Thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã tạo động lực giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên.
Đổi đời nhờ vốn ưu đãi
Bà Trần Thị Nhỉ (53 tuổi) ở thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng (Đại Lộc) cho biết: “Nhà tôi hồi trước nghèo lắm, con cái đông nên cuộc sống rất cơ cực. Hai vợ chồng làm lụng cả ngày ngoài đồng cũng không đủ cái ăn, cái mặc và lo học hành. Cũng may, nhờ Hội Nông dân (ND) xã và các đoàn thể, chính quyền địa phương động viên nên tôi đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Kể từ đó, gia đình tôi vươn lên thoát nghèo và dần có tích lũy, cất được nhà kiên cố, nuôi con ăn học đầy đủ…”.
7 năm trước, gia đình bà Nhỉ được xếp vào diện nghèo của thôn, có 2 vợ chồng và 6 đứa con nhỏ chỉ lo cái ăn cái mặc đã bở hơi tai. Cái ngày bà Nhỉ cầm món tiền lớn 10 triệu đồng tiền vay về nhà mà trong lòng thấy lo lắm. Nhưng rồi được cán bộ Hội ND và các đoàn thể tư vấn, hỗ trợ, vợ chồng bà đã sử dụng vốn vay mua heo và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. “Chỉ sau một năm chăm bẵm, nhà tôi đã xuất bán được 3 lứa lợn, thu về món tiền lãi kha khá. Sau đó tôi tiếp tục đầu tư nuôi heo năm thứ 2 và cũng thành công. Dành dụm được ít tiền, tôi mua thêm con bò về nuôi. Nhờ đồng vốn ưu đãi của NHCSXH Đại Lộc mà gia đình tôi đã thoát nghèo mấy năm nay” - bà Nhỉ thổ lộ.
Bà Phan Thị Tĩnh (ở xã Đại Hưng, Đại Lộc) cũng là một trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCS. Năm 2012, thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình bà vay 30 triệu đồng của NHCSXH Đại Lộc. Từ số tiền này, bà đã mạnh dạn đầu tư trang trạng để chăn nuôi heo. Bình quân mỗi năm, bà bán 3 lứa heo thịt, mỗi lứa 40 con. Trừ các chi phí, nhân công…, gia đình bà lãi gần 15-17 triệu đồng/tháng.
Đồng hành hỗ trợ nông dân nghèo
Trao đổi với NTNN, ông Trần Việt Phương - Chủ tịch Hội ND huyện Đại Lộc cho biết, hầu hết các hộ vay vốn thông qua nguồn vốn ủy thác từ Hội ND đều sử dụng đồng vốn hiệu quả. Điều này thể hiện qua con số tăng trưởng dư nợ hàng năm, và tính đến nay, dư nợ ủy thác của Hội ND đã đạt trên 57 tỷ đồng, tăng 553 triệu đồng so với thời điểm đầu năm. Hiện toàn huyện có 92 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 3.356 hộ vay và không có nợ quá hạn. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH mà mỗi năm có hàng trăm hộ nông dân nghèo trên địa bàn Đại Lộc thoát nghèo bền vững.
Theo ông Lê Tấn Hùng - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Lộc, khách hàng của ngân hàng chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo nên khi cho vay, tùy theo điều kiện mỗi hộ mà cán bộ tín dụng của ngân hàng cùng chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội luôn hướng dẫn cách làm ăn hiệu quả nhất.
“Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể đạt 220.083 triệu đồng, với 350 tổ tiết kiệm và vay vốn và 12.798 hộ vay, với đội ngũ cộng tác viên là những người nhiệt huyết trong công tác xóa đói giảm nghèo đã giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả. Tăng trưởng dư nợ vốn tín dụng chính sách từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện tập trung vào các chương trình chủ yếu là cho vay hộ nghèo - cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt, vạy học sinh – sinh viên...” - ông Hùng cho hay.