chủ tịch Hội nông dân xã Cúc Phương Đinh Văn Bản cho biết: “Sau hàng chục năm phát động phong trào “thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội Nông dân cùng Hội phụ nữ xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương”. Cụ thể là hàng trăm ha đất trồng lúa, màu cho thu nhập bấp bênh vì hạn hán được xã chuyển sang trồng cỏ voi, mía để phục vụ chăn nuôi đàn gia súc như trâu, bò, hươu, dê và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường nâng cao thu nhập cho nông dân. Trồng cỏ voi, mía vừa cải tạo đất vừa giúp nông dân thu nhập gấp ba lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.
Hiện toàn xã có hơn 200 ha mía, hàng trăm ha trồng cỏ voi, nhờ đó đàn trâu, bò được nông dân nâng lên hàng nghìn con, không ít gia đình trong xã nuôi 20-30 con trâu, bò.
Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở vùng cao Cúc Phương tạo sự chuyển biến nhanh nếu các hội viên nông dân, phụ nữ Hội cựu chiến binh không được hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Nho Quan. Các cuộc bình xét được tổ chức tại chi hội nhằm thẩm định hội viên nghèo, cận nghèo cũng như hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Đến hết tháng 6, số dư nợ của Ngân hàng CSXH cho đối tượng nghèo ở xã Cúc Phương vay hơn 4,4 tỷ đồng với 265 lượt hộ tại bốn tổ vay vốn. Trong đó, số hộ nghèo vay hơn 400 triệu đồng, hộ cận nghèo vay gần 700 triệu đồng, còn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay với tổng số 970 triệu đồng. Số hộ vay để sản xuất kinh doanh gần 1,5 tỷ đồng, còn lại vay sử dụng mục đích khác như xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.
Theo thống kê chưa đầy đủ vì số liệu phát sinh ngày càng nhiều gia đình có thu nhập khoảng từ 100 triệu đồng/năm trở lên “ tới 15-20% số hộ nông dân có thu nhập hằng năm đạt mức 100 triệu đồng/năm trở lên” - Chủ tịch Hội nông dân xã Cúc Phương Đinh Văn Bản cho biết. Hiện có hơn 75% hội viên nông dân tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Những mô hình làm ăn mới trong lĩnh vực chăn nuôi tổng hợp, trồng cây công nghiệp xuất hiện làm điểm tựa cho các gia đình còn khó khăn để vươn lên vượt qua đói nghèo. Riêng Hội nông dân với gần 570 hội viên, thì có hơn 100 hộ thu nhập từ trăm triệu đồng/năm trở lên, chưa kể Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh. Các mô hình chăn nuôi tổng hợp nổi bật luôn được nhắc tới là gia đình ông Thi, ông Nuôi (thôn Sấm 3) ông Châu, ông Chiến (thôn Sấm 2), ông Đồi, ông Thống(thôn Sấm 1) ông Việt, chị Tuyết(thôn Bãi Cả) ông Thuận, ông Canh, ông Mộng(thôn Nga 3), anh Hóa(thôn Đồng Tâm), ông Lặng(thôn Đồng Bót).
Những mô hình chăn nuôi đàn gia súc có quy mô lớn đang hình thành và xuất hiện ngày càng nhiều gia đình nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh vươn lên xóa đói giảm nghèo. Càng vui hơn khi Chủ tịch UBND xã Cúc Phương Đinh Văn Xuân báo tin “ tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở xã chỉ còn 17%. Nếu theo tiêu chí cũ thì hơn 9%”. Không vui sao được khi mới 10 năm trước đây, số hộ nghèo ở Cúc Phương gần 40%, không ít hộ đói lúc giáp hạt. Hiện nay, số hội viên nông dân, phụ nữ, Hội cựu chiến binh có cuộc sống khá và giàu chiếm gần 60%. Vùng đất đầy tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng cùng với sự vươn lên thoát nghèo bằng hình thức dựa vào thế mạnh thiên nhiên ban tặng để thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của đồng bào dân tộc Mường, khiến Cúc Phương- xã vùng cao của huyện miền núi Nho Quan ngày càng khởi sắc.