Quảng Ninh: Thành công của mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học Biowish
(TNNN) – BioWish là sản phẩm của Tập đoàn BioWish (Hoa Kỳ). Tại Việt Nam, chế phẩm sinh học này hiện đang được phân phối độc quyền bởi công ty TNHH Enzyma.
|
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Thành Long trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với công ty TNHH Enzyma về ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp |
Kể từ khi Trung ương Hội NDVN và công ty TNHH Enzyma ký biên bản thỏa thuận hợp tác về “Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường”; thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã và đang rất tích cực đẩy mạnh việc triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học an toàn, bền vững vào sản xuất và chăn nuôi.
Ngay từ đầu năm 2015, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng với công ty Enzyma Việt Nam tổ chức tư vấn, tập huấn cho gần 200 hộ nông dân tiêu biểu tại các huyện: Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, thành phố Móng Cái, thị xã Quảng Yên… Nội dung chủ yếu hướng dẫn cho các hộ nông dân quy trình sử dụng chế phẩm sinh học Biowish trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
Sau khi được tập huấn, đến tháng 9/2015, Hội Nông dân tỉnh cho tiến hành ứng dụng thí điểm chế phẩm sinh học Biowish trên 4 mô hình gồm: Nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi lợn thịt an toàn sinh học, nuôi gà thịt an toàn sinh học và sản xuất rau an toàn sinh học.
Sau 5 tháng sử dụng, theo đánh giá của các hộ dân cho thấy, chế phẩm sinh học Biowish do Mỹ sản xuất có khả năng thúc đẩy nhanh sự phân huỷ các tổ hợp chất hữu cơ, xử lý chất thải, khử mùi, tăng cường hình thành men vi sinh có ích… Đồng thời, Biowish còn có khả năng chống vi khuẩn, nấm mốc, giúp đất trở nên tơi xốp hơn, giảm được lượng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu cũng như giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, sản phẩm làm ra có chất lượng và mẫu mã đẹp hơn.
Được biết, sau 1 năm ký biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Văn phòng Trung ương Hội NDVN và công ty TNHH Enzyma; hai bên phối hợp làm thí điểm tại 38 tỉnh, thành với trên 600 mô hình các loại, hầu hết các mô hình đều đem lại hiệu quả. Với mục đích nhằm đưa chế phẩm sinh học Biowish được triển khai trên diện rộng, vừa qua (vào ngày 22/4), Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân của 15 tỉnh, thành phố với công ty TNHH Enzyma Việt Nam. |
Trong đó, chế phẩm có tên Biowish Tultibio 3PS được dùng để bổ sung cho thức ăn nuôi tôm, cá có tác dụng giúp tăng tối đa khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho thức ăn, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng tỷ lệ sống; làm giảm tỷ lệ mắc bệnh, nhiễm bệnh, nhất là các bệnh như: Đường ruột, nấm; phục hồi chức năng hệ tiêu hoá sau khi bị bệnh, cải thiện hiệu quả hấp thụ thức ăn, làm giảm chi phí thức ăn (khoảng 10%).
Còn đối với chế phẩm Biowish MultiBio 3PS, được sử dụng để bổ sung cho thức ăn chăn nuôi như: Lợn, gà… chế phẩm này đã giúp cải thiện chế độ tăng trưởng của vật nuôi; tăng khả năng chuyển đổi và hấp thụ thức ăn; giảm chi phí thức ăn (khoảng 10%); tăng sức đề kháng và hệ miễn dịch; giảm khí thải NH3, H2S trong chất thải của lợn, gà.
Theo ông Vũ Thành Long- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã được hưởng lợi từ chế phẩm Biowish, đặc biệt là khi đem thử nghiệm chế phẩm này trên con tôm. Điển hình cho sự đột phá thành công khi ứng dụng chế phẩm sinh học của Biowish vào chăn nuôi tôm là mô hình của hội viên nông dân giỏi Đặng Thị Dịu ở phường Hải Hòa- thành phố Móng Cái.
Thời điểm bắt đầu cho cuộc thử nghiệm là lúc tỉnh bước vào vụ tôm đông. Đây cũng là thời điểm toàn bộ vùng tôm của Móng Cái đang bị bùng phát dịch bệnh trên diện rộng; cộng thêm tình hình thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ rất thấp, trung bình chỉ ở 14 độ C. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm sống đều đạt trên 90%.
Theo kết quả xét nghiệm lấy mẫu nước hàng tuần của các hộ thì môi trường nước trong ao nuôi đã đạt được những tiêu chuẩn đảm bảo tỷ lệ sống là cao nhất. Cụ thể như: Nồng độ khí độc giảm đáng kể, các loại vi sinh vật có hại được kiểm soát trong mức độ cho phép, oxy hòa tan trong nước và kiềm luôn được giữ ở mức ổn định.
Sức khỏe của con tôm nhờ đó được đảm bảo do môi trường nước rất phù hợp. Đặc biệt, lượng vi sinh vật trong chế phẩm được đưa vào hệ tiêu hóa của con tôm đã giúp tăng cường hệ tiêu hóa. Từ đó, con tôm hấp thụ đủ dinh dưỡng và trở nên khỏe mạnh hơn, hệ miễn dịch tốt hơn nên đã có thể kháng bệnh một cách tự nhiên.
Bệnh gan tụy gây nên hiện tượng chết sớm của tôm gần như đã được ức chế, trọng lượng tôm cũng tăng trưởng nhanh một cách tự nhiên. Thêm vào đó, đã hạn chế được các loại hóa chất độc hại nhằm xử lý môi trường nước và đáy ao nuôi cũng như thuốc kháng sinh. Tổng số ngày nuôi giảm trung bình được gần 30 ngày đối với tôm có kích cỡ khoảng 50- 55 con/kg; kích cỡ con tôm khi thu hoạch rất đồng đều nhau.
Trong thời điểm triển khai mô hình, toàn tỉnh có trên 1.000 loại chế phẩm sinh học khác nhau. Lúc bắt đầu thử nghiệm, có rất nhiều điều kiện bất lợi. Tuy nhiên, kết quả rất khả quan. “Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình điểm này”- Ông Vũ Thành Long, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh. |
Từ các mô hình này, nghề nuôi tôm ở Quảng Ninh kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả trong và ngoài nước, góp phần xây dựng nghề nuôi tôm bền vững. Bên cạnh đó, các mô hình nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học còn giúp người nuôi tôm trong tỉnh nâng cao nhận thức về việc đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh của sản phẩm.