|
Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn |
Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng ở Việt Nam đã chứng tỏ tính ưu việt đột phá trong canh tác nông nghiệp so với phương thức truyền thống. Lợi ích cũng như hiệu quả của tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giờ không chỉ được quan tâm trên cây rau màu mà ngay cả đối với cây công nghiệp, chẳng hạn như cây mía, càphê, chè….
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt và Viện Chăn nuôi, hiện cây mía được trồng ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước với diện tích khoảng 285.000ha. Tuy nhiên, vùng mía nguyên liệu cung cấp cho việc chế biến đường chỉ tập trung chủ yếu ở 25 tỉnh (255.000ha, chiếm 89%).
Một thực tế đáng lo ngại là hầu hết vùng nguyên liệu được trồng trên các vùng đồi, bãi nên việc chủ động được nguồn nước tưới rất khó khăn, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước trời. Vì thế năng suất mía những vùng này thường rất thấp, chỉ dao động từ 40 - 60 tấn/ha.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nước tưới là yếu tố quan trọng để năng suất mía. Nếu được tưới đầy đủ năng suất mía có thể tăng đến 50 - 60% so với không tưới. Tuy nhiên, diện tích mía được tưới trên cả nước chỉ chiếm hơn 30% (tập trung chủ yếu ở khu vực ĐBSCL). Trong bối cảnh ngành mía đường đối mặt với nhiều khó khăn, việc ứng dụng khoa học công nghệ, đưa các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào sản xuất được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới.
Thanh Hóa là tỉnh có quy mô phát triển mía đường lớn, sản lượng chiếm khoảng 25% cả nước và trên 50% khu vực Bắc Trung bộ. Toàn tỉnh có gần 32.000ha mía nguyên liệu, cung cấp cho Cty CP Mía đường Lam Sơn; Cty CP Mía đường Nông Cống và Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan. Toàn tỉnh có 41 công trình phục vụ tưới cho cây mía với tổng diện tích được tưới là 2.680ha, trong đó mới chỉ có 228ha áp dụng công nghệ tưới tiên tiến của hãng Netafilm - Israel (thuộc vùng nguyên liệu của Cty Mía đường Lam Sơn).
Hiện tỉnh Thanh Hóa đang triển khai đầu tư dự án hạ tầng thủy lợi phục vụ tưới mía cho 610ha trên địa bàn 5 huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Nông Cống, Thường Xuân và Như Thanh với kinh phí 110 tỷ đồng.
Kết quả thực tế cho thấy, nếu so với phương thức tưới truyền thống trước đây, thì việc áp dụng theo cách mới đã có nhiều đột phá, có thể tiết kiệm từ 30 - 50% lượng nước, ngược lại năng suất tăng đến 80 - 120% so với không tưới (đạt 90 - 110 tấn/ha).
Mô hình ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng được nông dân Ninh Thuận sử dụng để ứng phó với hạn hán nhằm tiết kiệm nguồn nước tưới, đồng thời giảm chi phí đầu vào nhưng cây trồng vẫn tăng năng suất.
Ông Hùng Ky , người dân tộc Chăm, ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trước đây gia đình ông là hộ nghèo của xã. Sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn, bởi đây là vùng khô hạn, thiếu nước tưới. Để có nước sản xuất, ông Ky cũng như nông dân nơi đây phải khoan giếng lấy nước ngầm tại chỗ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hạn hán liên tục kéo dài, nguồn nước ngầm càng trở nên khan hiếm và cạn kiệt.
Thời gian trước, người dân nơi đây khoan giếng ở độ sâu 6-7m là có nước và có thể bơm tưới liên tục nhiều giờ liền. Nhưng vài năm gần đây phải khoan sâu tới 15-20m mới có nước, nhưng nguồn trong giếng cũng rất ít ỏi.
Cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án “Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung bộ tại Ninh Thuận,” ông Hùng Ky đầu tư 80 triệu đồng vào hệ thống tưới phun mưa cho vườn rau màu của gia đình.
“Hệ thống tưới này không chỉ giúp ông tiết kiệm được nhiều nước tưới, giảm 70% công lao động, giảm 50% phân bón mà năng suất lại cao gấp đôi.” – ông Ky cho biết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho hay, với lợi ích và hiệu quả của hệ thống tưới tiết kiệm mang lại, từ những mô hình như gia đình ông Ky, đến nay toàn xã An Hải đã có khoảng 150ha cây trồng được áp dụng công nghệ tưới này.
Áp dụng công nghệ tưới tiên tiến là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra phức tạp và khó lường. Phương pháp này vừa tiết kiệm được nguồn nước, vừa giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV lại tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, đó là những tín hiệu rất đáng mừng. Người nông dân hoàn toàn có thể tính toán để phục vụ quá trình sản xuất. Muốn làm được điều đó, các địa phương phải tích cực triển khai, áp dụng cơ chế chính sách hợp lý, thông thoáng để khuyến khích bà con áp dụng.