(TNNN) - Cái lợi lớn nhất khi người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm rau VietGAP là sự an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi các loại rau này được sản xuất và chứng nhận theo một quy trình có sự giám sát nghiêm ngặt nên đạt chất lượng cao hơn rau thông thường, đặc biệt truy nguyên nguồn gốc xuất sứ khi cần thiết.
|
Mô hình trồng rau VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân |
Với xu thế hội nhập như hiện nay, để ổn định về giá sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì sản phẩm rau sạch phải đạt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGap là điều kiện bắt buộc nếu muốn sản phẩm tồn tại trên thị trường.
Trồng rau theo chuẩn VietGAP năng suất có giảm so với trồng rau theo phương pháp truyền thống nhưng giá bán cao hơn nên tính ra hiệu quả kinh tế vẫn đạt. Điều quan trọng là trồng VietGAP đảm bảo an toàn cho cả người trồng và người sử dụng vì ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc tăng trưởng. Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương hiện nay, trồng rau VietGAP mang lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Tâm, ấp Tân Xã, xã Long Hòa (TX. Gò Công, Tiền Giang) được biết như một xã viên tiêu biểu sản xuất rau an toàn theo tiểu chuẩn VietGap đạt hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, ông thu về gần 100 triệu đồng.
Được sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở Củ Chi (TP.HCM) đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang rau, quả sạch, đem lại thu nhập cao gấp hàng chục lần, đời sống nâng cao rõ rệt.
Anh Võ Minh Trung (ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ: Vợ chồng anh có khoảng 3.000 m
2 đất ruộng, những năm trước đây dùng trồng lúa. Sau này thấy trồng lúa không hiệu quả, vợ chồng anh chuyển sang trồng bầu, mỗi vụ kiếm lời được khoảng 15 triệu đồng. “Vụ nào trúng giá lời được khoảng 30 triệu đồng, nhưng luôn lo canh cánh tình trạng được mùa thì mất giá. Ngày đó, có những lúc thu hoạch rộ, tôi chở hàng ra chợ lại phải chở về vì bị ép giá quá”, anh Trung nhớ lại.
Cuộc sống gia đình anh đã đổi mới kể từ khi gia nhập tổ hợp tác sản xuất rau theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) vào năm 2013. Với mô hình sản xuất rau an toàn, được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cả đầu ra ổn định, nay gia đình anh chỉ trồng 1.700 m
2 bầu ước tính thu được trên 50 triệu đồng. Những ngày cận Tết Nguyên đán, cứ mỗi ngày anh chị thu được 1 triệu đồng. "Nếu làm hết 3.000 m
2 đất thì mỗi vụ tôi kiếm được cả trăm triệu đồng. Như vậy mỗi năm làm 3 vụ cũng được 300 triệu đồng", anh Trung tươi cười nói.
Tương tự, trước đây hộ anh Lê Thanh Hùng (cùng ngụ ấp Trung Hiệp Thạnh) với 5.000 m
2 trồng khổ qua, mỗi năm chỉ kiếm lời khoảng trên chục triệu đồng. Đến nay, khi vào tổ hợp tác và trồng theo quy trình VietGAP, sản xuất theo hợp đồng thu mua của các hợp tác xã với giá cả ổn định, mỗi năm anh thu về trên dưới 200 triệu đồng.
Theo báo cáo tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của UBND huyện Củ Chi giai đoạn 2010 - 2015, giá trị sản xuất rau sạch bình quân trên 1 ha đất đạt từ 132 triệu đồng/năm (năm 2009) đến nay đã tăng lên 258 triệu đồng/ha/năm, cá biệt đối với trồng hoa lan đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm, rau an toàn đạt 400 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều hộ gia đình ở ấp Mỹ An 2, Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang đã có thu nhập đáng kể nhờ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người dân trồng rau VietGAP ở ấp Mỹ An 2 cho biết từ khi trồng rau an toàn, thu nhập đã tăng cao và cuộc sống ổn định hơn không như cách làm theo kiểu truyền thống trước đây. Khi mới bắt đầu cũng gặp khá nhiều khó khăn do bà con nông dân còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật còn chưa vững nhưng sau nhiều lần canh tác, năng suất không ngừng tăng lên và được công nhận vùng rau an toàn vào năm 2012. Anh Chúc- một nông dân trồng rau VietGAP chia sẻ rằng canh tác rau VietGAP giảm được chi phí và công lao động vì đã có hệ thống phun tưới tự động nên tiết kiệm được 1,5 - 2 triệu đồng/ha.
Vùng rau an toàn tại ấp Mỹ An- An Giang được cấp giấy chứng nhận giai đoạn năm 2015 - 2018. Sau giai đoạn đó nông dân sẽ tự canh tác bởi đây là vùng trồng rau chuyên canh nên nông dân sẽ duy trì. Diện tích rau an toàn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới và chú trọng phát triển nhiều loại rau màu có giá trị cao có thể trồng trong nhà lưới như cà chua ghép, cúc pha lê, hành lá, dưa lưới, rau thơm.
Anh Huỳnh Ngọc Diện, Tổ trưởng Tổ hợp tác SX rau an toàn ở ấp Mỹ An 2, cho biết: 8 công đất của anh trồng hành, ớt, rau cải, đậu bắp… theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hoạch luân phiên, lợi nhuận ổn định hàng năm với mức trên 150 triệu đồng. Còn anh Chúc từ 3 công đất cũng tăng lên gấp đôi. Bởi theo các anh trồng rau cho lợi nhuận 2,5 lần so với sản xuất lúa.
Để nâng cao chất lượng rau an toàn, 2 hộ dân trong ấp Mỹ An 2 còn được hỗ trợ trồng rau trong nhà lưới với diện tích 500 m2/hộ, từ kết quả thành công đó sẽ nhân rộng mô hình ra các hộ còn lại trong xã. Rau thu hoạch xong được bán cho các chợ đầu mối với sản lượng trung bình khoảng 1 tấn/ngày, còn vào các ngày dịp lễ, tết sản lượng tiêu thụ tăng lên 2 - 3 tấn/ngày, với mức giá bán cao hơn từ 1.000 - 2.000 đ/kg so với mức giá rau SX thông thường.
Hiệu quả về kinh tế chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đang đem lại, cái quan trọng hơn là mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Không những thế, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.