Ngoài những kinh nghiệm trong việc chọn giống và chăm sóc, gần như người nuôi bò lai sinh sản nào ở Phổ An cũng “thuộc làu" các biểu hiện, triệu chứng của những căn bệnh thông thường khi vật nuôi của mình mắc phải.
Không chỉ có tỉ lệ bò lai chiếm trên 90%, xã Phổ An, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) còn là địa phương có số hộ tham gia nuôi bò lai sinh sản dẫn đầu của tỉnh với số lượng nuôi từ 2-4 con/hộ, gồm các giống phổ biến, như: Sind, Brahman...
Ông Lê Văn Đính, Chủ tịch Hội ND xã Nghĩa An cho biết: "Nhiều thôn có số hộ gia đình nuôi đông như thôn Quần Huân(250/300 hộ), Hội An 1 (500/713 hộ)..."
Là người tham gia nuôi bò lai từ những năm của thập kỉ 80, ông Trịnh Đông Chấn (60 tuổi), ở thôn An Thạch, xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tâm sự: "Con giống nuôi nên chọn có các đặc điểm, như: Mông nở, mình bầu, bụng tròn, loa miệng (phần mõm) to rộng... sẽ mau lớn, dễ sinh và ăn uống tốt hơn".
"Bò lai sinh sản có nguồn gốc ngoại nhập nên không thể nuôi theo kiểu truyền thống chuồng nhốt xập xệ, nền ẩm ướt nhầy nhụa đầy phân được", ông Chấn bày tỏ.
Theo đó tùy theo điều kiện kinh tế hộ nuôi mà việc làm chuồng trại của từng gia đình khác nhau. Chi phí làm chuồng khoảng từ 20-50 triệu đồng/chuồng. Ở Phổ An hiện nay, chuồng nuôi phổ biến có mái lợp tôn, hoặc ngói, trụ bê tông, nền xi măng... với diện tích nhốt từ 6-7m2/ngăn.
Cần luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ không để ẩm ướt và tuyệt đối không bỏ rơm rạ xuống nền để lót. Vì như vậy rất dễ làm cho bò lai bị các bệnh ở móng do vi khuẩn.
Ngoài rơm rạ ngoài đồng, cỏ trồng các giống như VA 06, cỏ sả... khẩu phần ăn cho bò lai sinh sản còn được bổ sung cám tổng hợp, cháo...
Đặc biệt trong giai đoạn mang thai gần sinh, thì tỉ lệ cháo và các thức ăn tinh cần bổ sung vào khẩu phần ăn cho bò cao gấp đôi bình thường. Đồng thời phải tăng cường cho bò đang mang thai vận động bằng cách thường xuyên chăn dắt để bò dễ sinh. Sau khi sinh, nên cho bò mẹ ăn thêm cám tiết sữa.
Nói về loại bệnh mà bò lai hay mắc phải, nhiều người dân Phổ An cho biết phổ biến nhất là bệnh Tụ huyết trùng. Bệnh này thường diễn ra vào thời điểm mùa hè, trời nắng nóng với các triệu chứng như: Mũi khô, hơi thở nóng, làm biếng ăn, lông xù...
"Có thể dùng một số loại nhóm kháng sinh để điều trị, thế nhưng tốt nhất là gọi cho cán bộ thú y đến xử lý nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến sinh sản sau này của bò lai", ông Lê Chung, Chi hội trưởng ND thôn Hội An 1, cho biết.
Dù được xem là phụ, thế nhưng nuôi bò sinh sản đã trở thành một trong những nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân ở xã Phổ An, với lợi nhuận trên 40 triệu đồng/hộ/năm.