Lâu nay, người dân huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chỉ biết đến việc nuôi tôm theo hình thức quảng canh. Hiện nay, việc nuôi theo cách truyền thống không còn đem lại lợi nhuận bởi nguồn nước bị ô nhiễm, tôm giống kém chất lượng, dẫn đến việc tôm bị hao hụt, kém năng suất. Cũng như các hộ dân khác, gia đình ông Huỳnh Văn Thọ phải sống phụ thuộc vào những vuông tôm như vậy.
Năm 2013, trong một lần tình cờ đến huyện Đầm Dơi, ông Thọ thấy bà con nơi đây thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh khá hiệu quả. Thấy có thể áp dụng tại địa phương mình, ông học hỏi kinh nghiệm đem về quê thực hiện.
Lúc đầu, ông Thọ vấp phải sự phản đối của bạn bè, người thân, bởi mô hình nuôi tôm nước tĩnh khá mới mẻ, nơi đây lại chưa có ai thực hiện, sợ ông không thành công. Vượt qua mọi sự phản đối, ông đã chứng minh với mọi người rằng, không có việc gì khó, chỉ cần có sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng thì mọi chuyện sẽ thành công.
Khi mới thực hiện, ông Thọ gặp khó trong việc cải tạo đất. Theo ông, quá trình xử lý tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc. Sau khi lấy đất ra với diện tích 3 ha, trong đó phần mặt nước là 2 ha, ông tiến hành phơi đầm và cho xử lý vôi trong năm đầu, những năm kế tiếp ông không cần phải xử lý. Đối với mô hình này. Ông không áp dụng biện pháp sên sình mà phơi đáy ao đầm mỗi năm 1 lần vào khoảng tháng 7, dùng phân bón, men vi sinh; chú trọng xử lý môi trường nước trước khi thả tôm, cộng với nguồn giống địa phương chất lượng, sạch bệnh và sự quản lý về số lượng, mật độ nuôi để từ đó kiểm soát, đảm bảo tôm nuôi phát triển tốt.
Theo ông Thọ, việc nuôi tôm nước tĩnh khá đơn giản và phù hợp với trình độ sản xuất của người nông dân. Bà con có thể tận dụng ao vuông đã sản xuất, chỉ gia cố bờ vuông, không để nước rò rỉ ra ngoài, đóng cống lấy nước tự nhiên ngoài sông vào đầm với độ sâu từ 0,5 m trở lên để thả và luôn giữ mực nước ở khoảng đó. Lần thả giống đầu tiên, ông thả khoảng 100.000 con, 2 tháng tiếp theo thả 50.000 con và cứ cách 2 tháng sau thả nối đuôi 20.000 con.
Điều đặc biệt của cách nuôi này là, cống được đóng suốt trong quá trình nuôi, con giống cứ thả bổ sung liên tục trong vụ nuôi để có thể thu hoạch liên tục, không cần phải tốn nhiều tiền mua thức ăn cho tôm. Nuôi tôm nước tĩnh không xổ nước ra mà đặt lú bắt tôm. Với cách nuôi này, môi trường nước được giữ ổn định, không gây ô nhiễm môi trường lại hạn chế dịch bệnh trên tôm.
Ông Huỳnh Văn Thọ chia sẻ: “Tôi thấy so với con tôm xổ vô xổ ra thì nuôi tôm nước tĩnh hiệu quả hơn nhiều. Trước đây nuôi tôm theo kiểu truyền thống trên phần đất sản xuất của gia đình, thu nhập mỗi năm chưa đến 30 triệu đồng, nay mô hình nuôi tôm nước tĩnh thu nhập cao gấp 2-3 lần”.
Hơn 4 tháng đầu thả giống, ông Thọ tiến hành cho thu hoạch đợt đầu tiên. Sau 1 năm thực hiện, thấy được hiệu quả của mô hình này đem lại, ông Thọ tiếp tục mày mò, nghiên cứu đầu tư, lợi nhuận gia đình thu về từ tôm nuôi nước tĩnh là 50 triệu đồng/năm. Với số lượng tôm đạt 12 con/kg, mỗi năm ông Thọ thu hoạch khoảng 2 lần. Hiện nay, tổng thu nhập của ông từ các khoản là trên 80 triệu đồng/năm, qua đó giúp gia đình từ hộ có cuộc sống khó khăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Với tinh thần chịu khó học hỏi và ham thực hành cái mới, ông Thọ còn làm được nhiều mô hình khác kết hợp với nuôi tôm nước tĩnh trên ao đầm của mình. Ông tiếp tục cho đổ mặt bằng khoảng 5.000m2 để làm 2 ao cá nước ngọt thả các loại cá điêu hồng, cá phi..., phía trên lên liếp trồng cây ăn trái, hoa màu… cung cấp nguồn thức ăn sạch cho gia đình.
Ông Nguyễn Trung Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Ân, đánh giá: “Nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh của ông Thọ là mô hình mới trên địa bàn xã Tân Ân. Hình thức nuôi phù hợp với địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, Hội sẽ tuyên truyền, vận động, nhân rộng mô hình này cho một số hộ có điều kiện”.