Thiếu cái thế phóng khoáng của nhiều miền đất từng qua và mỗi ngôi làng cứ như một nốt lặng giữa bản nhạc cuộc sống đang sôi động, xã Sró (huyện Kông Chro, Gia Lai ) vẫn cứ cuốn hút tôi... Ngẫm có lẽ hồn dân tộc nơi này đã quyện vào từng thớ đất…
Đang trong những ngày nắng hạn khốc liệt, con đường bê tông nối thị trấn Kông Chro với Sró như vồng lên dưới cái nắng xói xuống liên miên như quạt lửa. Trên mỏm đồi vài chỏm cây rừng còn sót lại dầm chân trong lớp tro đen, ran rả tiếng ve gào thảng thốt… Đất Kông Chro này đâu cũng vậy. Ngay cả mùa mưa thì cái vỏ xanh bên ngoài cũng thật mỏng manh với quả cầu lửa luôn âm ỷ trong lòng. Hạt lúa gầy, ngọn cỏ cũng gầy cả trong mùa xanh sự sống…
Sró – vùng căn cứ cách mạng thuộc Khu 7 (tên huyện Kông Chro thời chống Mỹ) đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng đã đến Sró một đôi lần nhưng tôi chưa gặp ai từng trải cuộc đời qua những năm tháng mà hình ảnh cây kơ-nia là biểu tượng của tấm lòng trung bất diệt… Cứ nghĩ những năm tháng hào hùng ấy giờ chỉ còn trên sử sách thì nhân chứng vẫn còn đây: Cụ Đinh Truk (80 tuổi), không chỉ lão thành với đường dài theo cách mạng, ông cụ có lẽ còn “lão thành” trên cả cương vị lãnh đạo: 35 năm là Bí thư xã Sró này…
Chỉ một nguồn: cách mạng...
…Lên 13 tuổi, đứng còn thấp hơn sàn chòi lúa đã được ông Đinh Nhông giác ngộ. “Thằng Pháp đến cướp nước mình, phải đuổi nó đi để giành độc lập tự do, tiến lên Chủ nghĩa xã hội”. “Độc lập – tự do” là cái gì ? Ông Nhông giảng: Độc lập – tự do là muốn đi đâu cũng được, làm gì cũng được… Thế còn “Chủ nghĩa xã hội”? Ông Nhông nói dài nhưng ý là- cái xã hội ấy cho người Ba Na, Jrai được học hành; ăn mặc sung sướng thế nào cũng có… Vậy thì ưng bụng quá rồi, đánh Pháp dù chết cũng vui…
Nhờ sự giao thoa này mà đồng bào các làng đã giảm bớt được khá nhiều lệ tục lạc hậu. Tình hình an ninh chính trị thì còn tuyệt với hơn: Ở Sró không hề có chuyện tà đạo, chuyện vượt biên trái phép. Kẻ xấu nếu đến gieo rắc luận điệu phản động, truyền đạo trái phép sẽ không có chỗ đặt chân.
|
Pháp đóng đồn ở Puih Xró. Cứ mươi hôm nó lại càn quét các làng, bắt bò, heo; bắt đàn bà hãm hiếp. Chạy trốn vào rừng mãi, con nít, người già chết nhiều quá. Cứ thế này thì hết mất người Ba Na, phải thành lập du kích để đánh lại nó. Đinh Truk nhanh nhẹn được làm tiểu đội trưởng.
Du kích chỉ có lựu đạn với gươm, phải chờ Pháp ra khỏi đồn đi càn thì phục kích nó bằng bẫy chông, mang cung. Ba lần tổ chức phục kích đồn Sró, cuối cùng Đinh Truk và anh trai bị bắt. Pháp hỏi: Vì sao mày làm du kích? Đáp: Học người Kinh thôi. “Lựu đạn để đâu ?” - Ném vào người Pháp hết rồi! Pháp tức lấy nước xà phòng đổ vào miệng rồi giẫm lên bụng; đút dương vật vào miệng đái… Suốt 18 con trăng không moi được gì, Pháp phải thả ra…
Đánh Pháp đã gian khổ nhưng cái khổ ấy so với đánh Mỹ con thua xa… Mỹ - Diệm lên “tố cộng” lùng bắt cán bộ. Không ai chỉ, nó bắt từng người đổ nước mắm vào mũi, vào miệng rồi lấy cây dận lên bụng… Nhằm những đêm thật rét, nó bắt dân làng cởi quần áo rồi dìm xuống vũng trâu đằm. Không khai, nó kéo đến đống lửa cho hong một lúc rồi kéo ra dìm tiếp… Núi rừng, làng mạc thành than vì chất độc hóa học.
Làm ra hột lúa nhọc nhằn còn hơn cả đeo tảng đá leo núi Kông Chro. Thế nhưng có được bao nhiêu là bộ đội một nửa, dân một nửa. Ai cũng một bụng thà ăn củ mì nhiễm chất độc chứ không để bộ đội đói cơm đánh giặc… Nhà Đinh Truk hồi đó cũng như bao người, chồng đi thoát ly, vợ ở nhà làm rẫy nuôi bộ đội. Sinh 7 đứa con chỉ sống được 3 vì đói cơm, thiếu thuốc… Gian khổ trùng trùng như núi Chư Ro nhưng suốt gần ba chục năm đánh pháp, đánh Mỹ, dân các làng Sró không một ai đi lính cho giặc; Fulro không dám đặt chân…
“Giây phút chạnh lòng”
Trên miên man màu đất chết, mùa này gần như chỉ cánh đồng là B’gia còn chút màu xanh. Năm sản xuất một vụ và vẫn chỉ với hai thứ cây quen thuộc là khoai mì và lúa rẫy, Sró đương nhiên là nghèo. Phó Bí thư Đảng ủy xã Phạm Đức Đua cho hay, toàn xã 721 hộ thì có đến 509 hộ nghèo… Rít một hơi thuốc, đưa cặp mắt đăm chiêu nhìn về rặng núi xa mờ, Đinh Truk nhẩn nha – dường như không phải với khách mà kể với chính ông.
Ai đến Sró chỉ trước những năm 2004 thôi, giờ con mắt đã thấy lạ nhiều điều. Nhà nước ưu tiên vùng căn cứ, cho điện - đường – trường – trạm đủ hết, thế mà dân vẫn nghèo… Nói nắng gió bao đời đã vắt kiệt đất, rừng mỗi ngày mỗi xa con người thì đúng mà cũng còn chưa đúng. Cùng sống trên đất này, cùng hưởng cái nắng, cái gió như nhau mà bà con ở hai thôn Kinh mới vào năm 2004 đã có người làm giàu.
Kể thì người Ba Na cũng có mấy hộ như ông Pít, ông Kươk, ông Pét làm ăn được, nhưng so với anh em Kinh thì còn thua xa… Cũng là tại cái đầu cả thôi. Nếp nghĩ chỉ cần làm đủ ăn thời ông bà chưa dứt được nên cứ ngại theo cái mới. Bên mắt mình đây, bà con Kinh trồng mía làm giàu mà người Ba Na đâu đã có ai theo… Tệ hơn, có người lại cho nghèo là… sướng. Thế nên mình đi vận động, nó cãi lại với cái lý thế này: Ông siêng làm nên được ăn gạo đỏ (gạo rẫy của đồng bào màu đỏ, nấu cơm cứng, không ngon). Tôi nhác làm thì được ăn gạo trắng của người Kinh (!).
Tôi phải bật cười bởi câu cuyện “đậm chất đồng bào” của ông cụ… Thực ra thì không riêng gì Sró, phần lớn các xã thuộc vùng căn cứ cách mạng trong chiến tranh bây giờ đều trong tình trạng tương tự. Điều này cũng dễ hiểu bởi đấy là những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trở ngại về giao thương, thiếu thông tin và sự cọ xát xã hội đã khiến các địa phương này tụt hậu…
Tuy nhiên điều quý giá khó tìm ở những nơi khác mà ông cụ chưa thấy - ấy là một cuộc sống bình yên gần như lý tưởng… Sró bây giờ vẫn còn nhiều chuyện mà các làng nơi khác đã lùi về tít tắp - chẳng hạn lúa tuốt về cứ để luôn ngoài chòi rẫy, ăn đến đâu lấy về đến đấy mà không sợ mất. Chuyện trộm cắp trong các làng nếu có chỉ đôi vụ vặt vãnh mà rất ít khi xảy ra. Hai thôn kinh tế mới người Kinh và người Ba Na sống hòa thuận, không có chuyện xích mích hay tranh chấp đất đai; hơn thế các thôn còn thành lập hội kết nghĩa để giao lưu, giúp nhau cách làm ăn… Nhờ sự giao thoa này mà đồng bào các làng đã giảm bớt được khá nhiều lệ tục lạc hậu. Tình hình an ninh chính trị thì còn tuyệt với hơn: Ở Sró không hề có chuyện tà đạo, chuyện vượt biên trái phép. Kẻ xấu nếu đến gieo rắc luận điệu phản động, truyền đạo trái phép sẽ không có chỗ đặt chân…
Và đấy mới là lý do tôi tin rằng nhất định sẽ có một ngày Sró vượt lên. Xây cái mới trên sự thuần khiết, yên bình bao giờ chẳng thuận hơn là xây cái mới trên sự khấp khểnh của lòng người… Hoàng hôn chín sẫm trên đầu núi. Màu nắng một ngày ác liệt nhạt dần. Đến quán nước đầu làng đã nghe nhịp chày giã gạo đâu đây văng vẳng. Cái âm thanh gợi nên một cái gì trầm ấm thanh bình chỉ ở Sró này tôi mới lại được nghe…