Mô hình DĐĐT triển khai tại xứ đồng Cát Phú Thạnh đã thực sự mang lại hiệu quả, khắc phục được tình trạng đất đai manh mún, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa SX...
|
Xứ đồng Cát sau khi được DĐĐT đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô lai mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Để tiến tới phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công tác quy hoạch đất SXNN và dồn điền đổi thửa ở xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa (Phú Yên) được quan tâm đặc biệt. Mô hình dồn điền đổi thửa thực hiện tại đồng Cát được thí điểm thành công.
Đi tắt đón đầu
Cách đây 3 năm, việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đã trở thành vấn đề “thời sự” của nông dân xã Hòa Quang Nam. Mới mẻ quá nên khó vận động nông dân. Thế nhưng muốn phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa thì dù khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện cho được việc DĐĐT.
Xác định như thế nên dù khó mấy cũng làm, quyết tâm cao bao trùm cả hệ thống chính trị đến lãnh đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam. Cánh đồng Cát nằm trên địa bàn thôn Phú Thạnh là điểm được chọn triển khai.
“Việc DĐĐT được chúng tôi thực hiện từ vụ hè thu năm 2013 tại xứ đồng Cát, diện tích thực hiện ban đầu là 13,5ha. Hiệu quả mang lại đã tạo được niềm tin trong nông dân, nhờ đó đến nay diện tích DĐĐT đã tăng đến 20ha”, ông Phan Văn Thuận, GĐ HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam, nhớ lại.
Để làm được điều này, những người có trách nhiệm ở xã Hòa Quang Nam đã phải vượt qua nhiều chướng ngại. Bởi lẽ, dù chỉ có 20ha nhưng có đến hàng ngàn thửa ruộng, đồng nghĩa có hàng ngàn chủ đất. Để vận động hàng ngàn nông dân chuyển canh tác sang những thửa ruộng khác không phải chuyện dễ, cả hệ thống chính trị của xã đã phải nhập cuộc với quyết tâm cao nhất mới đạt được thành công.
“UBND xã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam liên tục tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, đối với những hộ “khó thông”, chúng tôi còn đến tận nhà phân tích cặn kẽ lợi ích của việc DĐĐT. Vận động vài ba lần chưa thông thì vận động tiếp, cuối cùng cũng hoàn thành. Phải mất cả năm việc DĐĐT 20 ha đất mới thành công”, ông Thuận cho biết thêm.
Nhờ đi tắt đón đầu trong công tác DĐĐT, nên vào vụ ĐX 2015-2016, UBND tỉnh Phú Yên triển khai Dự án phát triển thử nghiệm vùng nguyên liệu ngô, xã Hòa Quang Nam đã được chọn để triển khai vì đã có diện tích đất tập trung.
Hiệu quả rõ rệt
“Mô hình DĐĐT triển khai tại xứ đồng Cát Phú Thạnh đã thực sự mang lại hiệu quả, khắc phục được tình trạng đất đai manh mún, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cơ giới hóa SX, quy hoạch các vùng SX chuyên canh tại địa phương, từng bước tiến tới phát triển SX theo hướng hàng hóa.
Thời gian tới, xã Hòa Quang Nam sẽ tiếp tục DĐĐT tại xứ đồng Mũi Dài và 1 số khu vực khác để tiếp tục tham gia Dự án Phát triển thử nghiệm vùng nguyên liệu ngô giai đoạn 2 của tỉnh do Cty TNHH Kinh doanh XNK Vạn Thắng thực hiện ”, ông Đặng Nho Hào, Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam.
|
Sau khi được UBND xã giao quản lý xứ đồng đã được DĐĐT, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam cho phá bỏ bờ thửa, san ủi và quy hoạch thành vùng chuyên SX lúa giống của HTX. Bà con nông dân bắt đầu thực hiện đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa vào SX nên hiệu quả canh tác được nâng lên đáng kể.
Trước khi DĐĐT, ở xứ đồng này năng suất lúa bình quân chỉ khoảng 250kg/sào, sau đó đạt đến 300kg/sào. Cá biệt có những diện tích bà con đầu tư thâm canh tốt, năng suất lúa đạt hơn 350kg/sào.
Nông dân Nguyễn Công Yên ở thôn Nho Lâm, cho biết: “Sau khi DĐĐT, gia đình tôi được phân bổ 1 thửa ruộng rộng đến 5.000m2 ở khu đồng Cát Phú Thạnh để SX lúa giống. Nhờ ruộng đất tập trung nên việc đi lại làm đồng, chăm sóc, thâm canh cho cây lúa được thuận tiện hơn, hiệu quả SX được nâng lên rõ rệt. Vụ hè thu 2015, gia đình tôi thu hoạch được hơn 3 tấn lúa giống, cao hơn trước rất nhiều”.
Còn theo bà Trương Thị Hoa ở thôn Mậu Lâm Nam, từ khi gia đình bà được HTX giao 4.000m2 đất ruộng ở đồng Cát Phú Thạnh; qua mấy mùa liền, mùa nào năng suất lúa cũng đạt gần 350kg/sào. Có được kết quả này là nhờ diện tích ruộng không còn bị chia nhỏ như lúc trước, nên gia đình bà đưa được máy móc vào SX từ khâu gieo sạ cho đến thu hoạch, chi phí đầu tư giảm đáng kể.
Theo HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam, sau khi DĐĐT, khu đồng Cát Phú Thạnh được phân bổ cho 21 hộ thành viên của HTX canh tác. Bình quân, mỗi thành viên được giao từ 4.000 - 5.000m2. Trong vụ ĐX và hè thu các năm 2014-2015, HTX hướng dẫn bà con kỹ thuật SX lúa giống, tạo thành cánh đồng mẫu chuyên SX lúa giống chất lượng cao để cung ứng cho nông dân địa phương.
Bước sang vụ ĐX 2015-2016, xứ đồng Cát được UBND tỉnh Phú Yên chọn làm điểm triển khai trồng thử nghiệm ngô lai trên đất lúa, hiệu quả càng được tăng cao.
Nông dân Nguyễn Văn Sinh ở thôn Phú Thạnh, phấn khởi cho hay: “Lúc còn SX lúa giống cho HTX, thu nhập trên cùng diện tích của bà con đã được nâng cao đáng kể. Đến khi tham gia chuyển đổi từ SX lúa sang SX ngô lai, lợi nhuận của bà con còn được nhân đôi so với cây lúa”.