Nuôi kiến để... thay thuốc trừ sâu
12:56 - 08/07/2016
Không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vườn cây ca cao, sầu riêng, chôm chôm của ông Đoàn Văn Le (Mười Le) ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) hàng năm vẫn cho năng suất cao và được tiếng là sản phẩm sạch. Để có được điều này, người nông dân này đã nuôi, phát triển đàn kiến vàng trong vườn cây với nhiệm vụ săn bắt, diệt trừ sâu bọ.
Ông Đoàn Văn Le, người nuôi kiến bảo vệ vườn cây.

Hạn chế 80 - 90% sâu bệnh

Giữa mùa nắng nóng, khô hạn xảy ra ở nhiều nơi, nhưng vườn cây của ông Mười Le vẫn xanh tốt sum suê. Ca cao, sầu riêng, chôm chôm đang vào mùa cho trái nặng trĩu cây. Lạ ở đây là kiến vàng bám đầy trái, kiến bò đầy cây, kiến làm tổ. Kiến chuyền từ cây này sang cây khác bằng những sợi dây. Thỉnh thoảng từng nhóm kiến tha những con sâu mà chúng bắt được đưa về tổ. 

Dẫn chúng tôi đi dưới tán cây, giới thiệu về kiến, thỉnh thoảng bị cả tổ kiến phủ, cắn lên đầu, ông Mười Le cũng chỉ nhẹ nhàng phủi vì sợ tổn hại đến kiến. Ông kể phải mất nhiều thời gian mới gây dựng được đàn kiến cho cả vườn cây này. 

Với 4 ha vườn cây, mỗi năm ông Mười Le thu được hàng chục tấn ca cao, sầu riêng, chôm chôm. Nhờ đàn kiến diệt sâu bọ, ông Mười Le tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế được 80 - 90% sâu bệnh. Bên cạnh đó, việc di chuyển của kiến giúp tỷ lệ thụ phấn cao.

Điều quan trọng mang lại đối với người nông dân này là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sẽ bảo vệ được sức khỏe con người và có được sản phẩm cây trái sạch. 

Kinh nghiệm làm vườn đủ cho người nông dân này nhận biết để bảo vệ cây trồng, thông thường phải dùng các loại thuốc có độc tố cao để diệt trừ các sâu đục thân, ăn lá, ăn quả. Tuy nhiên, hóa chất chỉ trừ sâu tạm thời, trong khi độc tố của nó gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người và môi trường.
 

Thu lợi hàng trăm triệu đồng

Việc nuôi kiến để làm vườn đến với ông Mười Le cũng hết sức tình cờ. Đó là vào năm 2007, thầy Phạm Hồng Đức Phước (Đại học Nông Lâm TPHCM) ghé thăm vườn ca cao của ông. Thấy gần vườn là những khu rừng tràm có nhiều kiến vàng làm tổ, thầy Phước gợi ý nên đưa đàn kiến vào để bảo vệ cây. 

Thời điểm đó ông Mười Le vẫn đang sử dụng thuốc trừ sâu phun xịt bảo vệ cây, sâu chết thì kiến cũng chẳng còn con nào. Nhớ lại hàng chục năm trước, thời cây trồng ở vườn không bao giờ xịt thuốc trừ sâu, nhưng cây trái vẫn không bị sâu bệnh nhờ kiến bắt sâu bọ. Nhưng thời đó chỉ làm vườn nhỏ, không quy mô. Với diện tích vài ha thì lấy đâu ra kiến.

Nhưng nghĩ lời thầy Phước thấy hay, cái hay trước tiên là bảo vệ sức khỏe cho mình. Ông Mười Le ngưng không sử dụng thuốc và bắt đầu tìm cách đưa kiến về vườn của mình. Để dẫn dụ kiến về vườn, ông Le đi khắp vùng tìm tổ của chúng, mang về vườn thả. 

Nhưng khi đưa tổ về treo lên cây, thì hôm sau đàn kiến kéo đi nơi khác sinh sống. Nhiều người dân trong vùng hay chuyện, cho rằng ông Mười Le đang có “vấn đề không bình thường”.

 Không nản chí, ông Mười Le thấy những nơi cây tràm giáp vườn là nơi không bị xịt thuốc nên kiến làm tổ sinh sống rất nhiều, ông dùng các loại dây nối từ các tổ kiến dẫn về các cây trong vườn và treo mồi là các loại lòng heo, lòng gà để dẫn dụ kiến về dần. 

Mất khoảng 3 năm chấp nhận thiệt hại về năng suất cây trồng do không sử dụng thuốc trừ sâu, đến khi đàn kiến phát triển đều khắp vườn cây do có môi trường sống thích hợp thì cũng là thời điểm từ đó đến nay vườn cây của ông Mười Le được đàn kiến bảo vệ. 

Có hàng triệu con kiến tỏa ra khắp nơi tìm bắt sâu bọ. Với khoảng 2.000 tổ kiến vàng khắp vườn cây, nông dân Mười Le còn phải cung cấp thêm thức ăn để nuôi dưỡng chúng. 

Một phần nhờ vào kiến, mỗi năm ông Mười Le tiết kiệm gần 50  triệu đồng tiền phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch khoảng 50 tấn quả các loại, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. 

Điều mà nông dân này tâm đắc và được đánh giá cao tại các buổi hội thảo khoa học về nông nghiệp là môi trường sản xuất nông nghiệp được duy trì cân bằng sinh học.

 Mô hình nuôi kiến bảo vệ cây trồng của ông Mười Le được cán bộ khuyến nông Đồng Nai đánh giá là cách làm rất hay, không chỉ diệt trừ sâu bọ hiệu quả, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. 

Theo TS Phạm Hồng Đức Phước (giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM) thì kiến vàng ông Đoàn Văn Le nuôi có tên khoa học là Oecophylla Smaragdina, thuộc bộ cánh màng Hymenoptera, họ Formicidae. Đây là loại kiến không gây hại cây trồng và có khả năng tấn công nhiều loại sâu hại phổ biến trên cây ăn trái.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo