|
Vườn cây |
Sau nhiều năm cây bưởi cho giá trị kinh tế hơn nhiều so với trồng lúa và một số loại cây trồng khác, giai đoạn 2015-2020, Huyện ủy Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã ban hành nghị quyết trồng bưởi trên một số diện tích chân vàn cao cấy lúa, trồng màu nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Thời điểm này ở xã Lương Phong, những vườn bưởi đã ra quả non sai lúc lỉu. Ông Nguyễn Trung Đọc, thôn Vân An cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, bưởi có giá cao hơn hẳn so với những năm trước. Đầu vụ 25 nghìn đồng/quả, về sau 30 nghìn đồng/quả nên với hơn một mẫu bưởi, gia đình tôi thu được hơn 100 triệu đồng”.
Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Bẩy, thôn Sơn Quả 3 cũng thu được hơn 70 triệu đồng tiền bưởi. Thương nhân về tận nơi thu mua, nhiều thời điểm ông không đủ cung cấp theo nhu cầu.
Diện tích trồng tập trung khoảng 100ha nên cứ khoảng đầu tháng 12 dương lịch hằng năm, thương nhân ở Hà Nội, Thái Nguyên lại tụ hội về Lương Phong để chọn, đặt hàng.
Ông Nguyễn Văn Đê, Chủ tịch Hội Nông dân xã nhẩm tính, 1 sào bưởi trồng được khoảng 30 cây, mỗi cây cho trung bình 50 quả (cây từ 3 năm trở lên), giá bán 25 - 30 nghìn đồng/quả, doanh thu đạt từ 30 - 35 triệu đồng/sào/năm, sau khi trừ chi phí lãi 25 triệu đồng. Trong khi đó, nếu cấy lúa chỉ thu lãi hơn 1 triệu đồng/sào/năm. Như vậy, trồng bưởi lãi gấp hơn 20 lần so với cấy lúa.
Cùng chung niềm vui với bà con xã Lương Phong, nhiều hộ tại các xã Ngọc Sơn, Xuân Cẩm, Hùng Sơn cũng thu nhập cao từ trồng bưởi. Do hiệu quả kinh tế từ bưởi mang lại khá cao nên người dân nơi đây ham làm vườn, tỷ mỉ chăm sóc cây; tỉa cành, dọn vệ sinh vườn tược. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện, vụ bưởi vừa qua, các hộ trồng bưởi có một năm trúng lớn, hộ trồng ít thu vài chục triệu, hộ trồng nhiều thu hàng trăm triệu đồng.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Hiệp Hòa, toàn huyện có gần 200ha bưởi Diễn. Những năm qua, nhằm góp phần thúc đẩy mở rộng diện tích cây trồng này, đơn vị chuyên môn của huyện, Sở NN-PTNT, Học viện Nông nghiệp VN phối hợp tổ chức bình tuyển cây đầu dòng; xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình an toàn tại xã Lương Phong; xây dựng nhãn hiệu tập thể bưởi Lương Phong; tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, hỗ trợ một phần giá giống cho nông dân khi trồng bưởi.
Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đang thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận bưởi Hiệp Hòa dùng cho sản phẩm bưởi của địa phương này. Đây là dự án do UBND tỉnh giao trực tiếp cho đơn vị gồm các nội dung: Cấp nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho bưởi Hiệp Hòa, mở rộng vùng nguyên liệu, hoàn thiện quy trình chăm sóc... |
Trước hiệu quả kinh tế mà cây bưởi đem lại cộng với điều kiện địa bàn có diện tích chân vàn cao lớn, Huyện ủy Hiệp Hòa ban hành Nghị quyết chuyên đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng trồng bưởi trên diện tích cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả.
Theo đó xác định, trước mắt cải thiện, nâng cao chất lượng gần 200ha bưởi hiện có trong toàn huyện; đến năm 2020 phấn đấu trồng mới 130ha bưởi.
Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây ăn quả; tạo điều kiện cho người dân chuyển đất vườn tạp, đồi cao, đất cấy lúa một vụ không ăn chắc sang trồng bưởi; xây dựng vùng sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản; tạo lập chứng nhận nhãn hiệu tập thể bưởi Hiệp Hòa.
Đồng hành với đơn vị chuyên môn, Hội Nông dân huyện vừa triển khai đề án mở rộng diện tích trồng bưởi trên chân đất trồng lạc tại xã Châu Minh, Xuân Cẩm với quy mô gần 20 ha để từng bước nhân rộng. Tham gia mô hình, nông dân phải thực hiện dồn đổi, bảo đảm đủ diện tích 3 sào, được hỗ trợ một phần giá giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Tổng kinh phí đề án hơn 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện.
Tuy lợi nhuận mà bưởi mang lại khá cao nhưng điều đáng ngại hiện nay là nhiều hộ chưa chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc nên chất lượng sản phẩm không đồng đều. Đơn cử như vụ bưởi vừa qua, nhiều hộ tại xã Lương Phong phải loại bỏ một phần quả do quả quá to, khô, vị không ngọt.
Nhằm khắc phục hạn chế này, tổ chức đoàn thể tại xã Lương Phong đã tổ chức đoàn thăm quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang); đồng thời mời những người giỏi làm vườn ở Lục Ngạn về tận địa bàn, ăn ở với gia chủ để hướng dẫn người dân chăm sóc theo hình thức “cầm tay chỉ việc” để lấy lại chất lượng bưởi Lương Phong; phối hợp với đơn vị cung ứng phân bón lựa chọn công thức bón phù hợp.