Từ vài hộ nuôi ba ba, đến nay toàn xã Khai Thái (Phú Xuyên, Hà Nội) có khoảng 50 hộ nuôi ba ba, trong đó hơn 30 hộ nuôi với quy mô lớn. Nhờ gắn bó với nghề, “hiểu” được tập tính của ba ba mà nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập cao.
Kiếm nửa tỷ đồng/năm nhờ ba ba
Chúng tôi đến thăm khi anh Phan Hồng Sơn ở thôn Vĩnh Thượng đang cho ba ba ăn ngoài ao. Vừa làm anh Sơn vui vẻ nói: “Tính đến nay, tôi đã có hơn 10 năm nuôi ba ba. Tôi thấy, nghề nuôi ba ba không vất vả, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Ba ba dễ nuôi, ít dịch bệnh. Để nuôi ba ba thành công thì người nuôi phải hiểu rõ về chúng, trong đó kỹ thuật cho ba ba ăn rất quan trọng”.
|
Từ nuôi ba ba gai, anh Phùng Văn Sơn có thu nhập hơn nửa tỷ đồng/năm. |
Anh Sơn cho biết, ba ba ăn các loại cá tạp, ốc. Nhưng thức ăn phù hợp nhất với ba ba là cá mè tươi băm nhỏ. Ba ba ăn nhiều khi trời nóng, ăn ít khi trời mát, trời rét chúng không ăn gì. Nếu cho ăn ngày nào cũng giống nhau thì ngày nóng ba ba ăn thiếu, ngày mát và rét lạnh ba ba không ăn hết gây lãng phí và dễ bị ô nhiễm nguồn nước do thức ăn tồn đọng. Hiện với, 8 ao nuôi (diện tích mỗi ao từ 200 – 300m2) và 40 bể (diện tích 0,8m2/bể) anh Sơn đang nuôi thả hơn 700 con ba ba gai thương phẩm.
Theo anh Sơn, các hộ nuôi ba ba xã Khai Thái đang nuôi 2 loại là: Ba ba gai và ba ba trơn. Thời gian nuôi ba ba trơn là 2 năm và ba ba gai phải 3 năm mới đạt trọng lượng chuẩn để xuất bán. “Tuy thời gian nuôi lâu hơn, nhưng ba ba gai có trọng lượng gần gấp đôi so với ba ba trơn. Chất lượng thịt ngon hơn ba ba trơn nên giá bán cao hơn. Nuôi ba ba gai đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên tôi áp dụng cách nuôi gối vụ. Bình quân mỗi năm tôi xuất bán hơn 200 con ba ba gai, với giá khoảng 500.000 đồng/kg, tôi dễ dàng thu về nửa tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng” - anh Sơn tiết lộ.
Nhân rộng mô hình
Mới nuôi ba ba cách đây chưa lâu nhưng anh Nguyễn Văn Tiến (thôn Vĩnh Thượng) đã có thu nhập cao từ nghề này. Vừa qua, anh Tiến xuất bán hơn 1.000 con ba ba trơn thu về gần 300 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn, anh còn thu lãi 220 triệu đồng.
Anh Tiến cho biết: “Năm 2013, thấy các hộ dân trong xã có thu nhập cao từ nghề nuôi ba ba, tôi đã mạnh dạn đầu tư cải tạo 3 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi ba ba trơn. Nhờ được các hộ đi trước hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật nuôi ba ba từ cách thiết kế ao nuôi đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho ba ba nên tôi đã thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên. Tôi thấy, nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao gấp mấy chục lần so với trồng lúa”.
Ao nuôi ba ba phải xây tường bao kiên cố và rải cát mịn xung quanh đáy ao. Làm thế để đảm bảo đảm nguồn nước sạch và ba ba có chỗ trú ẩn khi thời tiết thay đổi. Bệnh ba ba hay mắc phải là ghẻ, nấm da, người nuôi cần thường xuyên theo dõi để xử lý kịp thời”.
Anh Nguyễn Văn Tiến
|
Ông Nguyễn Văn Cam – Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Khai Thái cho biết: Nghề nuôi ba ba đã có ở xã Khai Thái từ hơn 15 năm nay. Từ nuôi ba ba nhiều hộ dân mới đây đã có thu nhập vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Xuất phát với vài hộ ban đầu đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ, nuôi tập trung chủ yếu ở thôn Vĩnh Thượng.
“Nghề nuôi ba ba ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật thì còn đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, nên không phải người ND nào cũng có thể làm được. Hàng năm, Hội ND xã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba vay các nguồn vốn ưu đãi như Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ ND… để họ có vốn đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”- ông Cam cho hay.