Sau thử nghiệm các loại giống thủy, hải sản nuôi trong môi trường nước lợ, ông Phan Văn Trung (xóm Quyết Thắng, Diễn Bích, Diễn Châu, Nghệ An) đã thành công với mô hình nuôi cua. Trên diện tích 3ha, gia đình ông thả khoảng 30.000 con, sản lượng đạt 0,8 tấn/ha, thu về hơn 1 tỷ đồng/ vụ.
|
Gia đình ông Phan Văn Trung nuôi cua trên diện tích 3ha ao, cua dễ nuôi, sản lượng đạt 8 tạ/ha |
Là người đầu tiên trên địa bàn xã Diễn Bích làm nghề thu mua cua giống, sau khi tham gia lớp tập huấn nuôi trồng thủy hải sản do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức, ông Trung quyết định nuôi thử cua nước lợ. Theo ông Trung, từ năm 1989 đến nay, trên diện tích ao 3ha của gia đình, ông đã nuôi nhiều loại hải sản nhưng giống cua nước lợ mang lại hiệu quả kinh tế cao và ít rủi ro nhất.
Mùa nuôi cua thường bắt đầu vào tháng 9 và thu hoạch vào tháng 4, tháng 5. Những con cua giống được thu mua từ các hộ dân với giá 5000 đồng/con; 1kg cua giống khoảng 25 con có giá 250.000 đồng. Mùa cua năm nay, gia đình ông Trung thả nuôi 30.000 con cua giống trên diện tích 3ha; với số vốn đầu tư là 150 triệu đồng. Cua giống được chọn là những con khỏe mạnh, có sức sống cao.
Mỗi con cua loại 1 sinh trưởng tốt, không bị bệnh tật khi thu hoạch có thể nặng từ 3 - 5 lạng. Sản lượng đạt cua đạt trung bình 8 tạ/ha. Cua nước lợ thương phẩm giá cao, từ 300.000 đồng/kg – 400.000 đồng/ kg tùy loại. Tính chung, mùa cua năm nay gia đình ông lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cua, ông Trung cho biết: Nuôi tôm, cá, mình phải thức đêm canh chừng, cho ăn đúng bữa, kiểm tra sức khỏe để phòng chữa các bệnh nhưng cua thì dễ nuôi, sống bền. Cua không cần phải chăm sóc thường xuyên như các loại hải sản khác. Thức ăn chủ yếu của cua là các loại cá nhỏ có trong ao, thỉnh thoảng thay đổi "khẩu vị" cho cua bằng các loại cám, ngô; có ngày bận quá không có thời gian cho ăn thì cua vẫn sống nhờ thức ăn sẵn có trong ao. Đặc biệt khi nước ô nhiễm hoặc thiếu oxy, cua có thể leo lên bờ chứ tôm cá thì khó sống sót.
Tuy nhiên, điều nguy hại đến sự sinh trưởng và phát triển cua nhất chính là nguồn nước bẩn và môi trường ô nhiễm. Chính vì vậy mỗi tháng ông Trung đều thay nước một lần, sau một mùa cua ông thuê người cải tạo ao trong vòng 20 ngày để làm vụ mới. Ngoài ra, khi cua lớn lên thì ao nuôi trở nên chật chội nên phải mở rộng diện tích, tránh tình trạng cua cắn nhau chết.
Mang lại hiệu quả kinh tế cao nên mô hình nuôi cua nước lợ của gia đình ông Trung đang được nhân rộng trên địa bàn xã. Ông Thái Bá Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Diễn Bích cho biết: Hiện nay đã có 4 hộ dân trong xã học tập, triển khai mô hình nuôi cua nhưng diện tích nhỏ hơn. Xã cũng khuyến khích người dân nhân rộng mô hình nuôi trồng này để đa dạng các loại thủy hải sản cung ứng ra thị trường; ngoài nguồn cung từ tàu thuyền đánh bắt ngoài khơi về.
Những năm qua, mô hình nuôi cua nước lợ tại các xã ven biển Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Ngọc của huyện Diễn Châu đã phát huy hiệu quả, với năng suất bình quân đạt 0,6 tấn/ha; mang lại nguồn thu trên 250 triệu đồng/năm. Cua là loài nuôi ít dịch bệnh, và nuôi được 2 vụ trong năm. Cua được chăm sóc tốt chỉ sau thời gian 4 tháng có thể thu hoạch được.
Cua nước lợ được nuôi trong môi trường sạch, an toàn nên được thị trường rất ưa chuộng; đầu ra ổn định. Cua chủ yếu được bán cho thương lái, một số ít sẽ được gia đình đem đi bán ở chợ. Nuôi cua nước lợ là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân ven biển, do đó, huyện Diễn Châu đang tiếp tục chỉ đạo bà con vùng ven biển mở rộng diện tích từ 15 ha lên 20 ha trên hai vụ hè thu và đông xuân.