"Vương quốc vải thiều": Ngó đâu cũng... ra tiền
Đến Lục Ngạn vào mùa này, nhìn những khuôn mặt của người dân, từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều toát lên vẻ phơi phới. Ngó đâu cũng thấy tiền, đang là niềm vui của người dân đất vải mỗi khi tiếng tu hú khắc khoải bên kia bờ sông Chũ.
|
Hái vải thuê - nghề hấp dẫn của rất nhiều người. |
Hái vải thuê - làm thất nghiệp, lãi quan viên
Để 150.000 tấn vải quả được dời cây, đến với các thị trường thì riêng dân gốc Lục Ngạn cũng như các chủ nhà vườn một mình làm không xuể. Vậy nên gần 10 năm nay, khi số lượng diện tích vườn vải và sản lượng vải tăng lên, vào mùa thu hoạch, Lục Ngạn như một “thỏi nam châm” thu hút nông nhàn ở các nơi tìm đến, kiếm nghề hái vải thuê làm cớ mưu sinh cho mình.
Nghề hái vải thuê ở đây nói nhàn cũng không phải nhưng vất vả cũng chưa đúng. Thông thường những người hái vải ở đây bắt đầu công việc từ khoảng 4h sáng và kết thúc công việc của mình khi mặt trời bắt đầu rát lưng, lúc cữ 8h sáng. Chỉ cần 4 tiếng làm việc, họ được chủ vườn trả cho với giá khoảng 300 nghìn đồng.
Từ 8h trở đi, lúc này vải bắt đầu được đưa đi đến nơi tiêu thụ, nếu ai khỏe và muốn làm thêm bằng các việc như gánh xuống đồi, đưa ra các khu vực cân để đóng thùng thì sẽ được chủ trả thêm cho khoảng 200.000 đến 300.000 nữa. Như vậy, chỉ cần khoảng 6 tiếng làm việc trong ngày họ sẽ được chủ chi trả cho khoảng 500 nghìn/ngày. Tháng làm việc như vậy họ cũng có cho mình một nguồn thu khoảng 15 – 20 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Toan, một nhà vườn khá có tiếng ở Phì Điền, cũng là người trồng vải sớm, hiện đang có đến trên 1000 gốc vải nơi đây cho biết: Thông thường để hái hết quả cho số lượng vải trong vườn, mỗi năm, vào vụ ông cũng phải thuê đến cả chục lao động đấy là chưa kể đến việc huy động nhân lực của nhà. Hàng chục lao động làm việc như vậy, số tiền chi trả cũng lên tới vài chục triệu. Thôi cũng là cái họ giúp mình, là cớ để mình chia lộc cho thiên hạ. Hơn thế nữa, nếu không có họ thì mình cũng không thể hái được hết số vải trong vườn.
Mùa này lên Lục Ngạn, tới các xã trọng điểm vải trong huyện như Quý Sơn, Nghĩa Hồ, Phong Minh, Phì Điền… người ta thấy cánh thợ làm nghề hái vải thuê ùn ùn kéo về khắp các nẻo. Thợ hái vải từ các miền quê dưới ngược lên, thợ nông nhàn từ Đồng Mỏ, Sơn Động thậm chí là cả bên Trới (Hoành Bồ, Quảng Ninh) kéo sang để tìm đến làm thuê kiếm thu nhập từ các nhà vườn do nghề hái vải thuê mang lại.
Thợ hái vải thuê bằng nghề này đến, kéo tăng, mắc võng, thậm chí ở ngay trong nhà các chủ vườn cơm nước đông như người đi hội. Họ tụ hợp cùng nhau, chục miền, chục chuyện nói cười rôm rả. Trong những niềm vui do thu nhập từ nghề vặt vải thuê mang lại tôi đã gặp gia đình anh Bàn Văn Sơn từ tận Sơn Nam, Tuyên Quang tìm sang.
Anh Sơn cho biết, bên nhà anh cữ này ít việc. Anh bắt đầu biết đến nghề này trong một lần đi thăm bạn bên Lục Ngạn. Thấy nghề này có thu nên bắt đầu từ mùa vải năm 2013 cứ chính vụ anh lại đưa vợ con sang đây làm nghề hái vải thuê kiếm sống.
Năm nay, mùa vải, lại đúng lúc nghỉ hè của tụi trẻ, anh cùng vợ và hai đứa con đã gồng gánh sang đây. Mỗi ngày 4 lao động nhà anh hái vải, bó thành chùm rồi tham gia gánh xuống chân đồi gia đình anh cũng đã có thu khoảng 2,5 triệu/ngày. Trừ ăn uống, sinh hoạt mất khoảng 500 nghìn/ngày, hết vụ vải này gia đình anh cũng tiết kiệm, túm gói mang về quê khoảng gần 50 triệu đồng.
Trong niềm vui của nghề, của người có thu nhập, anh Sơn cho biết, bên Sơn Nam, giờ không chỉ có gia đình anh mà còn rất nhiều các gia đình khác nữa, đến mùa vải cũng tìm về đây kiếm sống. Riêng vụ vải năm ngoái, nhờ cái nghề hái vải thuê này mà anh cùng vợ và các con đã có tiền để sinh sống cho gần 3 tháng tiếp theo ở quê.
|
Sau mỗi mùa vải nhiều ngôi nhà bạc tỷ lại “mọc lên” ở Lục Ngạn. |
Nơi con trẻ cũng có thu nhập
Năm nay là năm vải Lục Ngạn được coi là có giá. Đầu mùa, vải đẹp có giá đến 30 nghìn/kg, giữa và cuối mùa vải vẫn giữ giá từ 20 – 24 nghìn/kg nên người Lục Ngạn vui lắm. Những gánh vải, xe vải đỏ đến mướt mắt xuôi đồi xuống chợ, xuống phố là từng tập tiền xanh đỏ đủ các mệnh giá về với người dân.
Mùa này là mùa được mệnh danh ngó đâu cũng ra tiền của người Lục Ngạn. Những quán phở, quán cháo, quán cơm bụi hừng hực củi lửa, mở cửa suốt ngày đêm để phục vụ khách mua bán vải cùng đó là các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh được đưa về. Chủ quán Hương Hải ở Chũ cho biết, không nhờ quả vải, không nhờ mùa vải thì người dân chúng tôi chả biết lấy gì sinh nhai cho tới gần 6 tháng tiếp theo trong năm.
Không chỉ người lớn, mùa này ở Lục Ngạn được coi là mùa trẻ con cũng kiếm ra tiền. Trẻ con tham gia bán nước, trẻ con tham gia vận chuyển các thùng xốp để đóng vải… đều có tiền cả. Đặc biệt vào mùa này ở Lục Ngạn có nghề nhặt vải dời – những quả vải rơi ra khỏi chùm gom lại rồi đem bán cũng có thu nhập cho mình và gia đình.
Vải chín vào đúng kì nghỉ học, sáng, từng đoàn trẻ ở các xóm thôn đã chân sáo mà tìm đến các đồi vải, nơi người lớn đang hái vải bán để nhặt những quả vải rơi vãi mà người lớn không thèm để ý đến rồi gom vào các làn nhựa, túi xách mà đem bán cho các chủ hàng. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 3 tiếng mà gom nhặt như vậy chúng cũng có một nguồn thu khoảng 200 nghìn để trợ đỡ cho sinh hoạt gia đình, tiền mua sách vở trong năm học tới của mình.
Có thể nói, mùa này là mùa vải “đẻ ra tiền” cho đất và dân người Lục Ngạn. Để sau mỗi mùa vải qua đi, nếu có điều kiện quay lại, người ta sẽ thêm trầm trồ khi đất này có thêm những ngôi nhà cao tầng cỡ tiền tỷ vươn lên ở một vùng quê khó khăn khi chưa có cây vải.