(TNNN) - Tiềm năng đất đai của vùng đất bazan màu mỡ rất thích hợp cho sự phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế như: cao su, hồ tiêu, cà phê... Tuy nhiên nếu như chỉ độc canh cây cà phê thì nguồn lợi do vườn cà phê mang lại vẫn chưa tương xứng với giá trị đất đai. Do đó, những năm qua một số hộ dân đã thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất, đó là mô hình trồng xen hồ tiêu trong vườn cà phê vừa có tác dụng che bóng, vừa có thêm những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
|
Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê đã được triển khai thành công ở một số địa phương. |
Đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê bằng phương pháp xen canh” do Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai tại xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bước đầu mang lại hiệu quả.
Sau 2 năm triển khai thực hiện đề tài, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ đã xây dựng được nhiều mô hình trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả khác nhau cho giá trị thu nhập cao như: Bưởi, sầu riêng, tiêu… trong vườn cà phê đều đưa lại hiệu quả kinh tế rất tốt, trong đó mô hình trồng hồ tiêu xen cà phê cho hiệu quả cao nhất.
Theo nhiều hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình xen canh ở xã Kim Long thì trước đây cà phê trồng thuần, nếu chăm sóc tốt, bán được giá mỗi ha cũng chỉ cho thu hoạch từ 35-40 triệu đồng, từ khi chuyển sang trồng xen canh với hồ tiêu lợi nhuận tăng gần gấp đôi. Thành công của đề tài đã khuyến khích bà con nông dân huyện Châu Đức áp dụng mô hình trồng xen canh hồ tiêu trong các vườn cà phê đã lên tới gần 3.000ha.
Đến nay một số vườn xen canh bắt đầu cho thu hoạch, ước tính lợi nhuận thu được khoảng 70 triệu đồng/ha/năm. Trung tâm đang tiếp tục hoàn thiện qui trình để tới đây chuyển giao cho nông dân nhằm mở rộng các mô hình tiên tiến này trên phạm vi toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương trồng tiêu khác có điều kiện tương tự nhằm ổn định sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chấm dứt tình trạng đua nhau trồng, đua nhau chặt bỏ như hiện nay.
Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương khác, mô hình này cũng đã được triển khai và mang lại hiệu quả cao cho các hộ trồng. Với sự tìm tòi và luôn mạnh dạn trồng và xen canh nhiều loại cây trồng cho giá trị kinh tế, đến nay có thể nói mô hình trồng cây hồ tiêu xen canh cây cà phê của hộ nông dân Lê Lộc, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập bình quân hàng năm từ 250 triệu đồng đến 350 triệu đồng.
Với diện tích 7.800 m2, năm 2000 anh đã thiết kế và trồng hơn 600 gốc cây cà phê, nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây cà phê kinh tế mang lại thấp, chi phí đầu tư ngày càng cao. Không chịu thất bại, năm 2006 anh mạnh dạn trồng thử nghiệm xen canh hơn 100 gốc hồ tiêu vào trong vườn cây cà phê, lúc đầu chưa am hiểu nhiều về kỹ thuật nên vườn cây hồ tiêu phát triển chậm và sinh trưởng kém. Rút kinh nghiệm từ việc chăm sóc lúc đầu lập nghiệp, năm 2007 anh tiếp tục trồng thêm 300 gốc tiêu vào cà phê. Trong 4 năm kể từ năm 2007- 2010 đến nay sản lượng hồ tiêu xen canh cây cà phê của gia đình anh luôn cho giá trị và sản lượng cao, cây sinh trưởng nhanh, sức đề kháng mạnh và giảm được nhiều rủi ro.
Gia đình anh Nguyễn Văn Chu ở thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng với 1 ha đất ban đầu của ông bà để lại làm vườn, anh không ngại khó khăn, vất vả đầu tư công sức và thời gian khai hoang. Đến nay gia đình anh đã có 3ha trồng cà phê, năng suất thu được hàng năm 10-12 tấn cà phê nhân. Do cà phê đã thoái hóa và già cỗi nên anh quyết định chuyển đổi gần 2ha diện tích cà phê sang trồng thử nghiệm tiêu xen cà phê ghép. Anh đã mạnh dạn trồng 1.200 trụ tiêu xen trong 1,1ha cà phê; trụ tiêu anh trồng là trụ sống, chủ yếu là cây muồng đen.
Đến nay vườn tiêu của gia đình anh đã được 2 năm bắt đầu cho quả bói, năm 2015 anh lại trồng thêm được 600 trụ tiêu. Với cách trồng tiêu xen cà phê như hiện nay, anh chỉ ước tính 1 cây cà phê thu 3-4 kg nhân/năm, tiêu 3 kg khô/trụ. Với giá tiêu hiện tại khoảng 190.000 đồng - 200.000 đồng/kg cao điểm 240.000 đồng/kg, với diện tích canh tác như hiện nay của gia đình anh tương đương hộ khác trồng 8 ha đến 10 ha cà phê và như vậy thu nhập trên một diện tích canh tác khá cao và bền vững.
Mô hình trồng tiêu xen cà phê là một mô hình đầy tiềm năng trong tương lai, vì vậy, để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và tiết kiệm các khoản chi phí đầu vào, bảo vệ môi trường nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững thiết nghĩ cần phải xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình.