Nuôi lợn rừng lai
11:00 - 07/06/2016
Trong quá trình thực hiện dự án, Trạm Giống & vật tư nông nghiệp Hàm Yên đã làm tốt việc điều tra khảo sát, thiết kế trang trại chăn nuôi lợn rừng lai...
Lợn rừng lai phát triển tốt


Năm 2013, Văn phòng Chương trình nông thôn miền núi (Bộ KH-CN) phối hợp với Trạm Giống & vật tư nông nghiệp huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), Viện Khoa học sự sống (ĐH Thái Nguyên) triển khai thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất giống và chăn nuôi lợn rừng lai" (6 con lợn đực rừng giống và 60 con lợn nái). Sau 2 năm thực hiện, dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, mở ra triển vọng mới cho chăn nuôi động vật bản địa.
 

Trong quá trình thực hiện dự án, Trạm Giống & vật tư nông nghiệp Hàm Yên đã làm tốt việc điều tra khảo sát, thiết kế trang trại chăn nuôi lợn rừng lai, sử dụng đệm lót sinh học; ứng dụng máy móc cơ giới để chế biến thức ăn, vệ sinh thú y, phòng trừ dịch bệnh. Mở 4 lớp tập huấn chăn nuôi lợn rừng lai sinh sản, chăn nuôi lợn rừng lai giai đoạn sau cai sữa, chăn nuôi lợn rừng lai thương phẩm, phòng trị bệnh cho lợn.
 

Ông Hoàng Văn Đông, Trạm Giống & vật tư nông nghiệp Hàm Yên, chủ nhiệm dự án chia sẻ, thức ăn của lợn rừng lai chủ yếu là cây chuối xay nhỏ, cám ngô và thức ăn xanh theo tiêu chuẩn, khẩu phần ăn khác nhau ở các giai đoạn phát triển của từng loại lợn và chiếm khoảng 20 - 30% tổng tiền đầu tư, trong khi đó tổng tiền đầu tư thức ăn chăn nuôi đến khi xuất bán của chăn nuôi lợn phổ thông chiếm khoảng 60 - 70%.
 

So sánh giá trị kinh tế từ chăn nuôi lợn rừng lai và chăn nuôi lợn phổ thông tại địa phương thì 20 kg lợn rừng lai trị giá bằng khoảng 60 kg lợn phổ thông bán cùng thời điểm, đặc biệt lợn rừng lai có sức đề kháng cao hơn rất nhiều so với giống lợn lai nên ít bị dịch bệnh và sản phẩm đã được khách hàng ưa chuộng. Bình quân mỗi năm Trạm Giống & vật tư nông nghiệp Hàm Yên sản xuất được khoảng 150 con lợn giống, 350 con lợn thương phẩm, khối lượng khi xuất chuồng đạt trên 40 kg/con, giá trị gần 2 tỷ đồng.

Ảnh: Vũ Khắc Tuyên

 

Dự án bước đầu đã có những kết quả đáng kể, đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn vùng núi, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu thế phát triển thực phẩm sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng...

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo